CEO Binance nhận tội, chấp nhận từ chức để giải quyết các cuộc điều tra tài chính của Mỹ

Giám đốc Binance Changpeng Zhao đã nhận tội vi phạm luật chống rửa tiền của Mỹ và đồng ý từ chức để giải quyết cuộc điều tra kéo dài nhiều năm về sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới…

Nhà sáng lập sàn giao dịch điện tử Binance Changpeng Zhao
Nhà sáng lập sàn giao dịch điện tử Binance Changpeng Zhao

Cuộc điều tra của chính phủ Mỹ về sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới, Binance, đã đi được đến một thoả thuận kết thúc trị giá 4,3 tỷ USD. Đây được xem như một trong những hình phạt doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ và là đòn giáng nặng nề vào ngành công nghiệp tiền điện tử, vốn bị “bao vây” bởi các cuộc điều tra ngày càng nghiêm ngặt hơn sau bê bối của người sáng lập FTX Sam Bankman-Fried.

Thoả thuận cũng sẽ bao gồm việc cá nhân nhà sáng lập kiêm CEO Changpeng Zhao sẽ phải từ chức và trả 50 triệu USD tiền phạt. Trong khi đó, Binance sẽ trả 1,81 tỷ USD trong vòng 15 tháng và 2,51 tỷ USD sau đó.

Trích dẫn chi tiết từ hồ sơ điều tra được công khai, các nhà chức trách cho biết Binance đã vi phạm luật trừng phạt và chống rửa tiền của Mỹ, đồng thời không báo cáo hơn 100.000 giao dịch đáng ngờ với các tổ chức mà Mỹ mô tả là các nhóm khủng bố. Bên cạnh đó, Binance cũng được cho là chưa bao giờ báo cáo các giao dịch đến từ một số các website đồi truỵ và web đen - thường là những nơi nhận số tiền thu được từ ransomware (mã độc tống tiền) lớn nhất.

“Với sự thờ ơ của mình, Binance đã tiếp tay để bọn tội phạm dễ dàng di chuyển những số tiền đánh cắp hay tiền bất hợp pháp trên sàn giao dịch. Binance cần phải thực sự tuân thủ luật liên bang chứ không thể chỉ giả vờ tuân thủ như cách họ đã làm trước đây”, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland kết luận.

Tờ New York Times đưa tin Bộ Tư pháp Mỹ, sau khi tham vấn Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) và Bộ Tài chính, đang yêu cầu mức án 18 tháng tù dành cho Changpeng Zhao, mức án tối đa được đề xuất theo hướng dẫn của liên bang.

Một cựu giám đốc của Binance, Samuel Lim cũng đã bị CFTC buộc tội.

Diễn biến mới này đã đặt ra câu hỏi về tương lai của sàn giao dịch tiền điện tử mà ông Changpeng Zhao nắm trong tay quyền kiểm soát chặt chẽ.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội mới được đăng tải, nhà sáng lập Binance Changpeng Zhao đã viết: “Ngày hôm nay, tôi từ chức Giám đốc điều hành của Binance. Phải thừa nhận rằng, buông bỏ không phải là điều dễ dàng. Nhưng tôi biết đó là điều nên làm. Tôi đã phạm sai lầm và tôi phải chịu trách nhiệm. Điều này là tốt nhất cho cộng đồng của chúng ta, cho Binance và cho chính tôi”.

Cũng trong chia sẻ của mình, ông Changpeng Zhao cho biết Richard Teng, một giám đốc điều hành lâu năm của Binance, sẽ tiếp quản Binance. Ở một tuyên bố riêng, ông Richard Teng nói rằng trọng tâm trước mắt của ông sẽ là trấn an người dùng rằng họ có thể tin tưởng vào sức mạnh tài chính, tính bảo mật và an toàn của công ty.

Một số chuyên gia pháp lý cho rằng đây thực chất là một kết quả tốt đối với cả Changpeng Zhao và công ty, bởi nó vẫn để lại khối tài sản khổng lồ cho Binance và cho phép ông Zhao giữ lại cổ phần của mình tại sàn giao dịch mà ông đã thành lập năm 2017.

“Thỏa thuận này…có vẻ được thiết kế để mang lại cho Binance một cơ hội sống”, giáo sư luật Yesha Yadav của Đại học Vanderbilt nêu ý kiến.

