Theo phương án phát hành cổ phiếu đã thông qua trước đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC (mã chứng khoán: DSC) sẽ phát hành 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu; tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1 (1 cổ phiếu được hưởng được 1 quyền, 1 quyền được mua 1 cổ phiếu mới); số cổ phần phát hành thêm sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.
Nếu thực hiện thành công, Chứng khoán DSC sẽ tăng vốn điều lệ gấp đôi lên 2.000 tỷ đồng. Số tiền 1.000 tỷ dự kiến thu được từ đợt chào bán sẽ được dùng để để nâng cao năng lực và bổ sung vốn vào các hoạt động kinh doanh như cho vay, bảo lãnh phát hành, tự doanh, kinh doanh mảng phái sinh và chứng quyền có đảm bảo.
Tính đến cuối năm 2022, Chứng khoán DSC có 2 cổ đông lớn là Công ty Cổ phần Đầu tư NTP sở hữu 70% vốn điều lệ; cổ đông Văn Lê Hằng sở hữu 10,03% vốn điều lệ; và còn lại 19,97% vốn điều lệ thuộc về nhóm cổ đông sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Đầu tư NTP lại không muốn thực hiện quyền mua mà đăng ký bán toàn bộ 70 triệu quyền mua cổ phiếu DSC nhưng bất thành do chưa thể đạt được thỏa thuận về giá.
Đầu tư NTP là tổ chức có liên quan đến ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Chứng khoán DSC. Tổ chức này hiện đang là cổ đông lớn nhất của Chứng khoán DSC sở hữu 70 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 70% cổ phần trong khi ông Đức Anh chỉ trực tiếp nắm giữ gần 1,5 triệu cổ phiếu DSC (tỷ lệ 1,5%).
Động thái đăng ký bán quyền mua của Đầu tư NTP có phần bất ngờ khi thị giá DSC trên thị trường đang cao hơn gấp đôi so với giá chào bán cho cổ đông. Cổ phiếu này đã tăng hơn 70% từ đầu tháng 3 và hiện đang dừng ở mức 26.400 đồng/cổ phiếu.
Trong khi Đầu tư NTP từ chối quyền mua cổ phiếu DSC thì ông Nguyễn Đức Anh lại đăng ký mua vào 70 triệu quyền mua. Thời gian dự kiến giao dịch từ 30/6-7/7.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý 1/2023, Chứng khoán DSC có doanh thu hoạt động hơn 67,4 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí tài chính kỳ này tăng tới 31%, lên hơn 26 tỷ đồng, kéo lãi sau thuế 3 tháng đầu năm giảm 19%, còn hơn 11 tỷ đồng.
Tại thời điểm kết thúc quý 1/2023, tổng tài sản của Chứng khoán DSC đạt 2.857 tỷ đồng, tăng tới gần 450 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, cơ cấu tài sản gia tăng của DSC chủ yếu đến từ tiền đi vay nợ.
Cụ thể thì chỉ tiêu về vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của DSC tăng nhanh bất thường trong 3 tháng đầu năm, từ 1.311 tỷ đồng đầu kỳ lên tới 1.749 tỷ đồng. Đồng nghĩa với việc DSC đã phải đi vay nợ ngắn hạn thêm 438 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng đầu năm.
Ghi nhận vay nợ trong kỳ cho thấy DSC đã tăng cường khoản vay tại BIDV từ 461 tỷ lên 745 tỷ đồng; vay VietinBank tăng từ 50 tỷ lên 375 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý khác đó là ghi nhận về lưu chuyển dòng tiền trong hoạt động kinh doanh của chứng khoán DSC âm tới 435 tỷ đồng tại Quý 1 trong khi cùng kỳ còn đang dương 89 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự thâm hụt nặng về dòng tiền mà DSC đang gặp phải.
Do đó cũng không quá khó hiểu khi đơn vị này phải tăng cường vay nợ thêm tới 438 tỷ đồng và hiện tại số nợ ngắn hạn của công ty đã lên tới 1.749 tỷ đồng, cao gấp 1,6 lần so với vốn chủ sở hữu hiện tại.
Năm 2023, Chứng khoán DSC đặt mục tiêu tổng doanh thu 281 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến 97 tỷ đồng, gấp gần 2,3 lần so với thực hiện năm 2022. Với kết quả lãi trước thuế hơn 14 tỷ đồng trong quý đầu năm 2023, Công ty đã thực hiện hơn 14% kế hoạch lợi nhuận năm 2023.