Đá quý nhân tạo đe doạ vị thế của kim cương tự nhiên

Giá và nhu cầu đối với kim cương tự nhiên đã trượt khỏi mức cao kỷ lục năm 2022 do tốc độ tăng trưởng đáng kể của đá quý nhân tạo cũng như nhiều yếu tố xã hội khác…

107259055-1687252121031-gettyimages-73754783-par1232072-4137.jpeg
Một chiếc vòng cổ kim cương quý giá được trưng bày tại trung tâm thương mại Harrods ở London (Anh)

Từ lâu, kim cương đã được coi là biểu tượng của sự xa xỉ bậc nhất. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng đang dần có chiều hướng thay đổi khi ngày càng nhiều người đã bỏ qua kim cương tự nhiên để lựa chọn vàng, kim cương nhân tạo hay các loại đá quý có màu khác.

Theo chỉ số kim cương thô của Zimnisky, giá kim cương đã giảm 5,7% từ đầu năm đến nay, thấp hơn 30% so với mức cao nhất mọi thời đại được ghi nhận vào năm 2022.

MẤT ĐI SỨC HÚT

Trên thực tế, nhu cầu kim cương đã bị ảnh hưởng đáng kể khi sức hút của nó tại hai thị trường tiêu dùng quan trọng là Trung Quốc và Mỹ không còn mạnh mẽ như trước.

Cụ thể, sự bất ổn trong tình hình kinh tế khiến chi tiêu của người tiêu dùng cho những mặt hàng xa xỉ bị hạn chế. Dù được xem như tài sản phòng ngừa lạm phát trong hơn 50 qua, nhưng xu hướng mua kim cương như một khoản đầu tư cũng đã hạ nhiệt khi giá cả lao dốc.

Hơn nữa, người tiêu dùng thế hệ trẻ có xu hướng ưu tiên cho trải nghiệm nhiều hơn là của cải vật chất, điều này đồng nghĩa với việc thị trường kim cương có nguy cơ mất đi chỗ đứng trong mắt những khách hàng tiềm năng.

Ngoài ra, các mục tiêu hướng đến tính bền vững và nguồn cung ứng có đạo đức cũng đồng thời khiến nhu cầu về kim cương truyền thống dần mờ nhạt.

107348668-1702868469938-gettyimages-1175988542-afp-1kj9p3-549.jpeg
Tương tự như kim cương tự nhiên, kim cương nhân tạo được phân loại dựa trên 4C gồm có độ trong, màu sắc, đường cắt và trọng lượng carat

Tại Trung Quốc, tỷ lệ kết hôn giảm cũng như sự phổ biến ngày càng tăng của kim cương nhân tạo đã có tác động tiêu cực đến nhu cầu kim cương tự nhiên, công ty nghiên cứu thị trường Daxue Consulting tiết lộ. Giới trẻ nước này ngày nay cũng quan tâm nhiều hơn tới trang sức bằng vàng và đá quý mang đậm nét văn hoá dân tộc.

Kim cương nhân tạo được sinh ra trong môi trường được kiểm soát trong phòng thí nghiệm thay vì xuất hiện tự nhiên trong lòng đất. Quy trình sản xuất kim cương nhân tạo thường sử dụng áp suất và nhiệt độ cực cao để mô phỏng lại các điều kiện giống như trong tự nhiên. Kỹ thuật này giúp tạo ra các tinh thể kim cương có cùng cấu trúc và tính chất như kim cương tự nhiên.

Theo quan điểm của ông Ankur Daga, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty thương mại điện tử trang sức cao cấp Angara, cả giá và nhu cầu đối với kim cương tự nhiên đều chịu áp lực lớn nhất bởi sự xuất hiện của các sản phẩm sản xuất trong phòng thí nghiệm.

“Tôi cho rằng vấn đề cốt lõi ở đây là sự tăng trưởng nhanh chóng của kim cương nhân tạo. Tại Mỹ, nước tiêu thụ kim cương lớn thứ hai thế giới, dự kiến một nửa số đá quý sử dụng cho nhẫn đính hôn trong năm nay sẽ được sản xuất trong phòng thí nghiệm, tăng vọt từ mức chỉ 2% vào năm 2018”, ông Daga lưu ý.

Theo dữ liệu do chuyên gia Paul Zimnisky cung cấp, doanh số bán kim cương nhân tạo trên thị trường trang sức toàn cầu đã tăng từ 2% vào năm 2017 lên 18,4% vào năm 2023.

ĐỊNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

“Ngành công nghiệp kim cương đang trải qua nhiều biến động”, ông Ankur Daga nhận xét và cho biết giá kim cương tự nhiên có thể giảm thêm 15% - 20% trong 12 tháng tới.

