Cầu nối hoà giải trong "Thời gian ăn tôm hùm" của nhà văn Bang Hyun Suk.

Trong một thời gian không dài, chỉ hơn 3 giờ đồng hồ nhưng các nhà văn, nhà thơ Việt Nam và Hàn Quốc đã đưa ra và thảo luận những vấn đề không phải nhỏ của văn học hai nước để dần tiến đến mục tiêu giới thiệu được nhiều tác phẩm đặc sắc đến với độc giả.
Cầu nối hoà giải trong "Thời gian ăn tôm hùm" của nhà văn Bang Hyun Suk.

Hội thảo văn học Việt - Hàn với chủ đề: Tương lai và Thách thức trong khuôn khổ giao lưu văn học Việt Nam và Hàn Quốc dưới sự Tài trợ của Ủy ban văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc thuộc Bộ văn hóa thể thao và du lịch Hàn Quốc vừa được tổ chức thành công vào ngày 5/11 bằng hình thức trực tuyến.

Tham gia cuộc hội thảo, phía Hàn Quốc có các nhà thơ, nhà văn Hyun Ki-young, Kim Nam-Il, Bang Hyun- Suk, Jo Young-ho, Park Soran; dịch giả Ha Jea-Hong; nhà phê bình trẻ Heo Hee. Phía Việt Nam có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà văn Lê Minh Khuê, nhà văn Y Ban, nhà thơ Trần Quang Đạo và dịch giả Hà Minh Thành. Mở đầu cuộc hội thảo, nhà văn Bang Hyun- Suk và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã phát biểu chào mừng. Cả hai vị lãnh đạo đều bày tỏ mong muốn qua các cuộc hội thảo, nhà văn của hai nước sẽ thêm gần gũi nhau vì hiểu nhau hơn, không chỉ qua tác phẩm mà qua cả các cuộc trò chuyện, trao đổi về nghề.

Cuộc hội thảo mở đầu cho chuỗi sự kiện tiến tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao của hai nước Việt - Hàn.
Cuộc hội thảo mở đầu cho chuỗi sự kiện tiến tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao của hai nước Việt - Hàn. 

Tạp chí Thương Gia trân trọng giới thiệu bài tham luận của nhà văn Y Ban.

Tôi chỉ được đọc một số tác phẩm văn học của Hàn Quốc dịch sang tiếng Việt như "Chiếc gương đồng, Hãy chăm sóc mẹ, Bài hát ngày mai ( thơ Koun), Thời gian ăn tôm hùm"... Với tôi đó là những tác phẩm đặc sắc. Tôi rất thích thơ Koun vì những sự khoáng đạt và những hình tượng ông đưa vào thơ của mình mà đôi khi chúng vượt cả ngôn từ, khiến khi chuyển ngữ không thể tải được, tôi chỉ có thể tự hình dung ra bằng một thứ ngôn từ đồng cảm của một nhà văn. Mỗi cuốn sách tôi đã đọc đều có vẻ đẹp rất tuyệt nhưng cuốn sách khiến tôi động não suy nghĩ nhiều nhất là tiểu thuyết "Thời gian ăn tôm hùm" của nhà văn Bang Hyun Suk.

"Thời gian ăn tôm hùm" được giải thưởng lớn ở Hàn Quốc năm 2003 và được dịch và in ở Việt Nam năm 2004. Cuối năm 2020 nhà xuất bản Hội nhà văn có dự án tái bản "Thời Gian ăn tôm hùm" nhưng do đại dịch Covid-19 nên đành phải hoãn lại, Tôi có thời gian đọc lại "Thời gian ăn tôm hùm" và vô cùng ngạc nhiên khi câu chữ cuốn hút tôi như thể đọc lần đầu, mà lần đầu với tư cách người hiệu đính tôi đã đọc rất kỹ từng chữ. Một điều rất hay nữa là câu chuyện trong đó vẫn thời sự như 18 năm trước.

"Thời gian ăn tôm hùm" gồm hai tiểu thuyết ngắn: "Hình thức của sự tồn tại" và "Thời gian ăn tôm hùm" đều có cốt chuyện người Hàn Quốc sang Việt Nam làm ăn. Trong "Hình thức của sự tồn tại" thậm chí tác giả còn giữ nguyên tên nhân vật ở ngoài đời, Lê Chí Thuỵ một nhà văn của Việt Nam với bút danh Văn Lê. Ông từng là một người lính Việt Cộng.

Nhân vật chính trong "Hình thức của sự tồn tại" là Jae-woo: “Khi Việt Nam thông qua lộ trình kinh tế mở cửa, bỗng nhiên hàng loạt các tập đoàn nước ngoài kéo đến, hầu như không có tập đoàn Hàn Quốc nào mà lại không qua tay Jae-woo”. Anh là một phiên dịch tiếng Hàn sang tiếng Việt. Trong khi làm việc với Lê Chí Thuỵ anh luôn gặp những bất ngờ thú vị và bất ngờ buồn, ví như từ Lan Ra trong tiếng Hàn phải dịch như thế nào? Và tại sao khi trời mưa thì Lê Chí Thuỵ buồn thế..để rồi Jae-woo từng nấc nhận ra Hình thức của người Việt Nam đã tồn tại, như một bài hát của nhạc sỹ Đỗ Nhuận: Này bạn ơi tôi thấy phút nào người bạn tôi phơi áo máu trào màu cờ loang ( lan) trên áo. Này bạn ơi tôi thấy phút nào từng đoàn quân phơi áo nhuốm đào thành cờ cuốn lên cao.

