Có quặng trong đầu "vua thép"

Khởi nghiệp "tay ngang" nhưng Trần Đình Long chưa bao giờ vội vã và không bao giờ đi tắt. Nguyên tắc của anh là "đi đường thẳng, đi chính giữa và đi bằng xe lu. Chậm nhưng chắc".
Có quặng trong đầu "vua thép"

Tôi từng "chọn" Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn thép Hòa Phát, làm nhân vật của mình từ khi anh lao vun vút lên vị trí số 2 bảng xếp hạng "Người giàu nhất trên sàn chứng khoán 2015", nhưng anh từ chối. Năm nay ngành thép nóng hơn lò nung nên tự trong suy nghĩ, cả hai bên đều chưa sẵn sàng cho một cuộc phỏng vấn.

"Ngoài tế bào bình thường 
thì trong huyết quản của tôi có thêm tế bào quặng và sắt", ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn thép Hòa Phát

Trần Đình Long lý giải, nguyên tắc của anh là "không tự ca ngợi cũng không phân bua", nên dù thép năm nay nóng như lửa, anh vẫn im lặng. Nói vậy nhưng Trần Đình Long không né tránh bất cứ câu hỏi nào của tôi, không thăm dò xem tôi viết gì và cũng chẳng "dặn dò" gì dù đây là lần xuất hiện chính thức đầu tiên của anh trên mặt báo.Tìm kiếm trên Google, các thông tin về Trần Đình Long na ná nhau bởi xuất phát chung từ cáo bạch của Tập đoàn Hòa Phát. Chính thức thì Trần Đình Long chưa bao giờ trả lời phỏng vấn báo chí. Một đồng nghiệp còn tò mò hỏi: "Làm sao có thể lôi được anh Long lên báo?". Thú thực, tôi chẳng hề thuyết phục hay xin phép, một cách tự nhiên và tự nguyện, cả tôi và anh đều biết anh sẽ là nhân vật của tôi sau cuộc trò chuyện. Có những sự phó thác "liều lĩnh" và đó là lý do tôi nói giữa tôi và anh có "duyên nợ".

Hành trình của thép sạch

Tôi hỏi Trần Đình Long có sợ không khi dư luận đang phản ứng rất tiêu cực với các dự án thép? Bởi nói đến thép là nói đến ô nhiễm, là người ta nhớ đến Formosa, thảm họa trong lịch sử môi trường của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc Hòa Phát tái khởi động dự án thép 3 tỉ USD tại Quảng Ngãi cũng gây ít nhiều chú ý dù dự án này nhà đầu tư ngoại đã bỏ của chạy lấy người. Trần Đình Long bảo, đã 25 năm kể từ ngày bị "ông trùm" gang thép thời bấy giờ nói "biết gì mà làm", đến nay trở thành tập đoàn thép số 1 Việt Nam, anh đã trải qua quá nhiều chuyện nên miễn nhiễm với từ sợ. "Ngoài tế bào bình thường thì trong huyết quản của tôi có thêm tế bào quặng và sắt", Trần Đình Long nói và khẳng định, về nguyên tắc, ngành nào cũng phát thải, vấn đề là nhiều hay ít và phải đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam.

Thực tế, Trần Đình Long và Hòa Phát đã làm nhiều hơn thế. Công ty cổ phần năng lượng Hòa Phát là đơn vị duy nhất tại Việt Nam sử dụng công nghệ luyện coke sạch và thu hồi nhiệt đạt các tiêu chuẩn môi trường theo cơ chế phát triển sạch CDM giảm lượng khí thải nhà kính theo Nghị định thư Kyoto. Năng lượng Hòa Phát cũng là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tại Việt Nam được vay vốn ODA và đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho dự án tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả.

Thành tích môi trường "khủng" là thế nhưng Trần Đình Long "nói thật lòng", khi mới bước chân vào ngành thép, ý thức môi trường của anh còn rất mờ nhạt. Nó được bồi đắp thường xuyên qua mỗi chuyến đi, qua thời gian. Nó bắt đầu từ "cái giật mình" trước giải thưởng của Liên Hiệp Quốc về môi trường xanh treo trước cổng một nhà máy thép ở Trung Quốc khi anh tới thăm năm 2004.

Anh thú thực, cái hấp dẫn nhất đối với anh là nhà máy sản xuất thép này không thải ra dầu cốc (rất nặng mùi) mà còn phát điện.

"Với dân làm ăn, điện là tiền", anh nói và thừa nhận, ý thức đầu tiên về môi trường là tiết kiệm chi phí. Nhưng càng đi sâu vào nghề, Trần Đình Long càng thấm thía, ô nhiễm môi trường không chỉ gây hại ra bên ngoài mà gây hại cho chính mình. Có những chất ăn mòn kim loại rất nhanh, nhà xưởng bị phá hủy, sức khỏe công nhân và chính lãnh đạo công ty cũng bị ảnh hưởng... Nên với anh bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ mình, tài sản của mình. Cứ thế, mỗi ngày ngấm một tí; đi mỗi nơi học một tí... để có một thép Hòa Phát với công nghệ sạch và tiết kiệm chi phí hàng đầu Việt Nam như nói trên.