Đồng tình với quan điểm trên, nhà phân tích Robert Frenchman của Mukasey Frenchman LLP cho rằng dù cho mức độ nghiêm trọng của các hành vi vi phạm và các bên liên quan, Changpeng Zhao vẫn có khối tài sản khổng lồ. “Zhao có thể sẽ không phải ngồi tù quá lâu ở Mỹ. Ông ta vẫn giữ cổ phần sở hữu của mình tại Binance và công ty hiện đã giải quyết được một số vấn đề pháp lý lớn nhất của mình”, ông Frenchman nói thêm.

Theo thống kê của Forbes, khối tài sản của Changpeng Zhao có trị giá 10,2 tỷ USD.

Jeffrey Cohen, trợ lý giáo sư tại Trường Luật Đại học Boston và cựu công tố viên liên bang, cho biết các công tố viên có thể xem xét một số tính toán nhất định: “Nếu bạn có thể có được một con số phù hợp cho khoản tiền phạt doanh nghiệp và để đổi lại là cá nhân bị cáo chịu mức phạt nhẹ hơn một chút, thì chính phủ sẽ cân nhắc những yếu tố đó”.

Binance đã chịu sự giám sát của Bộ Tư pháp Mỹ kể từ năm 2018. Các công tố viên liên bang vào tháng 12/2020 đã yêu cầu công ty cung cấp hồ sơ nội bộ về các nỗ lực chống rửa tiền của công ty, cùng với các thông tin liên lạc liên quan đến nhà sáng lập. Vào tháng 3/2023, CFTC đã đệ đơn kiện dân sự chống lại Binance, cáo buộc sàn giao dịch không thực hiện chặt chẽ chương trình chống rửa tiền để phát hiện và ngăn chặn tài trợ khủng bố. “Trong nội bộ, các quan chức và nhân viên của Binance thừa nhận rằng nền tảng này đã tạo điều kiện cho các hoạt động nghi ngờ là bất hợp pháp”, CFTC cho biết.

“Changpeng Zhao có nguy cơ bị buộc tội nghiêm trọng hơn nhiều, ví dụ như gian lận hoặc rửa tiền. Do đó, quyết này là một giải pháp rất có lợi cho Zhao”, ông Daniel Silva, một đối tác tại công ty luật Buchalter và cựu công tố viên liên bang đánh giá.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Nền kinh tế thú cưng 3.0 tại Trung Quốc

Nền kinh tế thú cưng 3.0 tại Trung Quốc

Ngành công nghiệp thú cưng tại Trung Quốc đang bước vào giai đoạn 3.0 với sự bùng nổ của các dịch vụ cao cấp như chăm sóc sức khỏe, phụ kiện cá nhân hóa và trải nghiệm độc đáo…

Hermès vững vàng trước “sóng lớn”

Hermès vững vàng trước “sóng lớn”

Bất chấp bối cảnh thị trường đầy biến động, thương hiệu Pháp Hermès vẫn ghi nhận doanh thu quý 4/2024 tăng mạnh vượt dự báo và tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu trong ngành xa xỉ….

Thuế quan có thể đẩy giá xe ô tô tại Mỹ lên cao

Thuế quan có thể đẩy giá xe ô tô tại Mỹ lên cao

Người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ phải chi thêm hàng nghìn USD khi mua ô tô mới nếu kế hoạch áp thuế đối với Mexico và Canada của Tổng thống Mỹ Donald Trump được thực thi, theo dữ liệu từ ngân hàng Benchmark Co…

Gen Z Trung Quốc vung tiền cho “tiêu dùng cảm xúc”

Gen Z Trung Quốc vung tiền cho “tiêu dùng cảm xúc”

Người tiêu dùng trẻ tuổi Trung Quốc đang ngày càng ưa chuộng xu hướng mua sắm dựa trên cảm xúc, thúc đẩy một làn sóng chuyển dịch trong thái độ tiêu dùng và dự kiến sẽ sớm trở thành một điểm nóng đáng chú ý trong tương lai…

Doanh nghiệp đường Thái Lan “gặp hạn” tại Trung Quốc

Doanh nghiệp đường Thái Lan “gặp hạn” tại Trung Quốc

Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu siro đường và bột pha sẵn từ Thái Lan, khiến hàng hóa bị mắc kẹt tại các cảng biển và có nguy cơ gây ra thiệt hại lên tới 1 tỷ baht (khoảng 29,5 triệu USD) cho các doanh nghiệp xứ Chùa Vàng…