"Cuộc chiến trái phiếu": Khi trái chủ lẫn doanh nghiệp đều muốn là người "quyết"

Những ngày qua, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu liên tục tổ chức các cuộc gặp mặt, thương thảo với nhà đầu tư (trái chủ) nhằm đưa ra các giải pháp tháo gỡ bế tắc khi doanh nghiệp đến kỳ hạn trả lãi suất, đáo hạn nhưng không có tiền trả. Nhưng dường như mọi chuyện không được như ý...

Vì giãn, hoãn hay hoán đổi trái phiếu hay kiện doanh nghiệp ra toà đều không phải là cách mà các trái chủ muốn. Và với tình hình thực tế hiện nay cả 2 bên đều rơi vào thế khó. Nó khiến "cuộc chiến trái phiếu" chưa có hồi kết...

Cáctrái chủ liên tục "khởi nghĩa"...

"Nhà tôi có mua trái phiếu Becamex đến hạn tất toán nửa tháng rồi. Họ có hợp đồng mua lại ký trước đấy, đến giờ thì không thực hiện hợp đồng, yêu cầu khách hàng gia hạn thêm 6 tháng. Đến công ty gặp, thì bảo vệ không cho lên. Tôi đang chuẩn bị thủ tục khởi kiện, các bác muốn khởi kiện chung thì nhắn tin cho tôi. Cùng nhau lên thuyền...".

"Có ai đã góp vốn đầu tư vào Công ty cổ phần đầu tư và phân phối Egame (Egroup) của Shark Thuỷ ko? Giờ tôi đã hết hạn hạn hợp đồng mà họ lấy đủ lý do ko trả. Tôi muốn kiện họ...".

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng nghìn ý kiến của cái trái chủ trong một group về trái phiếu. Và group này cũng chỉ là một trong số hàng trăm, hàng nghìn group được các nhà đầu tư lập ra trong thời gian vừa qua - khi thị trường bất động sản bị đóng băng, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thua lỗ, không đủ tiền trả nợ và lãi cho các trái chủ.

trai-chu
Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, năm 2023 sẽ có khoảng 309.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Số lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn vào khoảng 119.000 tỷ đồng. Và các trái chủ đang rất hoang mang với con số này. 

Và có lẽ, trong các group này nội dung được các trái chủ trao đổi nhiều nhất đó chính là làm sao để lấy lại được tiền, khi doanh nghiệp liên tục gia hạn nhưng không thực hiện nghĩa vụ khi đến ngày trả nợ, nhà đầu tư hoang mang không biết nên làm gì tiếp theo,...

Theo anh Huy (Hà Nội) - một nhà đầu tư mua trái phiếu của Công ty Quang Thuận mã QTFLEX tại Công ty Chứng khoán Tân Việt cho biết, có 2 vấn đề mà các trái chủ đang gặp phải. Một là khởi kiện để bắt các công ty - tổ chức - cá nhân chịu hình phạt trước pháp luật vì thực hiện một số hành vi không đúng trong việc mua bán trái phiếu; Hai là muốn đàm phán để đòi lại được số tiền của mình.

"Trong trường hợp một thì hiện tại người dân đang đi đúng hướng. Nhưng vấn đề ở chỗ đa số người dân chúng tôi đang muốn lấy lại tiền - mồ hôi xương máu của mình cho nên theo đa số thì nằm ở trường hợp thứ hai. Nhưng trường hợp thứ 2 có quá nhiều rủi ro. Vậy, các nhà đầu tư nên giải quyết như thế nào?"....

Trong khi, người dân ngày càng mất dần niềm tin vào thị trường trái phiếu, cũng như cách xử lý của các doanh nghiệp, nhất là sau các vụ trái phiếu của Tập đoàn An Đông, Tân Hoàng Minh,... Và đặc điểm chung của các trái phiếu này đều liên quan đến các doanh nghiệp bất động sản với hệ số nợ/vốn chủ sở hữu cực cao. Tức là, chỉ cần thị trường bất động sản đóng băng thì khả năng doanh nghiệp mất thanh khoản và rủi ro vỡ nợ cực lớn.

"Do đó, thay vì đàm phán theo ý của chủ đầu tư, các trái chủ hiện nay muốn đoàn kết lại đòi quyền lợi của mình, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân", anh Huy nói.

Và không mặn mà với các hình thức hoán đổi thanh toán trái phiếu

Thời gian này, thay vì đưa ra phương án giãn hoãn nợ khiến các trái chủ phản ứng mạnh mẽ, thì nhiều doanh nghiệp đã đưa ra hình thức hoán đổi thanh toán trái phiếu bằng cổ phiếu doanh nghiệp hoặc bất động sản.

