Cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước: Vẫn câu chuyện "khổ lắm, nói mãi.."

Câu chuyện cổ phần hoá, thoái vốn "ì ạch" kéo hàng thập kỷ qua khiến hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn Nhà nước "ách tắc" đã và đang trở thành một vấn đề mang tính thời sự truyền kỳ, thậm chí nhàm chán.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, từ năm 2016 đến nay, mặc dù công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có nhiều thay đổi tích cực về chất nhưng tiến độ vẫn rất chậm.

Cụ thể, đến nay mới cổ phần hóa được 35/127 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đạt 27,5%; hoàn thành thoái vốn được 88 trên tổng số 405 doanh nghiệp, đạt 21,8% so với kế hoạch đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020. 

Lý do muôn thủa

Cũng theo báo cáo, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng chậm trễ nêu trên là Nhà nước đã ban hành nhiều quy định chặt chẽ hơn trong cổ phần hóa, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch nên thời gian thực hiện cũng lâu hơn.

Đặc biệt, một số bộ, ngành địa phương gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện xác định giá trị sử dụng đất, giá trị doanh nghiệp. Cổ phần hóa làm sao không gây ra mất đất, chuyển quyền mục đích sử dụng đất như thế nào trong từng trường hợp là bài toán nan giải.

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cũng cho rằng, vướng mắc nhất hiện nằm ở phương án sử dụng đất. 

Những doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn có phạm vi hoạt động rất rộng khắp tất cả các địa phương, thậm chí có những doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty có chi nhánh, đơn vị phụ thuộc xuống đến các cấp quận, huyện và như vậy công tác thống kê đất đai, công tác đo đạc, công tác hoàn chỉnh hồ sơ, giấy tờ ở phạm vi rộng, đòi hỏi phải hoàn thành trước thời điểm quyết định phê duyệt cổ phần hóa, quả thực gây lúng túng và gây khó khăn cho các đơn vị.

Có thể kể đến như trường hợp của VNPT, lãnh đạo của Tập đoàn này cho biết, hiện VNPT đang sở hữu 4.270 mảnh đất trên 63 tủnh thành. Hiện việc sắp xếp nhà đất mới thực hiện được 95,8% nên VNPT chưa thể có quyết định phê duyệt cổ phần hóa.

Chưa kể doanh nghiệp quốc phòng an ninh cũng gặp phải trường hợp tương tự liên quan đến vấn đề đất đai.  Trong khi đó, sự phối hợp giữa các cơ quan đại diện sở hữu với các ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chưa được nhuần nhuyễn.

Thậm chí là có sự vênh nhau ở nơi này, nơi khác giữa các cơ quan liên quan với các địa phương trong quá trình phê duyệt phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, các doanh nghiệp cổ phần hóa có đất đai trên địa bàn.

Phương pháp định giá cũng là một trong những "thủ phạm" làm chậm quá trình cổ phần hoá. Bà Phan Vân Hà -Công ty thẩm định giá IVC Việt Nam cho biết, đã từng từ chối tư vấn định giá cho Agribank bởi không xác định được phương pháp định giá với nhà băng này.

Bởi nếu làm theo phương pháp định giá tài sản thì rất rối do Agribank có hàng nghìn phòng giao dịch trên cả nước ở cả hải đảo, biên giới. 

Nếu áp dụng phương pháp tài sản thì Agribank là định chế tài chính, mà theo thông lệ quốc tế, phương pháp định giá đối với một định chế tài chính là theo phương pháp chiết khấu dòng tiền. Nếu buộc áp dụng phương pháp tài sản thì rất khó thực hiện được và không biết bao giờ mới xong. Dài dòng là vậy nhưng nhìn chung nguyên nhân của việc chậm là bất cập về cơ chế.

Nói mãi nhưng liệu đã biết rồi?

Khó khăn không chỉ vây quanh những doanh nghiệp đang làm công tác chuẩn bị mà ngay cả với những doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hoá cũng phải đối mặt với nguy cơ không bán hết cổ phần, thậm chí "ế" hoàn toàn.

Chẳng hạn như Tổng công ty Sông Đà là một thương hiệu lớn, nhưng sau khi cổ phần hoá Nhà nước vẫn nắm giữ tới 99% vốn do không bán được cổ phần.

Trong giai đoạn 2011-2016, có 172 doanh nghiệp không bán được toàn bộ số cổ phần theo phương án cổ phần hóa, chiếm 40% tổng số 426 doanh nghiệp thực hiện chào bán.

Sau khi bán cổ phần lần đầu, tổng giá trị vốn điều lệ của 426 doanh nghiệp là 184.254 tỷ đồng, trong đó Nhà nước tiếp tục nắm giữ 81,1%. Số vốn do nhà đầu tư  chiến lược nắm giữ chỉ chiếm 7,3% vốn điều lệ. Các nhà đầu tư khác nắm giữ qua bán đấu gía công khai chiếm 9,4% vốn điều lệ.

Ngay trong năm 2017-2018, việc bán đấu giá cổ phần lần đầu tiếp tục gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đạt tỷ lệ bán cổ phần lần đầu rất thấp so với phương án đã duyệt, như Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp chỉ đạt 0,1%; Công ty Bột mỳ Vinafood1 đạt 4%; Công ty Cao su Tân Biên đạt 0,4%; Công ty Cấp nước Gia Lai đạt 0,04%; GENCO3 đạt 2,8%; Tổng công ty Sông Đà 0,4%...

Điều này ảnh hưởng tới mục tiêu lớn về cổ phần hoá, tái cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước. Đồng thời chứng minh được một thực trạng là hiệu quả của các DNNN trước khi cổ phần hoá chưa đủ sức để thu hút các nhà đầu tư trên thị trường.

Về lý thuyết, công tác cổ phần hoá, thoái vốn tại các DNNN nhằm đảm bảo mục tiêu giảm sự chi phối của Nhà nước vào các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế có thể thấy là hầu hết các DNNN đều đang chứng tỏ một sự yếu kém về cả năng lực đầu tư cũng như kinh doanh.

Bản chất của sự yếu kém này nằm ở chỗ "cha chung không ai khóc"bởi những người là đại diện phần vốn Nhà nước có tâm lý "không phải tiền của mình" dẫn đến việc "thờ ơ" trong công tác quản lý, thậm chí vụ lợi khiến vốn Nhà nước bị thất thoát, thậm chí phát sinh thêm nợ nần.

Bên cạnh đó,nhằm thực hiện mục tiêu tối đa hoá tiền thu về cho ngân sách Nhà nước trong nhiều trường hợp đã khiến DNNN và cổ phần Nhà nước được đẩy lên "giá trên trời" cùng với điều kiện mua khó nhằn, mang lại tính loại trừ cao.

Để công tác cổ phần hoá đạt được hiệu quả cao nhất, có lẽ các cơ quan chức năng cầnphân loại DNNN và vốn nhà nước phù hợp với từng mục tiêu cụ thể, đồng thời giảm giá cổ phần, nới điều kiện mua...

>> Hơn 90 doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020  

Có thể bạn quan tâm