Là CEO của một doanh nghiệp BĐS “có cỡ”, đang triển khai một khách sạn gần 400 phòng mang thương hiệu Mariott tại Đà Nẵng, nhưng ở Ngọc Mỹ không có sự xa cách mà cô tạo thiện cảm cho người đối diện bằng đôi mắt biết cười, nụ cười tươi và cách nói chuyện khiêm nhường, chín chắn hiểu biết nhưng cũng rất thẳng thắn. Cô tiết lộ mình đã từng nghiên cứu tâm lý học.
Nhưng theo những thông tin công bố thì Mỹ học quản trị kinh doanh tại Hoa Kỳ?
Đúng là tôi theo học ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Boston. Nhưng hệ thống đào tạo của Mỹ theo tín chỉ. Thực ra thì năm nào tôi cũng học quá số lớp so với quy định của trường. Số tín chỉ bắt buộc của ngành quản trị kinh doanh thì hết năm thứ 3 tôi đã gần như hoàn thành. Nên ngoài ngành học chính thì từ năm thứ 2 tôi cũng có học thêm ngành lịch sử mỹ thuật kiến trúc. Vì đó cũng là thời điểm tôi bắt đầu làm việc với ông San (Kiến trúc sư Salvador Perez Arroyo - một kiến trúc sư Top 10 thế giới với rất nhiều công trình được coi như kỳ quan mới) trong tư cách đồng sáng lập SDesign (đơn vị thiết kế cụm công trình Bảo tàng – Thư viện Quảng Ninh được bình chọn là Công trình của năm 2013). Thời điểm đó tôi thấy để làm việc được với một kiến trúc sư danh tiếng như vậy, không có cách nào khác ngoài việc mình phải nói “cùng ngôn ngữ” với họ.
Khi về Việt Nam tôi lại không tiếp tục làm việc tại SDesign vì thực sự lúc đó đối với tôi có rất nhiều lối đi để lựa chọn. Mà về làm “sếp” ngay tôi lại không thấy hào hứng nếu đi làm với một cái danh “con của ông này ông kia”. Lúc đó tôi tự mình đi xin việc vào Savills như bất cứ một sinh viên mới ra trường nào. Và cho tới giờ thì đó là khoảng thời gian rất có giá trị đối với tôi. Đặc biệt, với công việc tại đây, tôi đã tích lũy được những người bạn có thể chia sẻ, sẵn sàng hỗ trợ như những người bạn thực sự. Điều mà tôi không thể có được nếu làm việc tại những DN của gia đình.
Sau thời gian đó, bố tôi gọi về để triển khai công trình 33 Bà Triệu. Nhiệm vụ đầu tiên được bố giao là thuyết phục ông Andre, Bếp trưởng người Pháp về làm việc tại Nhà hàng tại 33 Bà Triệu.
Khi đó bạn bắt đầu với vị trí nào tại Tập đoàn Alphanam?
Chưa! Khi đó tôi bắt đầu với một vai trò vừa giống một thư ký, vừa giống một nhân viên học việc lại vừa giống một tư vấn. Bố không xếp tôi vào vị trí nào, mà tôi được yêu cầu cùng tham gia những cuộc họp, đưa ra nhận xét và ý kiến về vấn đề ấy. Sau khoảng 2 tháng chủ yếu để nghe thì tôi cảm thấy tự tin để chủ động lập ra một nhóm của riêng mình. Đó là thời điểm tôi cảm thấy mình đã hiểu hơn về những gì mà bộ máy của gia đình đang thiếu. Và cho tới thời điểm này nhóm Maketing ấy vẫn hiện đang làm việc với tôi.
Nhưng sau 1 năm tôi lại quyết định đi học. Vì đó là thời điểm chúng tôi bắt đầu làm việc với Mariott để triển khai dự án khách sạn tại Đà Nẵng. Tôi nghĩ đó là thời điểm thích hợp để tôi tiếp tục học những gì cần thiết. Vì nếu muộn hơn, khi khách sạn vào hồi gấp rút thì tôi sẽ không thể đi đâu được nữa. Tôi quyết định học Thạc sỹ Thương mại Quốc tế tại Anh.
Đó là bước chuẩn bị cho vị trí CEO của FOODINCO Land hiện tại?
Sau khi hoàn thành chương trình học, tôi về tập đoàn với vị trí Phó TGĐ công ty địa ốc Alphanam. Cuối năm 2016 mới chính thức đảm nhận vị trí CEO của dự án Mariott Đà Nẵng. Ngoài ra, tôi cũng cùng anh trai đang triển khai 6 dự án khách sạn khác trên toàn quốc mà Alphanam hợp tác với Mariott.
Với khối lượng công việc như vậy, tôi chưa hình dung ra được áp lực mà bạn đang gánh như thế nào?
