Kết thúc phiên 16/4, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 63,86 điểm (+0,17%) lên 37.798,97 điểm, S&P 500 mất 10,41 điểm (-0,21%) xuống 5.051,41 điểm và Nasdaq Composite giảm 19,77 điểm (-0,12%) còn 15.865,25 điểm.
Chỉ số Dow Jones được thúc đẩy nhờ kết quả hàng quý tốt hơn mong đợi của UnitedHealth Group. Bất động sản và tiện ích là lực cản lớn nhất đối với S&P 500, trong khi công nghệ là lực đẩy lớn nhất.
S&P 500 và Nasdaq đến nay đã giảm gần 4% so với mức cao kỷ lục đạt được vào tháng trước.
Cổ phiếu của Morgan Stanley tăng 2,5% sau khi lợi nhuận quý đầu tiên vượt qua ước tính nhờ hoạt động ngân hàng đầu tư tăng trở lại.
Ngược lại, Bank of America giảm 3,5% do công bố lợi nhuận quý đầu tiên thấp hơn dự đoán, một phần vì dự phòng rủi ro cho vay tăng lên.
Johnson & Johnson mất 2,1% vì doanh thu của nhà sản xuất dược phẩm không đạt được kỳ vọng của các nhà phân tích sau khi doanh số bán thuốc trị vẩy nến bom tấn Stelara thấp hơn ước tính.
Tesla tiếp tục giảm 2,7% sau khi trượt dốc hơn 5% vì có tin hãng xe điện Mỹ lên kế hoạch sa thải hơn 10% lực lượng lao động toàn cầu của mình.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,48 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 11,05 tỷ trong 20 ngày qua.
Về khía cạnh kinh tế, một báo cáo hôm thứ Hai cho thấy doanh số bán lẻ tại Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến trong tháng 3, một dấu hiệu cho thấy khả năng phục hồi kinh tế của Mỹ đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ lên mức cao nhất trong 5 tháng vào 16/4.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết hôm thứ Ba rằng dữ liệu lạm phát gần đây không mang lại đủ tự tin cho các nhà hoạch định chính sách để sớm nới lỏng lãi suất, đồng thời lưu ý rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể cần phải giữ lãi suất cao hơn lâu hơn so với suy nghĩ trước đây.
Giám đốc đầu tư tại Sierra Mutual Fund James St. Aubin nhận xét: “Mọi người đang cố gắng cân bằng câu chuyện hai mặt này: tăng trưởng kinh tế của Mỹ có vẻ thực sự tốt, nhưng đồng thời vẫn còn lo ngại về viễn cảnh lạm phát và lãi suất, hai yếu tố cuối cùng có thể gây rắc rối cho thị trường chứng khoán”.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm nhẹ vào phiên 16/4 sau khi những “cơn gió ngược” kinh tế gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư và lợi nhuận bị hạn chế bởi căng thẳng địa chính trị.
Hợp đồng tương lai dầu Brent kỳ hạn tháng 6 giảm 6 cent, tương đương 0,1%, ở mức 90,02 USD/thùng. Dầu thô WTI giao tháng 5 giảm 5 cent, tương đương 0,1%, kết thúc ở mức 85,36 USD/thùng.
Tim Snyder, chuyên gia kinh tế tại Matador Economics, cho biết: “Lãi suất ở mức cao đang giết chết thị trường vì có vẻ như Fed đang mắc kẹt trong bùn, trong khi lạm phát tiếp tục dai dẳng”.
Dầu Brent có thời điểm đã đạt 92,18 USD/thùng vào cuối tuần trước, mức cao nhất kể từ tháng 10/2023 do lo ngại về xung đột giữa Iran và Israel. Nhưng giá đã giảm bớt vào thứ Hai sau khi tình hình chiến sự có vẻ gây ra ít thiệt hại hơn dự đoán.
Trên thị trường tiền điện tử, giá Bitcoin được đánh giá là vẫn đang vật lộn với mốc 60.000 USD. Đây sẽ là một mức tâm lý đáng kể.
Nếu có thể duy trì trên điểm này và leo cao hơn, mức quan trọng tiếp theo cần theo dõi sẽ là khoảng 67.000 USD. Nếu giá giảm xuống dưới 60.000 USD, mức hỗ trợ tiếp theo là ở khu vực 50.000 USD, có thể khiến xu hướng giá đi xuống.
Giá Bitcoin đang ghi nhận quanh mức 63.891 USD.
Trong quá khứ, thị trường đã thấy Bitcoin “tự mình làm việc mình” và đôi khi hoàn toàn “lờ đi” thị trường chứng khoán. Nhưng gần đây hơn, khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư chứng khoán truyền thống chuyển thêm sang tiền điện tử, biến động giá của Bitcoin bắt đầu chịu ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán nhiều hơn.
Mối liên hệ giữa hai bên cho thấy sự sụt giảm của thị trường chứng khoán ngày nay có thể dẫn đến giao dịch thận trọng trong thế giới tiền điện tử. Nếu thị trường chứng khoán tiếp tục trượt dốc, Bitcoin cũng có thể chịu áp lực. Ngược lại, nếu thị trường chứng khoán tìm được chỗ đứng và bắt đầu tăng trở lại, nó có thể mang lại cho Bitcoin động lực cần thiết để thách thức mức cao trước đó.