Không sống nhờ chính sách

Chọn sự im lặng nhưng năm 2016, Hòa Phát lại trở thành tâm điểm dư luận khi 2 kiến nghị của tập đoàn được thông qua. Đầu tiên là cấm xuất khẩu quặng sắt khiến giá quặng trong nước giảm mạnh. Là doanh nghiệp tiêu thụ quặng nhiều nhất, Hòa Phát hưởng lợi lớn. Thứ hai là kiến nghị áp thuế bán phá giá với thép Trung Quốc, giúp Hòa Phát giảm cạnh tranh, tăng cả giá lẫn sản lượng, bán hàng... Sóng dư luận nổi lên.

Có thể nói, trong suốt 25 năm lịch sử phát triển, Hòa Phát chưa bao giờ bị công kích nhiều như vậy. Nhưng Trần Đình Long không hề lảng tránh. Anh nói thẳng, ở một thời điểm, một bối cảnh nhất định, có những doanh nghiệp rơi vào "vùng" chính sách và nghiễm nhiên được hưởng lợi. "Có, tôi không từ chối nhưng ngay ngày mai không có thì chúng tôi vẫn sống. Nhiều người rất nhầm khi cho rằng có một số doanh nghiệp sống dựa vào chính sách. Chúng tôi không xây dựng chiến lược kinh doanh trên cơ sở đó", anh khẳng định. Đó là sự thật.

Khởi nghiệp "tay ngang" nhưng Trần Đình Long chưa bao giờ vội vã và không bao giờ đi tắt. Nguyên tắc của anh là "đi đường thẳng, đi chính giữa và đi bằng xe lu. Chậm nhưng chắc".

Điều này thể hiện xuyên suốt quá trình phát triển của Hòa Phát trong mấy chục năm qua. Nếu hầu hết các công ty công nghiệp nặng đều sử dụng tới 70% vốn vay thì tỷ lệ này ở Hòa Phát chỉ 50%. Thậm chí, ngay cả khi đang vay nợ, Hòa Phát vẫn duy trì một tài khoản tiền mặt ở ngân hàng.

Anh bảo, cái quan trọng là xây dựng dự án trên cơ sở khi giá xuống thấp nhất mình vẫn sống được. Sự cẩn trọng đến bảo thủ của ông chủ Hòa Phát đã không ít lần gây ức chế cho cổ đông, nhà đầu tư và ngay chính những người trong công ty. Nhưng thời gian đã chứng minh, anh đúng. Năm 2016 là một năm "rực rỡ" của Hòa Phát với lợi nhuận và doanh thu tăng vượt bậc.

Ông chủ tịch "quê một cục"

Trần Đình Long tự nhận mình "quê một cục" dù anh là dân Hà Nội gốc. Mà anh "quê" thật. Trần Đình Long thích mua quà. Đi đâu thấy của ngon, vật lạ anh đều đùm túm mua về. Cô nhân viên của anh than, có lần đi công tác gặp trứng gà sạch, anh mua cả ngàn quả. "Trứng tập kết chật hành lang công ty, bọn em khổ vì chia trứng".

Tối nào anh cũng ôm ti vi "luyện" phim và không bao giờ bỏ qua chương trình Tình khúc vượt thời gian. Cuối tuần và dịp lễ thì kiểu gì cũng đi nghỉ. "Cả ngày chẳng có lấy một cú điện thoại", Trần Đình Long nói và quả thật, suốt mấy tiếng ngồi cùng tôi, điện thoại của anh im như thóc. "So với hầu hết doanh nhân, anh quá nhàn tản?", tôi không giấu nổi ngạc nhiên.

"Từ ngày công ty niêm yết tôi không tham gia điều hành, không nhận lương", Trần Đình Long trả lời. "Vậy công việc của anh là gì?". "Lo lớp cán bộ kế cận, đường lối phát triển của tập đoàn. Trừ khi đi công tác, ban điều hành sáng, trưa nào cũng ngồi với nhau cà phê, ăn cơm bàn công việc luôn", anh nói.

Trí tuệ toát ra từ sự giản dị trong ngôn ngữ, trang phục, giọng cười, cách xưng hô... Trần Đình Long đã đạt tới cảnh giới của sự chân thành và tự tin.

Thú vui xa xỉ nhất của anh là gì?

Máy bay, nhưng tôi bán lâu rồi.

Anh thích đồ xa xỉ hay điều đó để chứng tỏ đẳng cấp đại gia?

Chỉ đơn giản là tôi thích. Trước đó tôi định mua máy bay phản lực nhưng nghĩ đi nghĩ lại nhu cầu sử dụng không nhiều nên lại thôi.

Không nhận lương, anh tiêu bằng gì?

Hòa Phát năm nào cũng chia cổ tức bằng tiền mặt 10 - 15%, tôi đủ tiêu thoải mái.

Tôi cũng "hèn" lắm nên nhu cầu chi tiêu không nhiều (cười sảng khoái).

Nguyên tắc nhân sự của anh là gì?

Không họ hàng.

Điều gì khiến anh tự hào nhất ở Hòa Phát?

Tính truyền thống, hay gọi là nếp nhà cũng được. Chúng tôi có tấm hình 3 thế hệ của Hòa Phát. Đó cũng chính là thế mạnh của tập đoàn.

Theo Nguyên Hằng/Thanh Niên

 >> Thép Hòa Phát cán mốc sản lượng trên 1,8 triệu tấn

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…