Doanh nhân Hà Thị Thu Thanh: Gia đình không phải trách nhiệm của riêng phụ nữ

nau-anh-anh-ghep-ca-nhan-anh-bia-facebook-1819.png

Sau nhiều lần lỡ hẹn, sát ngày 8/3, Thương gia mới gặp được bà Hà Thị Thu Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ Việt Nam (VAWE), Chủ tịch Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD). Vẫn giống như lần gặp gần nhất từ 3 năm trước, lịch làm việc được bà xếp chen giữa các cuộc họp. Song cũng có vài điểm khác biệt. Đó là thời gian bà Thanh dành cho Thương gia vốn đã ngắn nay lại ngắn hơn, còn chức danh của bà thì tiếp tục dài thêm.

Và tất nhiên, do gần ngày Quốc tế phụ nữ, thay vì vấn đề thương trường hay phản biện chính sách thường thấy, nội dung cuộc trò chuyện chắc chắn sẽ chuyển sang mang đầy màu sắc nữ giới với việc trao quyền cho phụ nữ để thúc đẩy một tương lai Việt Nam toàn diện, sáng tạo hơn.

Là doanh nhân đồng thời song hành với cộng đồng doanh nghiệp rất nhiều năm, xin bà cho biết cảm nghĩ của mình về doanh nhân nữ Việt Nam?

Doanh nhân không bao giờ là một nghề dễ. Thậm chí, với loạt biến cố xảy ra gần đây thì càng không dễ. Tuy nhiên, trời phú đã cho lãnh đạo nữ những đặc điểm để dẫn dắt doanh nghiệp phát triển bền vững.

mdm-thanh-deloitte-2569.jpeg
Bà Hà Thị Thu Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ Việt Nam, Chủ tịch Deloitte Việt Nam

Cần phải nói thêm rằng, trước khi khó khăn ập tới, thông qua văn hoá doanh nghiệp là sự quan tâm sẻ chia, các nữ doanh nhân đã gây dựng được một cộng đồng gồm những người gắn bó với mình, cùng mình hướng tới mục tiêu lâu dài. Sự đồng lòng tạo ra một nguồn vốn xã hội (social capital). Đây là nguồn vốn phi tài chính, là sự chia sẻ lớn lao giữa nhân viên với lãnh đạo doanh nghiệp. Nhờ vậy, doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ vẫn có thể bền bỉ đi lên.

Tôi còn nhớ, trong một nghiên cứu tại khu vực Asean chỉ ra rằng, trong những giai đoạn khủng hoảng của các công ty nói riêng và khủng hoảng của thị trường chứng khoán nói chung thì công ty nào có thành viên hội đồng quản trị nữ sẽ vượt qua khủng hoảng tốt hơn, ổn định và bền vững hơn.

Đấy là về mặt được. Về mặt chưa được, còn nhiều nữ doanh nhân bị định kiến xã hội. Họ tự coi tính giới của mình là một hạn chế. Chỉ khi họ thật sự thành công thì bản thân họ và thị trường mới quên đi cái tính giới đó, đặt sự quan tâm sang doanh nghiệp phát triển như thế nào.

Vậy phải chăng định kiến xã hội đang là yếu điểm của các doanh nhân nữ?

Đúng như vậy. Thách thức lớn nhất của chúng tôi vẫn là định kiến của xã hội khi coi vai trò và thiên chức của người phụ nữ như một trách nhiệm, thay vì coi nó là một giá trị. Khi nào định kiến xã hội ấy được thay đổi thì Việt Nam sẽ có những bước tiến mạnh mẽ hơn.

Mới đây, báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) chỉ ra rằng, nếu người phụ nữ được giải phóng thì GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 20% nữa. Bởi vì, thời gian mà người phụ nữ làm việc không được trả lương và không được tính toán (thời gian làm các công việc gia đình) đã làm cho sự tự tin của người phụ nữ không được như nó cần phải có. Nó làm cho trách nhiệm của người phụ nữ về một mảng khác trở nên quá cao. Đồng thời, nó cũng làm cho giá trị của sự tôn trọng không được hài hoà.