Lịch trình công việc của tôi hầu như đều được “fix” trước một tháng. Mỗi một cuộc gặp của tôi là với nhiều đối tác, họ cũng phải bay tới từ những nơi khác nhau. Vì thế, để tổ chức một chuyến công tác thì cũng phải mất cả tháng tổ chức. Thậm chí hiện tôi đã có những lịch làm việc của… năm sau đã được ấn định. Vì đây là thời điểm mà đồng thời chúng tôi cũng đang triển khai nhiều hạng mục nên tôi phải làm việc với rất nhiều đối tác, các bộ phận… để công việc có thể “chạy” một cách trơn tru. Có những hôm họp thâu đêm suốt sáng ở nước ngoài, bay về nước về tới nhà cũng 12h đêm, nhưng tôi và bố lại tiếp tục đem bản vẽ ra để nghiên cứu tới 3h sáng. Để sáng hôm sau các bộ phận có chỉ đạo mới nhất triển khai. Nhưng quan điểm của tôi là khi mình “thưởng thức” áp lực ấy thì sẽ thấy đơn giản hơn rất nhiều.
25 tuổi, có thể nói là còn rất trẻ để giữ vai trò CEO của một DN lớn, lại là DN trong lĩnh vực BĐS. Bạn có đặt ra một triết lý kinh doanh riêng để định hướng con đường của mình hay theo truyền thống gia đình?
"Tôi luôn xác định câu "Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm" khi làm việc. Mình khiêm tốn để nghe, thật thà để biết mình đúng - sai thế nào, và dũng cảm để đối đầu với thử thách". |
Tôi thường tự nhắc nhớ mình một câu, có thể xem đó là triết lý sống hơn là triết lý kinh doanh. Đó là “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Với công việc hiện tại, tôi phải thường xuyên tiếp xúc với nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực. Những cuộc họp mà tôi là người nhỏ tuổi nhất cũng thường xuyên diễn ra. Tất nhiên, nhiều người có kinh nghiệm, có trình độ hơn mình. Cũng có người e dè, băn khoăn xem “sếp” là người như thế nào, nhất là sếp nữ, sếp còn trẻ nữa. Vì vậy tôi luôn xác định câu đó khi làm việc. Mình khiêm tốn để nghe, thật thà để biết mình đúng - sai thế nào, và dũng cảm để đối đầu với thử thách.
Là một sếp nữ, lại còn rất trẻ mà phải làm công việc kỹ thuật với rất nhiều người thuộc những lĩnh vực khác nhau. Đã bao giờ bạn cáu chưa?
Vì đã học qua tâm lý nên tôi là người biết nghe, tôi luôn cố gắng để đặt mình trong tâm thế của người đối diện. Trước mỗi cuộc gặp quan trọng, tôi luôn cố gắng tìm hiểu CV của người mình sẽ làm việc. Để biết mình làm việc với ai, họ từ đâu tới, chuyên môn của họ như thế nào… Tôi cố gắng “đọc” được mọi người để có thể hiểu được tại sao họ đưa ra những ý kiến như vậy, từ đó tôi sẽ có những quyết định chính xác hơn.
Bạn có thấy khó khi là con của một doanh nhân giỏi như ông Nguyễn Tuấn Hải?
Tôi quá may mắn khi được là con của bố tôi. Vì gia đình tôi có truyền thống nghề giáo. Nên cách dạy con và cách đào tạo anh em tôi của bố là rất quan trọng để anh em tôi trưởng thành. Bố tôi đã giúp chúng tôi có thể tự lập, để khi được tung ra đời chúng tôi đã sẵn sàng. Khi còn đi học ở Mỹ, môi trường học tập thường xuyên thay đổi, bố động viên tôi tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, tiếp xúc với nhiều người hơn, thể hiện cái tôi của mình nhiều hơn. Tới khi về nước, tôi cũng được bố “kéo” đi tham gia những cuộc họp với đối tác, rồi sau đó tôi trực tiếp gặp gỡ, đàm phán với những đối tác quốc tế như Mariott hay Starwood một mình. Đó cũng là những thứ tạo nên điểm mạnh của tôi. Tôi không cảm thấy sợ khi phải đối diện với bất cứ ai.
Để nói một câu thật ngắn gọn về bố mình, bạn sẽ nói gì?
Một người thầy vĩ đại!
Tới thời điểm này, bạn nghĩ bạn đã đáp ứng được những kỳ vọng của bố mình?
Mới đây thôi, bố tôi nói với tôi rằng nếu giao cho con những công việc để mà so sánh với những người cùng tuổi của con thì bố không có gì phải lo. Vì hiện tại con đang phải chèo lái công việc, cạnh tranh với những người bằng tuổi bố. Tuy không nói ra, nhưng tôi nghĩ rằng bố có phần tự hào về tôi, về những gì tôi đã làm được.
Xin cảm ơn và chúc Mỹ thành công.