Các thủ đoạn, chiêu trò trốn thuế bất động sản

Tổng cục Thuế đã chỉ ra 3 thủ đoạn, chiêu trò cơ bản của những đối tượng trốn thuế, tránh thuế.
Tổng cục Thuế đã chỉ ra các thủ đoạn, chiêu trò trốn thuế bất động sản. (Ảnh minh hoạ: Int)
Tổng cục Thuế đã chỉ ra các thủ đoạn, chiêu trò trốn thuế bất động sản. (Ảnh minh hoạ: Int)

Thời gian qua Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp phối hợp với cơ quan Công an quản lý địa bàn, chuyển cơ quan Công an điều tra các trường hợp có dấu hiệu trốn thuế, không kê khai, hoặc kê khai giá trên hợp đồng, hóa đơn thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng. Mới đây, Tổng cục Thuế đã chỉ ra 3 thủ đoạn, chiêu trò cơ bản của những đối tượng trốn thuế, tránh thuế.

Thứ nhất, hợp đồng chuyển nhượng là giao dịch dân sự giữa các bên và có thể thỏa thuận bằng văn bản và có thể thỏa thuận bằng lời nói, thực tế hiện nay phát sinh trường hợp chuyển nhượng BĐS với giá thể hiện trên hợp đồng không đúng với giá thực tế giao dịch. Theo đó có thể tồn tại song song 2 loại hợp đồng:

Hợp đồng chuyển nhượng BĐS có công chứng chứng thực theo quy định với giá nhà đất khai thấp hơn nhiều so với giá đất thực tế giao dịch để làm thủ tục đăng ký biến động;

Hợp đồng viết tay do hai bên tự ký ghi theo giá thực tế giao dịch để phòng ngừa khi tranh chấp tại Toà. Thực tế có nhiều trường hợp hồ sơ mới trúng đấu giá đất sau khi có giấy chứng nhận đã làm hợp đồng bán lại giá thấp hơn nhiều giá trúng đấu giá hoặc bằng giá của UBND.

Thứ hai, đối với hợp đồng chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai thì giá trị Hợp đồng mua bán nhà ở, công trình xây dựng trong tương lai của bên thứ 2 cho bên thứ 3 cũng chỉ ngang bằng giá đã mua của chủ đầu tư hoặc khi đã được cấp sổ thì nhà đầu tư sẵn sàng khai báo thấp hơn giá của chủ đầu tư, nhằm trốn thuế, tránh thuế.

Thứ ba, hai bên mua và bán chuyển nhượng BĐS không ký kết hợp đồng chuyển nhượng mà ký kết hợp đồng ủy quyền (trong đó người được ủy quyền có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với BĐS) nhằm tránh thuế TNCN từ chuyển nhượng BĐS.

Trên thực tế, việc trốn thuế của người bán, người mua vẫn diễn ra. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, hàng loạt tổ chức, cá nhân vướng vào vòng lao lý về tội trốn thuế khi tiến hành chuyển nhượng BĐS đã bị cơ quan công an khởi tố, bắt giam.

Đơn cử vào giữa tháng 3, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tống đạt quyết định bắt tạm giam, khởi tố bị can Lê Anh Đức - Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ BĐS Vincomreal, đối tượng này ký hợp đồng chuyển nhượng 70 lô đất nền tại huyện Long Điền với giá 700 triệu đồng/lô, nhưng trong hợp đồng công chứng chuyển nhượng lại chỉ ghi 50 triệu đồng/lô.

Tương tự, cuối tháng 9, Công an tỉnh Bình Định quyết định bắt tạm giam, khám xét nơi ở, khởi tố bị can Ngô Thị Điều - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng và du lịch An Phú Thịnh ở tỉnh Bình Định, do sử dụng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có giá trị chuyển nhượng không đúng với thực tế, tài liệu không hợp pháp để cơ quan thuế xác định sai số tiền thuế phải nộp, mục đích là giảm số tiền thuế phải nộp.

Với sự nổi cộm về việc “lách luật” như vậy, cơ quan chức năng đã nhiều lần lên tiếng tuyên truyền, nhắc nhở và giám sát. Cuối năm 2021, Bộ Tài chính đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Tổng cục Thuế về việc tăng cường chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS.

Sau đề nghị của Bộ Tài chính, nhiều địa phương đã có các văn bản để chỉ đạo và siết chặt tình trạng này. Cụ thể, theo công văn của Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh khi giải quyết thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, văn bản về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở gắn với đất…

Hay UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Tương tự, trong năm nay, Sở Tư pháp TP.Đà Nẵng cho biết, cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức hành nghề công chứng nhằm phát hiện các hồ sơ công chứng có dấu hiệu "ký gửi", "ký chờ"; kê khai giá chuyển nhượng tại hợp đồng công chứng thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng nhằm trốn thuế để chuyển cho Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố xác minh, điều tra xử lý theo quy định pháp luật…

Trước đó, vào khoảng giữa năm 2021, Cục Thuế TP. Hà Nội đã lên tiếng cảnh báo tình trạng vi phạm pháp luật, khai sai giá BĐS để trốn thuế.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) cho rằng, cần kiểm soát chặt chẽ việc lập hợp đồng mua bán, chuyển nhượng BĐS để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi trốn thuế, lừa đảo. Theo đó, HoREA từng đề xuất ban hành thuế chống đầu cơ nhà, đất; đánh thuế thu nhập thuế suất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng nhà, đất ngay sau khi tạo lập để triệt tiêu ý chí đầu cơ của nhà đầu tư.

HoREA đề xuất mức thuế suất rất cao nếu bán, chuyển nhượng nhà, đất trong năm đầu tiên và giữ mức thuế suất cao trong năm thứ hai, thứ ba. Các trường hợp bán, chuyển nhượng nhà, đất sau khi tạo lập được ba năm hoặc chứng minh được nhu cầu bán, chuyển nhượng nhà, đất là chính đáng thì áp dụng thuế suất bình thường. Như vậy, sắc thuế này sẽ không ảnh hưởng đến người mua nhà để ở, có nhu cầu tạo lập nhà ở thực.

Có thể bạn quan tâm