Chứng khoán Mỹ lại tiếp tục "phá đỉnh" năm 2023

Chứng khoán Mỹ đã đóng cửa ở mức cao mới trong năm vào phiên 11/12 trước các chất xúc tác thị trường lớn trong tuần này bao gồm chỉ số lạm phát và thông báo chính sách của Fed, vốn sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỳ vọng về đường đi của lãi suất…

Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)

Kết thúc phiên 11/12, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 157,06 điểm (+0,43%) lên 36.404,93 điểm, S&P 500 thêm 18,07 điểm (+0,39%) thành 4.622,44 điểm và Nasdaq Composite leo 28,51 điểm (+0,20%) ở mức 14.432,49 điểm.

Lĩnh vực bán dẫn tăng 3,4% với chỉ số bán dẫn PHLX đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 5/1/2022, dẫn đầu là Broadcom, tăng 8,99% sau khi Citigroup tiếp tục đưa ra các lưu ý xếp hạng "mua" đối với cổ phiếu của nhà sản xuất chip này. Các “đồng nghiệp” Globalfoundries Inc, Application Materials Inc cũng tăng điểm.

Nike tăng nhẹ 2,33%, giúp nâng điểm chỉ số Dow Jones, cũng sau khi Citigroup nâng cấp cổ phiếu từ "trung lập" lên “mua”.

Cigna leo vọt 16,68% khi công ty bảo hiểm y tế hoàn tất nỗ lực đàm phán mua lại đối thủ Humana và công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu trị giá 10 tỷ USD. Cổ phiếu Humana giảm 1,04%.

Trong số các động lực khác, Macy's vượt thêm 19,44% nhờ tin tức một nhóm nhà đầu tư bao gồm Arkhouse Management và Brigade Capital đưa ra lời đề nghị trị giá 5,8 tỷ USD để tư nhân hóa chuỗi trung tâm thương mại.

Megacap là những cổ phiếu tụt dốc lớn nhất trong ngày, bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của Microsoft Corporation và Alphabet Inc Class A, mặc dù sự tăng vọt của cổ phiếu bán dẫn đã phần nào hạn chế mức lỗ.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,32 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 10,89 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên vừa qua.

Ở khía cạnh kinh tế, những người theo dõi thị trường ngày càng tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ đã hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất và có khả năng cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm tới. Những kỳ vọng này đã giúp thúc đẩy sự phục hồi của thị trường chứng khoán trong những tuần gần đây, đưa cả ba chỉ số chính lên mức đóng cửa cao nhất trong năm.

Vào tuần trước các nhà đầu tư đã đặt cược hơn 50% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3. Tuy nhiên, dữ liệu hôm 8/12 cho thấy tăng trưởng việc làm tăng tốc và tỷ lệ thất nghiệp giảm, đồng thời một báo cáo riêng cho thấy kỳ vọng lạm phát tiêu dùng cũng đã hạ nhiệt. Những dữ liệu này làm dấy lên hy vọng rằng lạm phát có thể tiếp tục giảm tốc mà không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái, kèm theo đó kỳ vọng về đợt cắt giảm tháng 3 đã giảm bớt.

Các nhà đầu tư sẽ chú ý đến dữ liệu Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào 12/11, dự kiến sẽ cho thấy lạm phát chung không thay đổi trong tháng 11, tiếp theo là Chỉ số giá sản xuất (PPI) và quyết định lãi suất cuối cùng trong năm của Fed vào 13/12.

Ken Polcari, đối tác quản lý tại Kace Capital Advisors cho biết: “Tôi không nghĩ có bất kỳ lý do nào để phản ứng trước một trong ba sự kiện đó. Thị trường đang ở trạng thái chờ xem và xu hướng sẽ tiếp tục cao hơn”.

Cuối tuần này, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Anh (BOE) cũng sẽ đưa ra thông báo chính sách.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng nhẹ vào 11/12 khi việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ không thể bù đắp hoàn toàn những lo lắng xung quanh tình trạng dư cung dầu thô và tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu yếu hơn trong năm tới.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 19 cent, tương đương 0,3%, lên 76,03 USD/thùng trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ nhích nhẹ 9 cent, tương đương 0,1%, ở mức 71,32 USD/thùng.

Cả hai hợp đồng chuẩn đều tăng hơn 2% vào cuối tuần trước nhưng vẫn giảm tuần thứ bảy liên tiếp, chuỗi giảm hàng tuần dài nhất kể từ năm 2018 do lo ngại về tình trạng dư cung kéo dài.

Bất chấp cam kết của nhóm OPEC+, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, sẽ cắt giảm sản lượng dầu thô 2,2 triệu thùng mỗi ngày trong quý đầu tiên, các nhà đầu tư vẫn hoài nghi về việc tuân thủ đúng kế hoạch của tất cả các thành viên.

Jim Ritterbusch, chủ tịch của Ritterbusch and Associates LLC nhận xét: “Các thành viên tham gia cắt giảm sản lượng sẽ không chỉ thấy doanh thu giảm do khối lượng nhỏ hơn mà còn do giá sụt giảm sau quyết định vừa qua của OPEC+”.

Tăng trưởng sản lượng ở các nước ngoài OPEC dự kiến sẽ dẫn đến dư cung trong năm tới.

Có thể bạn quan tâm