Công ty Chứng khoán Mirae Asset vừa có báo cáo phân tích và dự phóng hiệu quả kinh doanh của ngành dệt may trong giai đoạn tới.
Trong đó, công ty chứng khoán này cho biết, ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu là chủ yếu, kinh tế thế giới lạm phát cao nhất trong 40 năm qua vì vậy khách hàng thắt chặt chi tiêu và hạn chế mua các mặt hàng không cần thiết, trong đó có dệt may.
Các yếu tố tác động chính đến thị trường năm 2023 là lãi suất của FED, xung đột giữa Nga và Ukraine, do tắc nghẽn chuỗi cung ứng, lạm phát xảy ra trên toàn cầu... điều này đã dẫn đến tỷ lệ hàng dệt may xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài giảm mạnh.
Cụ thể, trong quý 1/2023 và so với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường phương Tây sụt giảm đến mức đáng kinh ngạc như Mỹ(-30,2%), EU(-24%), Canada(-16,3%).
Ngoài ra, mặc dù thị trường ở châu Á và Nhật Bản vẫn duy trì ở mức tăng trưởng dương, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với năm 2022.
Doanh thu xuất khẩu dệt may giảm mạnh
Theo nguồn tin từ Tổng cục Hải Quan, xuất khẩu hàng dệt may của cả nước đạt hơn 7 tỷ USD trong quý 1/2023, giảm gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể nói, đây đang là giai đoạn khó khăn đới với ngành dệt may Việt Nam khi tổng lượng cầu của thế giới đột ngột giảm do suy thoái kinh tế.
Đối mặt với bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp sử dụng phương pháp cắt giảm một lượng lớn người lao động để tiết kiệm chi phí.
Song chỉ số sản xuất công nghiệp trong đầu năm nay không ghi nhận dấu hiệu tăng trưởng. Hầu hết doanh thu của các doanh nghiệp may mặc đều sụt giảm cùng biên lợi nhuận thu hẹp rất mạnh, kéo theo lợi nhuận quý 1 tụt dốc không phanh.
Cụ thể, doanh thu của MSH (-50,6%); VGT (-14%); TCM (-21,9%); HTG (-5,4% CK); EVE (-22,4%); GIL (-88,9%) mặc dù đã áp dụng nhiều phương pháp để đẩy mạnh doanh thu tuy nhiên vẫn chưa có nhiều dấu hiệu tích cực.
Xuất khẩu sợi tiếp tục suy giảm mạnh, trong quý 1 năm 2023 hai thị trường chủ lực là Trung Quốc và Hàn Quốc đều tăng trưởng âm, lần lượt giảm 38,7% và 29,3%. Nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may thế giới yếu đi tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, theo đó làm giảm nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng sợi.
Cập nhật đến cuối tháng 4, giá cotton đã giảm về mức quanh 80 USD/pounds ngang với trung bình giai đoạn 2012-2019 cho thấy nhu cầu nguyên liệu đầu vào của ngành đang suy giảm.
Với tình hình hiện tại, tiêu thụ sẽ chỉ đi lên khi các dấu hiệu tốt lên của nền kinh tế xuất hiện và người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu trở lại. Dự đoán trong năm nay, tăng trưởng giá trị xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục ở mức thấp và xuất khẩu sợi vẫn suy yếu.
Dấu hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện
Trong bối cảnh ngành dệt may Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, dệt may TNG biến đổi tích cực với mức tăng trưởng doanh thu đạt 6,7% thể hiện sự nỗ lực và vị thế của doanh nghiệp này.
Các công ty may hầu hết đều ghi nhận doanh thu và biên LNG sụt giảm, TNG đang là điểm sáng của ngành.
Mặc dù chi phí tài chính tăng mạnh 66,5% do lãi suất tăng cao so với cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp của công ty duy trì mức 4,2% (cao hơn quý 1/2022 là 3,7% và giảm so với mức 5,5% của cả năm 2022). TNG ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức 43,6 tỷ VND (+13,5%), và là công ty hiếm hoi tiếp tục duy trì tăng trưởng trong quý 1/2023.
Để duy trì đà tăng trưởng, dệt may TNG đã tiến hành đầu tư các máy móc, thiết bị nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí đầu vào. TNG đã đưa vào hoạt động Chi nhánh TOT (công nghệ tự động hóa TNG) và Trung tâm phát triển mẫu TNG tại Nhà máy TNG Sông Công 3.
Công ty Chứng khoán Mirae Aset dự báo, doanh thu của dệt may TNG sẽ giảm nhẹ trong năm nay do cải thiện chi phí hoạt động và ít bị ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá hơn so với năm 2022, doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2023 ở mức lần lượt 6.396 tỷ VND (-5,6%) và 319 tỷ VND (+9,2%).
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/6, cổ phiếu của TNG đang dừng ở mức 20.000 đồng/cổ phiếu.
Theo báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect, việc mở cửa trở lại một số mặt hàng xuất khẩu ròng của Trung Quốc có thể giúp giảm chi phí đầu vào của các doanh nghiệp may mặc do 70% nguyên liệu vải của Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng đặt ra nhiều thách thức khi quốc gia này chính là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam tại thị trường Mỹ. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc tăng lần lượt 3,8 điểm, 0,9 điểm và 2,6 điểm so với tháng trước.
Trong khi lạm phát tại Mỹ và EU cũng đang hạ nhiệt trong 2 tháng đầu năm 2023. Với các chỉ số đang có dấu hiệu phục hồi, các doanh nghiệp kỳ vọng việc xuất khẩu sẽ bớt khó khăn và phục hồi dần vào cuối năm.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện các doanh nghiệp đã nội địa hóa được khoảng 49%, dự kiến con số này sẽ được nâng lên mức 51-55% trong thời gian 2023-2025 tới đây. Các doanh nghiệp đang nỗ lực thúc đẩy giảm nhập khẩu, tăng nội địa hóa nguyên phụ liệu trong nước.