Chứng khoán Mỹ ghi điểm nhờ triển vọng cắt giảm lãi suất, giá dầu vẫn lao dốc

Chứng khoán Mỹ kết thúc phiên 4/6 tăng điểm sau khi dữ liệu của thị trường lao động một lần nữa củng cố kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang sẽ cắt giảm lãi suất…

Kết thúc phiên 4/6, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 140,26 điểm (+0,36%) lên 38.711,29 điểm, S&P 500 thêm 7,94 điểm (+0,15%) thành 5.291,34 điểm và Nasdaq Composite leo 28,38 điểm (+0,17%) đóng cửa ở mức 16.857,05 điểm.

Trong 11 lĩnh vực thuộc S&P 500, bất động sản và hàng tiêu dùng thiết yếu có mức tăng lớn nhất, trong khi vật liệu và năng lượng ghi nhận đà giảm mạnh nhất.

Các cổ phiếu công nghệ Megacap, bao gồm Amazon.com, Alphabet, Nvidia và Microsoft chốt phiên ở mốc cao hơn sau khi sụt giảm vào đầu ngày.

Ngược lại, “gã khổng lồ” dầu mỏ Exxon Mobil và Chevron lần lượt giảm 1,6% và 0,8% do lo ngại về nhu cầu đã đè nặng lên giá dầu thô.

Nhà bán lẻ mỹ phẩm dưỡng thể Bath & Body Works mất 12,8% sau khi điều chỉnh thấp hơn dự báo lợi nhuận hàng quý.

Paramount Global trượt 4,4% do thông báo tập đoàn đang xem xét các lựa chọn chiến lược hoặc liên doanh cho dịch vụ phát trực tuyến Paramount+ của mình.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 10,6 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,6 tỷ trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Về khía cạnh kinh tế, dữ liệu mới đây cho thấy cơ hội việc làm ở Mỹ trong tháng 4 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm, báo hiệu rằng sự thắt chặt của thị trường lao động đã giảm bớt và phần nào hỗ trợ cho khả năng Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong năm nay. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm ngay sau báo cáo.

Đây cũng là dữ liệu mới nhất trong một loạt các báo cáo gần đây chỉ ra sự yếu trong tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Dữ liệu từ một ngày trước đó cũng đưa ra tín hiệu về hoạt động sản xuất của Mỹ đã chậm lại trong tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 5.

Theo công cụ FedWatch của CME, kỳ vọng của thị trường về việc giảm lãi suất vào tháng 9 hiện ở mức khoảng 65%, cao hơn so với mức dưới 50% vào tuần trước. Dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp tháng 5 sẽ được công bố vào thứ Sáu.

GIÁ DẦU KÉO DÀI MỨC LỖ

Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm hơn 1 USD/thùng vào 4/6, kéo dài mức lỗ lớn nhất trong 4 tháng được ghi nhận vào 3/6.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 84 cent, tương đương 1,07%, ở mức 77,52 USD/thùng. Giá đóng cửa của Brent vào thứ Hai lần đầu tiên trượt dưới mốc 80 USD kể từ ngày 7/2 do mức giảm hơn 3%. Ở mức thấp nhất của thứ Ba, dầu Brent giao dịch khoảng 76,76 USD, thấp hơn 2 USD so với mức thấp nhất từ đầu năm đến nay là 74,79 USD.

Hợp đồng tương lai dầu WTI của Mỹ kết thúc phiên giảm 97 cent, tương đương 1,31%, ở mức 73,25 USD/thùng. WTI đã giảm 3,6% vào thứ Hai xuống mức thấp nhất trong 4 tháng.

Hàng loạt tín hiệu mờ nhạt từ các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu cho thấy nhu cầu về dầu của họ trong thời gian còn lại của năm có thể không tốt như mong đợi.

“Nếu chúng ta thấy giá dầu liên tiếp sụt giảm đáng kể thì bạn sẽ phải đặt câu hỏi về sức khoẻ của nền kinh tế toàn cầu. Khi đó, có vẻ như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác đã "làm" quá nhiều”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận xét.

Bên cạnh đó, nguồn cung đang tăng lên từ các nhà sản xuất ngoài OPEC như Mỹ. Về phía cầu tại quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, dữ liệu dầu hàng tuần của Mỹ sắp tới sẽ cho thấy lượng xăng được tiêu thụ vào dịp cuối tuần của Ngày Tưởng niệm, thời điểm bắt đầu mùa lái xe cao điểm ở Mỹ.

Có thể bạn quan tâm