Trong những năm gần đây, xe máy điện đã và đang trở thành xu hướng tất yếu tại Việt Nam trong bối cảnh đô thị ô nhiễm, giá xăng dầu biến động và các chính sách hướng tới giao thông xanh, đặc biệt là sau chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển nhanh chóng về số lượng phương tiện là bài toán hạ tầng – đặc biệt là trạm sạc – đang đặt ra nhiều thách thức lớn về tính đồng bộ, tính khả dụng và tốc độ mở rộng. Vấn đề này trở nên đặc biệt cấp thiết khi Thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố đề án chuyển đổi hàng trăm nghìn xe xăng sang xe điện cho lực lượng giao hàng và tài xế công nghệ.
Bức tranh hạ tầng sạc: Rộng nhưng chưa đủ
Theo số liệu công bố từ VinFast và đối tác nhượng quyền V-Green, Việt Nam hiện đã có hơn 150.000 cổng sạc công cộng – một con số tưởng chừng rất ấn tượng. Tuy nhiên, khi nhìn sâu hơn, dễ thấy rằng hạ tầng này vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của xe máy điện.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi có khoảng 400.000 tài xế công nghệ – nhóm khách hàng mục tiêu của đề án chuyển đổi xanh – chỉ mới có khoảng 600 điểm sạc được bố trí, tập trung chủ yếu ở các trạm xe VinFast, cây xăng, trung tâm thương mại hoặc đại lý xe.
Điều này khiến phần lớn người dùng buộc phải sạc tại nhà – điều không phải lúc nào cũng khả thi, đặc biệt tại các khu chung cư hoặc khu trọ đông dân. Trong khi đó, các tài xế giao hàng – nhóm người có nhu cầu di chuyển liên tục – lại bị giới hạn bởi số lượng trạm sạc ít ỏi và vị trí không thuận tiện. Rõ ràng, hạ tầng hiện tại vẫn chưa thật sự “mở đường” cho xe điện hai bánh phát triển toàn diện.
Những mô hình đang được triển khai
Dưới góc nhìn tích cực và kinh nghiệm từ các nước khác trên thế giới, nhiều doanh nghiệp trong nước đang chủ động đưa ra các mô hình giải pháp khác nhau để lấp đầy khoảng trống này.

Trước tiên có thể nhắc đến trạm sạc chính hãng và nhượng quyền VinFast cùng đối tác V-Green đang dẫn đầu thị trường với mô hình trạm sạc nhượng quyền – nơi bất kỳ ai có mặt bằng đạt chuẩn đều có thể đầu tư để mở trạm. Mô hình này vừa giúp doanh nghiệp mở rộng độ phủ, vừa giúp người dân có cơ hội kinh doanh và đóng góp vào hệ sinh thái xe điện.
Ngoài ra, các doanh nghiệp như TMT Motors hay PV Power cũng đang hợp tác để xây dựng các trạm đa thương hiệu, hướng đến phục vụ mọi loại xe điện trên thị trường.
Trạm đổi pin cũng là một giải pháp đáng chú ý khác là mô hình đổi pin của nhà phân phối xe máy điện Selex Motors. Thay vì mất từ 4–6 tiếng để sạc đầy pin, người dùng chỉ cần 1 phút để đổi sang pin đã được sạc sẵn tại các trạm.

Ngoài Selex Motor, Honda với mẫu xe máy điện mới nhất là Honda CUV e: cũng đã tích hợp bản đồ các điểm đổi pin e:Swap ngay trên màn hình của xe, tuy nhiên hệ thống này chưa có thông tin chi tiết.
Mô hình này đặc biệt phù hợp với tài xế công nghệ, người thường phải di chuyển cả ngày và không có thời gian chờ đợi. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là việc tiêu chuẩn hóa pin – hiện mỗi hãng lại sử dụng một định dạng khác nhau, khiến hệ sinh thái đổi pin khó mở rộng quy mô toàn quốc mà chỉ có thể triển khai riêng biệt với từng thương hiệu xe.

Và cuối cùng là người tiêu dùng sẽ tự sạc xe tại nhà và tại đại lý bán xe. Cụ thể là các hãng xe hiện cũng cung cấp thiết bị sạc tại nhà, kèm theo các gói ưu đãi sạc miễn phí tại trạm.
Với thiết bị sạc tại nhà sẽ phù hợp với khách hàng cá nhân sinh sống tại nhà riêng. Tuy nhiên, trong các khu nhà trọ hoặc chung cư, việc lắp đặt sạc riêng lại gặp khó do hạn chế về điện lưới và còn nhiều vấn đề trong việc đảm bảo an toàn cháy nổ.
Những rào cản cần tháo gỡ
Không thể phủ nhận nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc xây dựng hạ tầng, nhưng để hạ tầng sạc xe điện thật sự trở thành một mạng lưới bền vững và tiện lợi, cần đến sự tham gia tích cực hơn từ phía Nhà nước.
Trước hết, hiện nay vẫn chưa có tiêu chuẩn quốc gia rõ ràng cho trạm sạc xe máy điện, từ hình thức cổng sạc, công suất, đến yêu cầu phòng cháy chữa cháy. Việc thiếu khung pháp lý khiến doanh nghiệp ngần ngại đầu tư và người dân cũng mất lòng tin vào sự an toàn khi sử dụng dịch vụ.

Thêm vào đó, việc mở rộng trạm sạc cũng gặp khó vì chi phí thuê mặt bằng cao, thủ tục hành chính phức tạp và áp lực hạ tầng điện chưa được nâng cấp tương xứng. Nhiều khu vực, lưới điện chưa đủ mạnh để cung cấp điện cho trạm sạc hoạt động đồng loạt, chưa kể nguy cơ cháy nổ nếu thiết bị không được kiểm định nghiêm ngặt.
Xe máy điện là tương lai nhưng cần có sự chuẩn bị
Xe máy điện đang mở ra một kỷ nguyên mới cho giao thông Việt Nam – nơi người dân được tiếp cận phương tiện rẻ, sạch, và an toàn hơn. Tuy nhiên, nếu hạ tầng sạc không bắt kịp nhu cầu sử dụng, làn sóng này sẽ khó đi xa. Đã đến lúc Việt Nam cần một chiến lược hạ tầng trạm sạc điện bài bản, linh hoạt và đồng bộ – để mỗi chiếc xe điện không chỉ là biểu tượng công nghệ, mà còn là phương tiện thực sự tiện dụng trong đời sống thường nhật.