Gián đoạn của chuỗi cung ứng và các thách thức về hậu cần còn làm gia tăng thêm khó khăn cho ngành, gây ảnh hưởng đến hoạt động, giá cả khai thác và vận hành.

paul-zimnisky-rough-price-index-dec-2023-1536x1216-2679.png
Giá kim cương đã sụt giảm mạnh kể từ mức đỉnh năm 2022

Ngay cả tập đoàn khai thác và kinh doanh kim cương lớn nhất thế giới De Beers từng giữ thế độc quyền trên thị trường nhưng ngày nay cũng dần mất đi thị phần. Như Bloomberg đã đưa tin, điều kiện kinh tế khó khăn đã khiến công ty có thời điểm phải giảm giá tới 10% vào hồi đầu năm nay. Chính vì vậy mà câu khẩu hiệu “Kim cương là mãi mãi” được De Beers đặt ra vào năm 1948 dường như đang trải qua nhiều phép thử.

Cổ đông lớn nhất của tập đoàn, công ty Anglo America đã thông báo về kế hoạch thoái vốn De Beers sau khi quyết định tái cơ cấu hoạt động kinh doanh. “Việc thoái vốn khỏi De Beers có lẽ là phần khó khăn nhất trong quá trình tái cơ cấu triệt để của công ty”, giám đốc điều hành Anglo American Duncan Wanblad chia sẻ trên Financial Times.

Nhận xét về quyết định này, nhà phân tích Paul Zimnisky cho rằng Anglo America sẽ phải làm những gì mà cổ đông của họ muốn và đó có vẻ là tập trung vào chiến lược dài hạn hơn đối với các mặt hàng hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng xanh, chẳng hạn như đồng.

“Rõ ràng là ngành công nghiệp kim cương đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng đó không phải là những thách thức không thể giải quyết”, ông Anish Aggarwal, đồng sáng lập công ty tư vấn kim cương chuyên nghiệp Gemdax giải thích.

Ông nhấn mạnh, kim cương là một phân khúc mà người ta có thể tạo ra nhu cầu cho nó, giống như các mặt hàng xa xỉ khác như đồng hồ đắt tiền và túi xách cao cấp.

rackmultipart20220428-7-1x7ztke-23.png
Sự xuất hiện của kim cương phòng thí nghiệm đã tạo áp lực lớn đối với ngành công nghiệp kim cương truyền thống

“Ngành kim cương đã không thực hiện những đợt quảng bá quy mô lớn trong gần 20 năm qua. Và chúng ta đang chứng kiến ​​hậu quả của điều này”, ông Aggarwal nói thêm rằng ngành công nghiệp kim cương sẽ cần phải làm việc chăm chỉ hơn nữa để khơi dậy nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu.

Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận tiếp thị gắn kết, ông Aggarwal chỉ ra. Tương tự như vậy, nhà phân tích Paul Zimnisky cũng khuyến khích các doanh nghiệp thúc đẩy một hệ thống tiếp thị liên kết để chung tay phát triển thị trường.

Mới gần đây, nhà bán lẻ trang sức lớn nhất thế giới Signet Jewelers đã công bố hợp tác với De Beers để đẩy mạnh nhu cầu về kim cương tự nhiên. Signet dự kiến ​​mức độ tương tác sẽ tăng 25% trong ba năm tới.

“Việc một tập đoàn khai thác kim cương lớn nhất thế giới bắt tay với nhà bán lẻ kim cương lớn nhất thế giới là rất quan trọng và thực sự có thể thúc đẩy ngành công nghiệp kim cương. Đồng thời, việc áp dụng các chiến lược sáng tạo và mở rộng danh mục sản phẩm còn giúp ngành vượt qua những thách thức và tiếp tục tăng trường trong tương lai.”, ông Paul Zimnisky nhấn mạnh.

Xem thêm

Kim cương tự nhiên bị "thất sủng"

Kim cương tự nhiên bị "thất sủng"

Nhu cầu kim cương nói chung đã suy yếu sau đại dịch, khi người tiêu dùng lại vung tiền cho du lịch và trải nghiệm, trong khi những cơn gió ngược kinh tế cũng ảnh hưởng đến chi tiêu xa xỉ.

Có thể bạn quan tâm

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…

Donald Trump đe áp thuế nặng, Trung Quốc và Mexico phản ứng ra sao?

Donald Trump đe áp thuế nặng, Trung Quốc và Mexico phản ứng ra sao?

Trong khi Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum và Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã có một cuộc trò chuyện nhằm xoa dịu các căng thẳng, thì phía Trung Quốc lại gay gắt chỉ trích đề xuất áp thuế và cảnh báo nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến thương mại mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới…

"Trump 2.0": Những cú "quay xe" bất ngờ

"Trump 2.0": Những cú "quay xe" bất ngờ

Chuẩn bị quay lại Nhà trắng lần thứ 2, ông Trump vẫn giữ những quan điểm cứng rắn: Tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, trục xuất di dân... Nhưng ở một số lĩnh vực, Trump 2.0 có thể sẽ rất khác so với Trump 1.0.