Sam Altman là người đã khởi động một cuộc đua về trí tuệ nhân tạo và có công giúp OpenAI vượt qua các đối thủ lớn hơn để giành vị thế trên thị trường. Cho đến nay, “cha đẻ” của ChatGPT vẫn thường xuyên được so sánh với những tên tuổi như Bill Gates và Steve Jobs.
Nhưng vào ngày 17/11 vừa qua, Sam Altman đã bất ngờ bị sa thải. Tin tức này đã làm dấy lên một làn sóng hỗn loạn tại Thung lũng Silicon nói riêng và giới công nghệ toàn cầu nói chung. Rất nhiều nhà đầu tư và chuyên gia trong ngành đã lên tiếng yêu cầu hay thậm chí là gây sức ép để đưa Sam Altman trở lại. Gần như toàn bộ nhân viên của OpenAI sau đó đều dọa nghỉ việc và theo Sam Altman rời khỏi công ty.
Mặc dù vậy, hội đồng quản trị của OpenAI vẫn phớt lờ những ý kiến đó và quyết định thuê Emmett Shear - cựu giám đốc điều hành nền tảng Twitch - cho vị trí CEO.
Nhận xét về sự kiện được quan tâm nhất Thung lũng Silicon hiện nay, nhà phân tích Richard Windsor của Radio Free Mobile cho biết: “Những diễn biến vào cuối tuần qua chỉ đơn giản là vụ nổ của một quả bom đang chực chờ”.
Trích dẫn bình luận của hai người quen thuộc với vấn đề, nhà phân tích nhà phân tích Richard Windsor tiết lộ với tờ Time rằng trong nhiều năm, các nhân viên của OpenAI đã bị chia rẽ giữa những lý tưởng khác nhau. Một số - bao gồm nhiều người tham gia trước 2022 - muốn tập trung vào việc xây dựng trí tuệ nhân tạo chung (AGI) một cách an toàn với đầy đủ rào chắn bảo vệ, trong khi những người khác được tuyển dụng sau thành công của ChatGPT lại quan tâm hơn đến việc nhanh chóng xây dựng và tung ra các sản phẩm, giống như truyền thống của các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon khác.
CẤU TRÚC "KHÁC LẠ" CỦA OPENAI
OpenAI không có cơ cấu giống như một startup thông thường. Công ty được cấu trúc như một tổ chức phi lợi nhuận (non-profit), với một công ty con hoạt động vì lợi nhuận (for-profit) do Sam Altman điều hành và đã tích cực thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm và các đối tác doanh nghiệp. Nhưng chính cấu trúc có phần khác lạ này đã đẩy Sam Altman, Microsoft và những khách hàng của công ty vào tay của một ban quản trị còn nhiều sự hoài nghi về chính công ty mình, nhiều nhà phê bình đã chỉ ra.
Mục tiêu ban đầu của OpenAI, khi được thành lập bởi một nhóm bao gồm Sam Altman và Elon Musk, là nâng cao trí thông minh kỹ thuật số theo cách mang lại nhiều tiềm năng và lợi ích nhất cho nhân loại nói chung. Tổ chức cam kết không theo đuổi lợi ích tài chính vì nhu cầu riêng mà thay vào đó sẽ đóng vai trò đảm bảo rằng AI sẽ được phát triển như sự mở rộng ý chí của con người và theo tinh thần tự do, được phân bổ đồng đều nhất có thể một cách an toàn.
Elon Musk, người từng cảnh báo về những rủi ro mà hệ thống AI mất kiểm soát có thể gây ra cho nhân loại, đã cung cấp phần lớn nguồn tài trợ ban đầu cho tổ chức phi lợi nhuận OpenAi. Những người ủng hộ khác bao gồm nhà đầu tư Peter Thiel và người đồng sáng lập LinkedIn Reid Hoffman.