Vì hoán đổi trái phiếu thành vốn chủ sở hữu không phải là giải pháp duy nhất hay hiệu quả nhất trong tổng hòa các giải pháp giải quyết tình trạng khủng hoảng nợ trái phiếu hiện nay. Nhưng nó được coi là giải pháp cần thiết và cung cấp thêm một sự lựa chọn hiệu quả để tái cơ cấu nợ, vượt qua khó khăn nhất thời cho các doanh nghiệp có tiềm lực và triển vọng tăng trưởng, nhưng lâm vào tình trạng khó khăn tạm thời dưới sự tác động chung của thị trường.

trai-chủ
Các trái chủ hiện nay đang khá băn khoan và không có nhiều niềm tin vào hình thức hoán đổi thanh toán trái phiếu của các doanh nghiệp

Ấy vậy nhưng dường như các trái chủ lại không mấy mặn mà... Ví dụ như trường hợp của Novaland đưa ra, mong muốn thanh toán trái phiếu bằng cổ phiếu doanh nghiệp. Theo ý kiến của các trái chủ, nếu họ đồng thuận thì sẽ gặp phải 3 vấn đề lớn. Thứ nhất, nhà đầu tư sẽ thiệt thòi hơn về mặt lợi ích dưới góc độ vị thế pháp lý.

Vì hiện tại, các trái chủ được hiểu là chủ nợ, được hưởng quyền ưu tiên trả nợ trước, nhưng khi chuyển đổi sang sở hữu cổ phiếu, lúc này từ vị thế chủ nợ trở sẽ thành chủ sở hữu doanh nghiệp (cổ đông), cũng có nghĩa là sẽ đồng hành với doanh nghiệp, và chỉ khi đã trả hết nợ cho chủ nợ thì mới tới lượt cổ đông được thanh toán phần vốn góp của mình.

Ngoài ra, những thông tin tiêu cực xoay quanh Novaland trong thời gian qua đã đẩy giá cổ phiếu xuống thấp nhất lịch sử. Nếu Novaland vỡ nợ, thì giá trị tài sản thế chấp bằng cổ phiếu sẽ giảm, làm mất khả năng thu hồi nợ.

Thứ hai, Novaland đang gặp khó khăn về dòng tiền khi các trái chủ lần lượt đệ đơn yêu cầu Novaland thanh toán tiền gốc và lãi. Theo điều 5 của Luật phá sản 2014, sau thời gian 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, thì doanh nghiệp sẽ được nộp đơn phá sản. Vậy Novaland có thể xoay chuyển tình thế trong 3 tháng tới không? Chúng ta cần xét đến yếu tố dòng tiền từ các khoản phải thu, giảm áp lực tồn kho và từ hoạt động kinh doanh nói chung.

Thứ ba, đánh giá ở góc độ cấu trúc vốn có thể thấy Novaland đang nợ hơn 212 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 5 lần so với vốn chủ sở hữu. Khi xem xét yếu tố chất lượng tài sản ngắn hạn, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy khoản tiền và tương đương tiền của Novaland đang rất thấp, chỉ chiếm khoảng 4,33%.

Ngoài ra, các khoản phải thu khách hàng chiếm đến 26,72%. Lượng hàng tồn kho rất lớn, với trị giá gần 135 nghìn tỷ đồng, chiếm đến 67% tài sản ngắn hạn. Khả năng để Novaland có thể xử lý lượng hàng tồn kho này để tất toán các khoản nợ đến hạn cũng là vấn đề lớn, vì sản phẩm của Novaland đa phần thuộc phân khúc cao cấp, khó thanh khoản.

Trong khi đó, Novaland chỉ là ví dụ điển hình phản ánh tình hình chung của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay (kiệt quệ tài chính, không có khả năng thanh khoản, tín dụng bị đóng băng).

Còn với hình thức hoán đổi thanh toán trái phiếu bằng bất động sản thì các trái chủ đặt câu hỏi: Các doanh nghiệp sẽ định giá tài sản (thường là bất động sản) là bao nhiêu khi trừ nợ trái phiếu? Nếu tài sản là bất động sản dở dang thì đánh giá năng lực hoàn thành dự án của doanh nghiệp như thế nào?

Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng hình thức này nhưng theo hình thức siết nợ. Ví dụ, có doanh nghiệp đồng ý hoán đổi thanh toán một số trái phiếu bằng bất động sản tại một trong số chuỗi dự án của doanh nghiệp tại khu vực Hồ Tây, Hà Nội. Tuy nhiên, các bất động sản này lại đang định giá 70 triệu đồng/m2 cho căn hộ chung cư, trong khi giá thực tế đang rao bán lại chỉ dao động trên 40 triệu đồng/m2.

