Chứng khoán ngày 17/6, sau phiên giảm điểm mạnh khá bất ngờ cuối tuần trước, thị trường ở trong trạng thái giằng co kéo dài quanh mốc tham chiếu hầu hết phiên sáng, kết phiên giao dịch hôm nay VN-Index tiếp tục giảm 5,14 điểm (-0,4%) xuống 1.274,77 điểm.
HNX-Index kết phiên tại mốc 243,16 điểm, giảm 0,81 điểm, (-0,33%). Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 191 cổ phiếu giảm giá, 145 cổ phiếu tăng giá, 40 cổ phiếu tham chiếu tại HOSE. HNX giao dịch với 88 cổ phiếu tăng giá, 51 cổ phiếu tham chiếu và 95 cổ phiếu giảm giá.
Thanh khoản trên cả 2 sàn sụt giảm rất mạnh so với phiên giao dịch trước đó khi khối lượng giao dịch (không bao gồm thỏa thuận) giảm 22,9% tại HOSE và giảm 31,5% tại HNX. Khối ngoại phiên hôm nay tiếp tục đà bán ròng với 789,5 tỷ đồng tại HOSE tập trung tại mã HPG (-147,5 tỷ), tiếp tục tập trung vào FPT (-111 tỷ), VHM và VNM (-101,6 tỷ), và HDB (-101,1 tỷ)... mua ròng là HSG (+106,1 tỷ), SAB (+89,8 tỷ)...
Cùng với đó, áp lực bán ròng từ khối ngoại cũng diễn ra trên sàn HNX với -25,8 tỷ đồng, tập trung tại các mã PVS (-13,7 tỷ), IDC (-6,5 tỷ) và GKM (-4 tỷ), chiều mua ròng nổi bật với HUT (+2 tỷ), BVS (+1,38 tỷ), SHS (+0,78 tỷ)...
Trong phiên hôm nay, nhóm thép và tôn mạ đều diễn biến tích cực, điển hình là cổ phiếu HSG tăng kịch trần ấn tượng (+6,8%), NKG (+4,3%), VGS (+2,7%), HPG (+1,2%), TLH (+1,86%), SMC (+6,76%).
Ngoài nhóm thép, một số nhóm cổ phiếu khác cũng diễn biến ấn tượng như Viettel, tiêu biểu như VGI (+7 %), CTR (+2,1%), Cảng và Vận Tải Biển với HAH (+4,58%), VSC (+1,35%), VOS (+6,54 %), VIP (+3,87%), VTP (+1,96%), nhóm cổ phiếu phân bón với DPM (+1,36 %), DCM (+0,8%) với kỳ vọng Quốc hội sẽ thảo luận một số nội dung quan trọng trong đó có Luật Thuế Giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi.
Ghi nhận trong phiên hôm nay, một số ngành khác chứng kiến nhiều mã giảm điểm như ngành Công nghệ thông tin với FPT (-1,68%), CMG (-3%), ELC (-2,74%), nhóm ngành dầu khí với PLX (-1,48%), PVD (-0,48%), PVS (-1,37%), PVB (-3,28%)... Đa số cổ phiếu ngành bán lẻ có một phiên giao dịch giảm điểm, cụ thể là MWG (-1,59%), DGW (-1,74%), PET (-1,41%)...
Chờ VN-Index sụt giảm về vùng hỗ trợ 1.264 - 1.270 điểm để tăng thêm tỷ trọng
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Tiếp nối đà giảm của phiên cuối tuần, VN-Index có phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp trong phiên hôm qua. Áp lực bán hoàn toàn chiếm thế chủ động trong phiên với phần lớn thời gian VN-Index giao dịch trong sắc đỏ. Có tới 14/21 nhóm ngành giảm điểm, gấp đôi số nhóm ngành tăng điểm.
Thanh khoản phiên hôm nay sụt giảm so với phiên cuối tuần và sụt giảm 6,9% so với mức trung bình 20 phiên. Biên độ không cao, thanh khoản cũng sụt giảm là tín hiệu tích cực cho thấy xu hướng tăng điểm vẫn chưa bị bẻ gãy.
CSI tiếp tục duy trì quan điểm nắm giữ danh mục và chờ VN-Index sụt giảm về vùng hỗ trợ 1.264-1.270 điểm để tăng thêm tỷ trọng ở những mã đang có lợi nhuận trong danh mục.