Và cũng rất giản dị như câu trả lời của Lê Chí Thuỵ-Nhà văn Văn Lê: Những gì thế hệ tôi chưa làm được thì thế hệ sau sẽ làm tiếp.

Nếu như "Hình thức của sự tồn tại" là xây cái mấu cầu thì "Thời gian ăn tôm hùm" chính là hợp long cây cầu nối đó. Nhân vật chính trưởng phòng Choi Kon-Suk của một nhà máy đóng tầu đặt trên đất nước Việt Nam, anh giỏi tiếng Việt và có một cô người yêu Việt Nam. Anh bị đặt vào một tình huống rất khó khăn khi phải giải quyết một xung đột rất lớn: Hệ tư tưởng khác biệt; Sự thù hận-Tha thứ; Quá khứ-Hiện tại.

Tiểu thuyết "Thời gian ăn tôm hùm" của nhà văn Bang Hyun Suk.
Tiểu thuyết "Thời gian ăn tôm hùm" của nhà văn Bang Hyun Suk.

“ Sự căng thẳng bao phủ khắp căn phòng.

Chính người đàn ông đã lên tiếng phá tan sự im lặng:

- Nếu gặp nhau 30 năm trước thì mày đã phải chết dưới tay tao rồi”

 Người đàn ông đó rõ ràng là xuất thân từ Việt cộng. Giọng của ông ta không to lắm nhưng tất cả những người ngồi trong phòng đều nghe được. Lần này vì ông ta nói bằng tiếng Việt nên trong số những người Hàn Quốc ở đó chỉ có Kon-suk là hiểu được.

- Thằng cha kia nói ai chết vậy?

“Chết”- phó giám đốc Kim nghe được động từ đó nên phỏng đoán và hỏi lại. Từ phó giám đốc Oh đến những người quản lý đều đồng loạt hướng mắt về phía Kon-suk. Kon-suk muốn dịch nguyên văn nhưng đã kìm được.

- Ông ta nói rằng tiếc vì 30 năm trước đã không gặp anh”

Một cuộc xung đột có thể phải chết một lần nữa sẽ được giải quyết như thế nào? Bang Hyun Suk không định khai thông hệ tư tưởng cho giám đốc Kim hay giám đốc Oh, những người đến Việt Nam vì nồi cơm của mình, cũng như những người Hàn Quốc đến Việt Nam chỉ để làm kinh tế.

Kon-suk và Liên yêu nhau nhưng luôn tránh xa hai từ kết hôn, vì sao chứ? Vì yêu là một trạng thái của một sự thăng hoa khi đối tác khiến cho lượng Adrenalin tăng cao trong cơ thể. Còn kết hôn thì phải hiểu nhau, có hiểu nhau, chia sẻ và tha thứ thì mới có kết quả hạnh phúc. Kon-suk vì giải quyết công việc mà đã tìm về được tận cội nguồn của những người Việt Cộng để khám phá ra một sự thật tàn khốc: Một cuộc tàn sát những người dân vô tội của lính Park Chung Hee trong chiến tranh Việt Nam… Quá khứ và hiện tại cứ đan xen nhau trong câu chuyện của Kon-suk, cùng là những câu chuyện về cái chết có liên quan đến hai từ Việt Cộng. Trong đó câu chuyện buồn đau về người anh trai khi ngày bé anh trèo cây giỏi..như Việt Cộng, rồi lớn lên anh đã chết vì một lý tưởng tốt đẹp mà anh theo đuổi…Dưới ngòi bút của nhà văn Bang Hyun Suk tất cả đều trở nên cao cả.

Bang Hyun-suk viết: “…tôi phải mất tới 10 năm mới hình dung ra được một câu chuyện lấy Việt Nam làm đề tài. Không phải vì tôi không thể hiểu Việt Nam. Cái mà tôi không hiểu đó là chính bản thân tôi. Việt Nam đánh thức tôi để nhận ra một trong những hình thức tồn tại của con người, dù là mờ ảo nhưng vô cùng mãnh liệt”.

10 năm theo đuổi một đề tài cho thấy sự lao tâm khổ tứ của một nhà văn đã không uổng phí để cho ra một tác phẩm hoàn hảo có sự hiểu biết sâu về cả những vấn đề “tế nhị”của một quốc gia khác.

Tôi rất thích cái cách nhà văn Bang Hyun Suk đưa ra ở cái kết của tiểu thuyết Thời gian ăn tôm hùm, một đám cưới… Những thứ rất to tát như là Chiến tranh, thù hận, hoà hợp, hoà giải, tha thứ, quên đi quá khứ..suy cho cùng cái đích đến lại vô cùng đơn sơ giản dị, một mái nhà có tiếng trẻ bi bô và một nồi cơm lúc nào cũng đầy.

Nhà văn Y Ban

Có thể bạn quan tâm