Tóm lại, khi có tình thương yêu thì phải có sự tôn trọng. Sự tôn trọng đấy sẽ tạo ra bình đẳng giới ngay trong từng gia đình, từng tế bào của xã hội.

Hình như, bình đẳng giới cũng là giá trị cốt lõi mà bà theo đuổi nhiều năm qua. Xin bà chia sẻ thêm về điều này?

t42-thu-thanh-1-4560.jpeg
Bình đẳng giới tại nơi làm việc là một giá trị mà doanh nhân Hà Thị Thu Thanh luôn theo đuổi

Bình đẳng giới tại nơi làm việc là một giá trị mà tôi đã theo đuổi trong rất nhiều năm. Chính vì thế, trong 6 năm qua tôi cũng là Chủ tịch Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ Phát triển Quyền năng Phụ nữ. Bình đẳng giới trong kinh tế sẽ thông qua sự gia tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ. Đặc biệt, năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 10 năm Hội nữ doanh nhân Việt Nam mà tôi là Phó Chủ tịch từ những ngày đầu tiên. Vị trí đó cho tôi rất nhiều giá trị: Đầu tiên là mình hiểu chính giá trị của cộng đồng nữ doanh nhân Việt Nam, đó là cái nhu cầu được kết nối, nhu cầu được chia sẻ để tôn vinh giá trị của nữ doanh nhân trong sự phát triển bền vững và khẳng định giá trị của mình.

Có rất nhiều nữ doanh nhân lớn là những người tiên phong trong công cuộc phát triển kinh tế của doanh nghiệp, đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Ví dụ như bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Phó Chủ tịch VAWE; bà Đồng Thị Ánh, CEO Tổng Công ty PISICO Bình Định - Công ty cổ phần... dù bận trăm công nghìn việc nhưng các chị vẫn dành thời gian để kết nối với nữ doanh nhân Việt Nam, đó là giá trị xã hội mà các nữ doanh nhân mang lại.

Với vị trí Phó Chủ tịch Hội nữ doanh nhân này, tôi cảm thấy tự hào vì được kết nối giá trị, hạnh phúc vì được chia sẻ và chúng tôi vẫn tiếp tục có một khát vọng đó là dám dấn thân. Để làm kinh doanh đã khó, để làm kinh doanh thành công thì còn khó hơn rất nhiều. Nhưng để làm kinh doanh thành công mà kết nối, chia sẻ các giá trị xã hội thì cần con người vượt lên trên cả sự tâm huyết, đó là tình yêu với cộng đồng, và tình yêu này tôi dùng đúng nghĩa là tình yêu với cộng đồng nữ doanh nhân Việt Nam.

Quay lại với câu chuyện yếu điểm. Theo bà, doanh nhân nữ Việt Nam cần phải lưu ý điều gì nữa?

Các nữ doanh nhân trẻ khởi nghiệp hiện nay thường có hai xu hướng. Một là coi công việc kinh doanh là trước hết, hoặc là coi giá trị thiên chức của người phụ nữ là trên hết. Trong khi, sự cân bằng và bình đẳng giới không nằm ở 50/50 mà nó nằm ở sự cân bằng giữa các giá trị.

Bởi người phụ nữ hạnh phúc sẽ tạo ra một gia đình hạnh phúc, kiến tạo nên những giá trị hạnh phúc của một dòng tộc, và rộng hơn là một dân tộc.

Vì vậy người phụ nữ như chúng tôi tạo nên hạnh phúc bằng sự cân bằng về giá trị chứ không phải là cân bằng về thời gian".

Và trong giá trị đấy thì chúng ta cân bằng, không phải lúc nào cũng là 50/50. Giai đoạn khi các bạn mới khởi nghiệp thì sự đầu tư thời gian cho nghề nghiệp, cho sự phát triển là quan trọng. Nhưng khi chúng ta làm thiên chức của một người vợ, một người mẹ thì sự ưu tiên để hoàn thành giá trị thiên chức đấy nó cao hơn.

Ta sẽ không đòi hỏi người chồng cần phải đi rửa bát khi ta nấu cơm, ta không đòi hỏi là tôi làm việc nhà thì anh phải đi kiếm tiền. Câu chuyện đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm nó đã quá xa vời.