Không sử dụng margin ở thời điểm hiện tại
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Chỉ số VN-Index vẫn tiếp tục điều chỉnh tuy nhiên biên độ đã thu hẹp lại, đồng thời chỉ số chung đang ở vùng hỗ trợ 1.260-1.280 điểm nên khả năng sẽ sớm cân bằng trở lại và có thể nhận định rằng thị trường vẫn chưa quá tiêu cực tại thời điểm hiện tại.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư nên giữ tâm lý bình tĩnh, tiếp tục loại bỏ những mã yếu ra khỏi danh mục. Đồng thời, tận dụng những nhịp điều chỉnh để giải ngân thêm đối với những cổ phiếu duy trì được vùng hỗ trợ và không có biến động mạnh trong những phiên vừa qua. Tuy nhiên, nên lưu ý chỉ nên duy trì tỷ trọng danh mục 60-70% và không sử dụng margin ở thời điểm hiện tại.
Tránh mua đuổi trong các phiên hồi phục sớm
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Chỉ số VN-Index tiếp tục đảo chiều giảm điểm và xuyên thủng ngưỡng MA20 ngày sau khi có phản ứng hồi phục từ sớm cho thấy áp lực cung giá thấp vẫn đang tương đối áp đảo.
Mặc dù nhiều khả năng VN-Index sẽ cho phản ứng hồi phục trở lại tại vùng hỗ trợ gần quanh 1.270 điểm, rủi ro chỉ số có thể sớm đảo chiều sau đó đang có phần lấn át hơn.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các phiên hồi phục sớm, ưu tiên bán chốt lời các vị thế trading đã mở và hạ tỷ trọng danh mục xuống ngưỡng an toàn khi chỉ số tiếp cận các vùng kháng cự.
Hồi phục ngắn hạn lên 1.292 điểm
Chứng khoán VietCap (VCSC)
Dự báo trong phiên tới, ngưỡng hỗ trợ MA20 tại 1.280 có thể thúc đẩy nhịp hồi phục ngắn hạn cho VN-Index lên kháng cự MA5, MA10 tại 1.287-1.292 điểm. Tuy nhiên, với tín hiệu đảo chiều mạnh dạng Evening Star tại vùng 1.300 điểm, nhiều khả năng sau đó VN-Index sẽ có một nhịp điều chỉnh giảm kéo dài khoảng 2-4 tuần. Đối với kịch bản này, ngưỡng hỗ trung hạn gần nhất là đường MA50 tại 1.255 điểm và xa hơn là MA200 tại 1.190 điểm.
Quay trở lại vùng kháng cự 1.295 điểm
Chứng khoán SHS
Trong ngắn hạn, thị trường đã chịu áp lực bán khá mạnh, nhất ở ở nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình nhỏ khi VN-Index gặp vùng kháng cự đường xu hướng trung hạn 1.300 - 1.320 điểm và là vùng giá cao nhất tháng 6, 8/2022.
Dưới áp lực điều chỉnh khá mạnh trong phiên cuối tuần xu hướng ngắn hạn của VN-Index tiếp tục quay trở lại dao động trong vùng 1.250 - 1.300 điểm. Trong đó điểm cân bằng là vùng giá quanh 1.280 điểm, tương ứng giá trung bình 20 phiên của VN-Index.
Trường hợp tích cực VN-Index phục hồi tốt ở vùng 1.280 điểm thì vẫn có thể kỳ vọng quay trở lại vùng kháng cự 1.295 điểm, tương ứng giá cao nhất tháng 3/2024 và 8/2022.
Xu hướng trung hạn VN-Index vẫn tích lũy tích cực trong kênh 1.180 - 1.200 điểm đến 1.300 điểm, mở rộng lên 1.320 điểm. Trong đó 1.200 điểm là vùng giá cao nhất năm 2018, 1.300 - 1.320 điểm là vùng giá cao nhất tháng 6, 8/2022.
Điểm cân bằng của kênh tích lũy trung hạn là vùng 1.245 - 1.255 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023. Diễn biến tích lũy là phù hợp trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị trên thế giới có dấu hiệu gia tăng, áp lực lạm phát, tỷ giá, khối ngoại bán ròng chưa hạ nhiệt mặc dù nền kinh tế vẫn đang duy trì tăng trưởng, lãi suất đang ổn định trên nền thấp.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.