Ngay từ đầu, Elon Musk đã giúp tuyển dụng Ilya Sutskever làm nhà khoa học trưởng cho công ty. Bản thân ông Sutskever là một huyền thoại trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo kể từ khi ông nghiên cứu về mạng lưới thần kinh tại Đại học Toronto và sau đó công tác tại phòng thí nghiệm Google Brain.
Trên một podcast hồi đầu tháng này, Elon Musk kể lại rằng ông quyết định tài trợ cho OpenAI và đích thân kéo Ilya Sutskever ra khỏi Google vì ông lo lắng “gã khổng lồ tìm kiếm” đang phát triển AI mà không quan tâm đến sự an toàn. Hy vọng của Musk là làm chậm tham vọng của Google lại.
Việc tuyển dụng Ilya Sutskever đã chấm dứt tình bạn của Elon Musk với nhà đồng sáng lập Google Larry Page. Nhưng bản thân Elon Musk sau này cũng “ghẻ lạnh” với Sam Altman và quyết định rời OpenAI vào 2018 đồng thời cắt luôn nguồn tài trợ cho công ty.
Khi đó, Sam Altman cần vốn trong khi các công ty đầu tư mạo hiểm cũng như các công ty công nghệ lớn lại quan tâm đến việc hỗ trợ các nỗ lực AI tiềm năng.
Và để hiện thực hoá các kế hoạch, Sam Altman đã thành lập một công ty con mới của tổ chức phi lợi nhuận mà ông mô tả là một công ty có lợi nhuận giới hạn. Chi nhánh vì lợi nhuận của OpenAI sẽ huy động tiền từ các nhà đầu tư, nhưng hứa hẹn rằng nếu lợi nhuận đạt đến một mức nhất định - ví dụ như gấp 100 lần mức đầu tư của những người ủng hộ ban đầu - các khoản tiền đó sẽ được quyên góp lại cho tổ chức phi lợi nhuận.
Dù giữ vị trí là người sáng lập và giám đốc điều hành, Sam Altman cho biết ông không nắm giữ cổ phần nào và coi đây là một phần sứ mệnh từ thiện mà ông muốn cống hiến cho OpenAI. OpenAI cũng đã bán 49% cổ phần của mình cho Microsoft với giá 13 tỷ USD nhưng Microsoft không có ghế trong hội đồng quản trị.
Trong một cuộc phỏng vấn đầu năm nay, Sam Altman gợi ý rằng cách duy nhất mà Microsoft có để kiểm soát công ty là rút phích cắm của các máy chủ mà OpenAI thuê. “Tôi tin rằng họ sẽ tôn trọng hợp đồng của mình,” Sam Altman nói vào thời điểm đó.
Quyền lực tối cao đối với OpenAI thuộc về hội đồng quản trị, bao gồm Sam Altman, Ilya Sutskever, Greg Brockman, giám đốc điều hành Quora Inc. Adam D'Angelo, doanh nhân công nghệ Tasha McCauley và Helen Toner, giám đốc chiến lược tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi của Georgetown.
MÂU THUẪN NỘI BỘ
Vào tháng 2/2023, Elon Musk phàn nàn trên nền tảng X (Twitter cũ) rằng OpenAI không còn đối trọng với Google nữa mà giờ đây nó đã trở thành một công ty mã nguồn đóng, có lợi nhuận tối đa được kiểm soát một cách hiệu quả bởi Microsoft.
Ngoài ra, có những đồn đoán về việc Sam Altman đang theo đuổi các dự án phụ có khả năng làm giàu cho bản thân và các nhà đầu tư, nhưng không liên quan gì tới hội đồng quản trị OpenAI.
Các dự tính khác của Sam Altman gồm có Worldcoin, dự án tiền điện tử quét nhãn cầu, ra mắt vào tháng 7/2023 và được quảng bá như một hệ thống mang đến thu nhập có thể bù đắp cho tình trạng mất việc làm liên quan đến AI.
