Cổ phiếu thép: Quý 2 thất vọng, kỳ vọng quý 3

Giá thép giảm mạnh khiến lợi nhuận quý 2/2017 của nhiều doanh nghiệp thép bị “bào mòn”, gây thất vọng cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, cuối tháng 7, giá thép nguyên liệu đã phục hồi và bật tăng mạnh, k
Cổ phiếu thép: Quý 2 thất vọng, kỳ vọng quý 3

Giá cổ phiếu rung lắc vì lợi nhuận quý 2 giảm

Giá cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen đã có phiên giảm sàn khi tập đoàn này công bố lợi nhuận quý 2/2017 là 272 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Quý 1/2017, Hoa Sen đạt hơn 410 tỷ đồng lợi nhuận. Như vậy, Hoa Sen phải đạt hơn 400 tỷ đồng lợi nhuận trong quý 3/2017 mới hoàn thành kế hoạch 1.600 tỷ đồng lợi nhuận của năm tài chính kết thúc vào 30/9/2017.

Tương tự, giá cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát sau khi tăng lên hơn 33.000 đồng/CP, chủ yếu nhờ lực mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài, đã rung lắc mạnh khi doanh nghiệp công bố lợi nhuận quý 2/2017 đạt 1.538 tỷ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn gần 400 tỷ đồng so với quý I.

Giá cổ phiếu HPG sau đó có diễn biến giảm, xuống 30.800 đồng/cổ phiếu, gần đây dao động quanh ngưỡng 32.000 đồng/CP. Lợi nhuận quý 2/2017 giảm, nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm, HPG đã đạt 58% kế hoạch năm và tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cổ phiếu NKG của Công ty cổ phần Thép Nam Kim cũng có diễn biến giảm, từ ngưỡng 34.000 đồng/CP xuống ngưỡng 30.000 đồng/CP. Lợi nhuận quý 2/2017 của Thép Nam Kim là 194 tỷ đồng, giảm 19% so với quý 2/2016.

Ông Phạm Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Thép Nam Kim chia sẻ, trong quý II năm nay, giá nguyên liệu giảm mạnh, khiến doanh nghiệp “choáng váng”.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, giá thép cuộn cán nóng phải nhập khẩu 100% vào đầu tháng 3 là 515 - 523 USD/tấn, đầu tháng 4 là 475 - 480 USD/tấn, đến cuối tháng 5 giảm còn 440 USD/tấn.

Giá quặng và giá phôi thép nhập khẩu cũng giảm mạnh trong quý 2. Giá quặng giảm từ 80 USD/tấn xuống 55 USD/tấn, giá phôi giảm khoảng 75 USD/tấn.

Giá nguyên liệu giảm nhanh và mạnh khiến giá bán trong nước giảm theo. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến lợi nhuận của doanh nghiệp thép không được như kỳ vọng.

Kỳ vọng quý 3

Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (DTL) cho biết, giá thép cán nóng hiện đã tăng 50 USD/tấn so với cuối tháng 6 và so với thời điểm giá thấp nhất thì giá thép cuộn cán nóng đã phục hồi gần 100 USD/tấn.

“Lợi nhuận của các doanh nghiệp thép tháng 7 rất tốt, không riêng gì DTL”, ông Nghĩa nói.

Trong quý 2/2017, DTL đạt 43 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất so với mức hơn 70 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Nửa đầu năm 2017, DTL đạt 115 tỷ đồng lợi nhuận, bằng 48% kế hoạch năm. Theo ông Nghĩa, khả năng Công ty đạt kế hoạch lợi nhuận 250 tỷ đồng năm 2017 là rất cao.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo các doanh nghiệp thép khác như HPG, HSG, NKG đều đánh giá, doanh nghiệp có khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm nay. Trong điều kiện giá nguyên liệu ngành thép đang tăng mạnh trở lại, doanh nghiệp sẽ lại đạt tỷ suất lợi nhuận cao. Một số doanh nghiệp có hàng tồn kho tăng lên vào cuối quý 2 sẽ được hưởng lợi lớn.

Theo thông tin từ các doanh nghiệp, giá thép cuộn cán nóng và giá phôi thép gần đây tăng mạnh chủ yếu là do Trung Quốc - quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới, có động thái giảm công suất, đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm, các nhà máy quy mô vừa và nhỏ.

Trong khi đó, Việt Nam áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại cho một số mặt hàng thép xây dựng và phôi thép trong nước. Các doanh nghiệp kỳ vọng, giá nguyên liệu thép trong những tháng cuối năm sẽ ổn định.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, đó là kịch bản lạc quan. Khi lựa chọn cổ phiếu doanh nghiệp thép để đầu tư, cần lựa chọn những doanh nghiệp có năng lực quản trị hàng tồn kho tốt để hạn chế rủi ro từ sự biến động bất thường của giá đầu vào. Ngoài ra, cần tính đến khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp nhờ tăng sản lượng hay doanh thu từ các ngành hàng khác.

Điểm sáng trong quý 2/2017 là sản lượng và doanh thu của các doanh nghiệp thép đều tăng. Trong lĩnh vực tôn thép, NKG và HSG sẽ đưa thêm các dây chuyền mới vào hoạt động trong nửa cuối năm và đầu năm sau. Tổng giám đốc NKG cho biết, quý I/2018, sản lượng của Công ty sẽ tăng thêm 300.000 tấn, tương đương tăng 35%.

Với HSG, doanh nghiệp này sẽ tăng công suất từ 1,6 triệu tấn/năm lên 2,2 triệu tấn/năm vào cuối năm nay. Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn, HSG khởi công nhà máy thép cán nguội công suất 350.000 tấn/năm vào tháng 7 vừa qua sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất, vì 25% nhu cầu thép cán nguội của HSG đang phải mua ngoài.

Đối với HPG, năm 2017, doanh thu và lợi nhuận quý IV có đóng góp thêm từ Dự án căn hộ Mandarin 2, đã bán khoảng 70% số căn hộ, dự kiến bắt đầu bàn giao nhà từ cuối năm. Đầu năm 2018, nhà máy tôn mạ màu của HPG sẽ đi vào hoạt động, dự kiến sản lượng đạt 85% công suất thiết kế.

Đặc biệt, từ tháng 7/2018, HPG sẽ đưa vào chạy thử dây chuyền cán thép xây dựng có công suất 2 triệu tấn/năm của Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất.        

Theo Thu Hương/ TNCK

 >> Cổ phiếu HSG giảm sâu, công ty của ông Lê Phước Vũ đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu

Có thể bạn quan tâm