Điều này cho thấy, doanh nghiệp đang nắm quyền quyết định, cuộc chơi và siết giá nhà đất chứ không phải là các chủ nợ trái phiếu (trái chủ). Do yếu thế, các doanh nghiệp lại chây ì, các trái chủ buộc phải nghe theo. Điều này càng làm cho các trái chủ không mấy mặn mà với các hình thức hoán đổi này của doanh nghiệp.

Để rồi rơi vào bế tắc... trông chờ...

Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay, chúng ta phải nhắm vào 3 đối tượng. Thứ nhất, nhà đầu tư sẵn sàng khởi kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Vì nhà đầu tư thấy rằng, họ không thể chờ đợi hơn được nữa, đến hạn mà doanh nghiệp không trả được nợ thì họ sẽ kiện doanh nghiệp ra toà.

Với nhóm này, doanh nghiệp nên tìm mọi cách xoa dịu để hoãn quá trình kiện tụng, bằng cách trả một phần nợ (tối thiểu 10%), hoặc lập 1 quỹ bảo lãnh với một số tiền nhất định - quỹ này không được dùng đến, để làm điều kiện bảo đảm dãn hoãn nợ đối với các trái chủ.

Nhóm thứ hai là nhóm đồng ý với các phương án dãn hoãn nợ, tối thiếu là 2 năm. Với nhóm này, các nhà đầu tư thấy doanh nghiệp đang kiệt quệ, nếu khởi kiện ra toà thì sẽ không đem lại kết quả, tốn thêm phí. Trái chủ sẵn sàng chờ 2 năm với một hy vọng mong manh, các doanh nghiệp sẽ phục hồi và có tiền trả cho họ.

"Tuy nhiên, theo tôi, điều các trái chủ chờ đợi nhiều nhất đó chính là những biện pháp sắp tới của Chính phủ. Họ mong rằng Chính phủ và Bộ Tài chính có những biện pháp kịp thời giải cứu thị trường để họ lấy lại niềm tin", TS. Hiếu nói.

trai-chu
Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, thời gian tới đây khi hàng loạt trái phiếu đến hạn, chúng ta sẽ biết phản ứng rõ nhất của trái chủ xem họ lựa chọn phương án nào để đàm phán với các đơn vị phát hành trái phiếu

Nhóm thứ 3 là nhóm đang hoang mang, không biết nên xử lý như thế nào. Vì nếu chờ 2 năm liệu doanh nghiệp có phục hồi được hay không? Còn nếu quy đổi trái phiếu bằng một tài sản khác thì liệu tài sản đó sau 2 năm còn giá trị hay không, nhất là với những tài sản có tính khấu hao cao. Chưa kể, có những tài sản sau 2 năm giá trị xuống bằng không.

"Hiện khó để phỏng đoán với 3 nhóm đó thì xác suất xảy ra với nhóm nào cao nhất, nhưng theo nhận định của tôi có lẽ nhóm thứ 3 là nhóm chiếm tỉ trọng lớn nhất. Bởi đa số những nhà đầu tư hiện nay đều là những người không có nhiều kiến thức về lĩnh vực này, nên khi xảy ra chuyện họ khá hoang mang và rơi vào bế tắc", ông Hiếu chia sẻ.

Ông Hiếu cũng đưa ra đánh giá, nhóm có tỉ trọng nhỏ nhất là nhóm sẵn sàng đưa các nhà phát hành ra toà để mở thủ tục phá sản. "Tôi không có dự báo chính xác xem nó bao nhiêu %, nhưng tại thời điểm này không nhiều. Vì đối với tâm lý của người Việt thường không muốn mở thủ tục phá sản, không muốn kiện ra toà vì  mất thời gian, tốn phí, ảnh hưởng danh tiếng", ông Hiếu cho biết.

Tuy nhiên, thời gian tới đây khi hàng loạt trái phiếu đến hạn, chúng ta sẽ biết phản ứng rõ nhất của các nhà đầu tư. Còn hiện tại, hai bên vẫn đang "rằng co" khá quyết liệt và chưa đi đến được hồi kết, nếu có đạt thoả thuận thì cũng là trong ấm ức, chưa thoã mãn.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 1/7/2014 được xem xét cấp sổ đỏ

Đất lấn, chiếm vẫn có thể được cấp sổ đỏ

Luật Đất đai 2024 quy định 4 trường hợp đất lấn, chiếm từ ngày 1/7/2014 được xem xét cấp sổ đỏ, còn kể từ ngày 1/7/2014 trở về sau thì Nhà nước không cấp sổ đỏ và xử lý theo quy định của pháp luật...

Toàn cảnh cuộc họp

Tăng mức phạt đối với nhóm hành vi sử dụng đất sai mục đích

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai phải bám sát nguyên tắc, quy phạm được quy định bởi pháp luật đất đai, Luật Xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm bao quát, không để sót hành vi vi phạm, các đối tượng liên quan...