Theo một người quen thuộc với kế hoạch này, Sam Altman cũng đã khám phá cơ hội thành lập nhà sản xuất chip AI của riêng mình, huy động các quỹ tài sản có chủ quyền ở Trung Đông thực hiện khoản đầu tư có thể lên tới hàng chục tỷ USD. Ông cũng giới thiệu với “ông chủ” SoftBank Group Corp., tỷ phú Nhật Bản và nhà đầu tư công nghệ Masayoshi Son, về một công ty mà ông dự định thành lập với cựu chuyên gia thiết kế của Apple Jony Ive để sản xuất phần cứng định hướng AI.
Những nỗ lực này, cùng với sự thành công ngày càng lớn của công ty con vì lợi nhuận, phần nào đã khiến Sam Altman bắt đầu xung đột với Ilya Sutskever - một người luôn lên tiếng nhắc tới rủi ro và lo ngại về tính an toàn của OpenAI. Vào tháng 7, Ilya Sutskever đã thành lập một nhóm mới trong công ty, tập trung vào việc phát triển các hệ thống AI siêu thông minh trong tương lai. Căng thẳng tiếp tục leo thang vào tháng 10, khi Sam Altman có ý định hạ bớt vai trò của ông Sutskever tại công ty, điều đã khiến Ilya Sutskever cảm thấy khó chịu và đẩy hội đồng quản trị vào tình thế khó xử.
Tại hội nghị phát triển đầu tiên của công ty diễn ra ngày 6/11 vừa, Sam Altman đã đưa ra một số thông báo làm Ilya Sutskever tức giận và một số thành viên khác của hội đồng cùng có chung quan điểm. Các thông báo trong số đó bao gồm phiên bản tùy chỉnh của ChatGPT, cho phép mọi người dùng tạo chatbot có thể thực hiện các nhiệm vụ chuyên biệt. Cụ thể hơn, công cụ GPT tùy chỉnh này có thể tự hoạt động sau khi người dùng tạo chúng - một tính năng vốn gây ra nhiều tranh cãi vì chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Những ngày sau đó, Ilya đã Sutskever trình bày mối quan ngại của mình với hội đồng quản trị. Theo một tài khoản chia sẻ trên X, Ilya Sutskever đã nhắn tin cho Sam Altman vào tối ngày 16/11 và mời tham gia cuộc gọi điện video với hội đồng quản trị nhưng nhà đồng sáng lập Greg Brockman lại không được mời. Trưa ngày hôm sau, Sam Altman xuất hiện và nhận “tin sét đánh” rằng mình sắp bị sa thải. Vài phút sau, thông báo được công bố tới toàn bộ nhân viên.
Sự hỗn loạn tiếp tục diễn ra vào suốt cuối tuần qua đã đe dọa đến hoạt động và danh tiếng của OpenAI. Giá cổ phiếu của Microsoft cũng giảm mạnh khi thị trường đóng cửa vào 17/11. Rishi Jaluria, nhà phân tích tại RBC Capital Markets nhận xét: “Đó là một sự gián đoạn có khả năng làm chậm tốc độ đổi mới và điều đó sẽ không tốt cho Microsoft. OpenAI đang lao dốc”.
Đồng thời, các công ty phụ thuộc vào phần mềm của OpenAI đang vội vàng xem xét các công nghệ cạnh tranh, chẳng hạn như mô hình ngôn ngữ lớn của Meta Plaforms Inc., được gọi là Llama. “Là một công ty khởi nghiệp, hiện tại chúng tôi rất lo lắng. Chúng tôi có nên tiếp tục với họ hay không?”, Amr Awadallah, Giám đốc điều hành của Vectara, công ty tạo ra chatbot cho dữ liệu công ty, cho biết.
Ông Amr Awadallah nói rằng lựa chọn tiếp tục với OpenAI hay tìm kiếm đối thủ cạnh tranh sẽ phụ thuộc vào sự trấn an từ công ty và Microsoft. “Chúng tôi cần Microsoft lên tiếng và nói rằng mọi thứ vẫn ổn định, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào khách hàng và đối tác của mình”.
Sáng 21/11, OpenAI chính thức bổ nhiệm Emmett Shear trong khi Sam Altman tuyên bố về với Microsoft.