Tỷ phú Pavel Durov, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của ứng dụng nhắn tin Telegram, đã bị bắt tại Pháp theo lệnh truy nã của cảnh sát.
Cả kênh truyền hình TF1 và BFM đều cho biết cuộc điều tra tập trung vào việc Telegram thiếu kiểm duyệt và thiếu hợp tác với cơ quan chức năng, từ đó cho phép các hoạt động phạm tội diễn ra trên nền tảng này mà không bị ngăn chặn.
Điều đó cũng có nghĩa là Durov có thể bị cáo buộc đồng loã trong nhiều tội danh như buôn bán ma tuý, ấu dâm và lừa đảo.
Telegram, với gần một tỷ người dùng, có tầm ảnh hưởng đặc biệt lớn ở Nga, Ukraine và các nước thuộc Liên Xô cũ. Ứng dụng được xếp vào nhóm các nền tảng mạng xã hội lớn sau Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và WeChat.
Sau khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra vào năm 2022, Telegram đã trở thành nguồn thông tin không qua kiểm duyệt - đôi khi chứa nội dung gây sốc và sai lệch - từ cả hai phía về cuộc chiến và các vấn đề chính trị liên quan đến xung đột.
Telegram chưa phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận từ Reuters. Bộ Nội vụ Pháp và cảnh sát cũng từ chối bình luận.
Theo thông tin từ TF1, Pavel Durov, hiện đang sinh sống tại Dubai, đã đi từ Azerbaijan và bị bắt giữ vào khoảng 8 giờ tối địa phương.
Doanh nhân Pavel Durov, 39 tuổi, cùng với anh trai đã sáng lập nên Telegram vào năm 2013. Ông được sinh ra ở Nga và là công dân của cả UAE, Saint Kitts và Nevis và Nga.
Ông Durov, với khối tài sản ước tính 15,5 tỷ USD, từng tiết lộ rằng một số chính phủ đã cố gắng gây áp lực, nhưng ông tin rằng Telegram nên duy trì là một nền tảng trung lập và không phải là một quân cờ trong các vấn đề địa chính trị.
Mặc dù vậy, sự phổ biến ngày càng tăng của Telegram đã thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia ở châu Âu, bao gồm cả Pháp, về các mối lo ngại an ninh và vi phạm dữ liệu.
Do là công dân Pháp nên nhà sáng lập Telegram cũng có thể phải đối mặt với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt mà EU áp đặt đối với Moscow vì những mối liên hệ của ông ở Nga.
Về phía Nga, Bộ Ngoại giao nước này đưa ra thông báo cho biết đại sứ quán Nga ở Pháp đang làm rõ tình hình của ông Durov và kêu gọi các tổ chức phi chính phủ phương Tây yêu cầu thả ông.
Giới chính trị gia Nga lên tiếng chỉ trích Pháp vì hành động này, cho rằng Pháp đang hành xử như một chế độ độc tài - giống như những lời chỉ trích mà Nga từng phải đối mặt khi đặt ra yêu cầu đối với Durov vào năm 2014 và cố gắng cấm Telegram vào năm 2018.
Cụ thể, Nga đã bắt đầu chặn Telegram sau khi ứng dụng này từ chối tuân thủ lệnh của tòa án về việc cung cấp cho cơ quan an ninh nhà nước quyền truy cập vào tin nhắn mã hóa của người dùng.