Hiện nay, việc cùng nhau xây nhà cho đẹp, và đặc biệt là cùng nhau xây tổ ấm trong ngôi nhà đấy sao cho đẹp là trách nhiệm của cả phụ nữ và nam giới.

Bà có thấy rằng mình may mắn khi có người chồng giúp bà dễ dàng cân bằng cuộc sống?

Rất nhiều người hỏi tôi câu này. Tôi thường nói đùa lại rằng, chồng tôi may mắn khi có được tôi. Tuy nhiên, tôi phải thừa nhận rằng cả tôi và chồng đều may mắn. Vì chúng tôi nhận biết được giá trị của bộ kỹ năng sống gắn với giá trị gia đình.

Người ta có một câu rất kinh điển là: “Yêu nhau không phải nhìn nhau mà phải cùng nhau nhìn về một hướng, nơi đấy có giá trị của gia đình và nơi đấy có trách nhiệm của những người kiến tạo giá trị của gia đình”.

dark-blue-geometric-labor-day-quote-instagram-post-2-5881.jpg

Chắc hẳn bà còn bí quyết hoặc kỹ năng khác ngoài sự may mắn để giữ thế cân bằng giữa công việc và gia đình?

Doanh nhân có rất ít thời gian cho gia đình. Khi mình phải họp muộn, mình không nấu cơm, mình không ăn cơm cùng, khi mình phải đi công tác nhiều mà cái việc chăm sóc con cái có thể là do chồng hoặc là do rất nhiều người nữa.

Vậy thì điều quan trọng nhất của người phụ nữ đấy là gì? Trong chia sẻ của tôi, tôi dùng một chữ là communication, được gọi là truyền thông, nó vượt lên trên một từ dịch của Việt Nam mình là giao tiếp, nhưng giao tiếp thôi là chưa đủ mà nó phải là truyền thông trong quá trình giao tiếp.

Giản dị lắm là: “Anh ơi, hôm nay em bận họp, tuần này em bận đi công tác, anh giúp em cùng với đi họp cho con rồi đi làm tất cả các thứ”. Kỹ năng nói những lời nói ngọt ngào luôn là vũ khí hiện đại của người phụ nữ. Vũ khí sắc bén nhất của người phụ nữ chính là kỹ năng giao tiếp, lời nói ngọt ngào và truyền thông điệp.

Mình gọi người đàn ông của mình trợ giúp cho mình với tình cảm yêu thương chứ không đòi hỏi. Đó là kỹ năng rất nhỏ, nhưng có vẻ như nó đang hơi bị thiếu trong thời hiện đại.

Nếu được đại diện cho toàn thể nữ doanh nhân Việt Nam, bà mong muốn điều gì nhất từ các ông chồng?

Như tôi đã nói, thách thức vô cùng lớn đối với những nữ doanh nhân có hai thứ: định kiến xã hội và thời gian cho gia đình. Hai thứ đó như hai luồng sóng vào nhau làm cho người phụ nữ luôn luôn bị trôi đẩy.

Nhưng tôi luôn đứng vững bởi đằng sau tôi là một trái núi. Mọi người thường nói, đằng sau người đàn ông thành công sẽ là một người phụ nữ. Nhưng đằng sau người phụ nữ thành công nhiều khi là những khoảng trống.

Tuy nhiên những người phụ nữ thành công như chúng tôi bây giờ, đằng sau đấy là những trái núi mà ở đó có sức mạnh của người chồng, sức mạnh của những người con mình che chở. Cho nên đằng sau những người phụ nữ thành công sẽ là những trái núi và những hòn đá tảng mà ở đó người phụ nữ có thể vững chãi dựa vào khi giông bão của thị trường.

Vậy nên người đàn ông hãy là những trái núi để cho người phụ nữ đứng lên và tự hào. Người đàn ông hãy là những hòn đá tảng để cho người phụ nữ của mình thấy mình thực sự vững chãi. Chúng tôi không cần bờ vai vững chãi nữa, chúng tôi cần các anh là những trái núi và những hòn đá tảng. Những người đàn ông hãy làm như thế nhé!

Có thể bạn quan tâm