Giá khởi điểm đấu giá cổ phiếu của Ngân hàng PG Bank là giá cao nhất trong 2 phương án xác định giá, gồm: Giá xác định của tổ chức có chức năng thẩm định giá theo phương pháp tài sản là 21.300 đồng/cổ phần hoặc giá tham chiếu bình quân 30 phiên giao dịch liên tiếp của cổ phiếu PGB trên sàn Upcom trước ngày phê duyệt phương án thoái vốn.
Ngay trước khi Petrolimex công bố phương án thoái vốn, cổ phiếu của Ngân hàng PG Bank đã bất ngờ bứt phá mạnh. Cụ thể, trong 2 phiên gần nhất, cổ phiếu PGB đã tăng từ 15.900 đồng/cổ phiếu lên mức 19.500 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 22,6%. Còn nếu tính từ đáy hồi giữa tháng 11/2022, cổ phiếu PGB đã tăng gần 48%. Tuy nhiên, mức giá hiện tại vẫn thấp hơn mức giá tối thiểu theo phương án định giá tài sản.
Với số lượng 120 triệu cổ phiếu đang nắm giữ (tỷ lệ 40%) và tính theo phương án 21.300 đồng/cổ phiếu, Tập đoàn Petrolimex sẽ thu về tối thiếu hơn 2.500 tỷ đồng nếu đấu giá thành công.
PG Bank là một trong các ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất hệ thống và không thay đổi trong nhiều năm qua, giữ nguyên ở mức 3.000 tỷ đồng.
PG Bank từng có kế hoạch sáp nhập vào VietinBank nhưng thương vụ đã “đổ bể” vào năm 2018. Sau đó, HDBank có thỏa thuận sáp nhập với PGBank tuy nhiên kế hoạch này cũng bị hủy bỏ vào năm 2021.
Về kết quả kinh doanh, PG Bank lãi trước thuế quý 4 hơn 119 tỷ đồng, tăng 107% so với cùng kỳ. Luỹ kế cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đạt 506 tỷ, tăng 54% so với năm ngoái và vượt 24% kế hoạch năm (406 tỷ đồng).
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của PG Bank đạt hơn gần 49.000 tỷ đồng, tăng gần 21% so với cuối năm 2021, tín dụng tăng 5,6%, huy động vốn tăng hơn 11%.
Tại thời điểm 31/12, nợ xấu nội bảng của ngân hàng đã tăng 7,3% so với đầu năm lên 745 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay theo đó tăng từ 2,52% lên 2,56%. Đáng chú ý, trái phiếu đặc biệt của VAMC tại PG Bank cuối năm 2022 là hơn 951 tỷ đồng, tăng 34% so với thời điểm trước đó một năm.