Ba phần tư chặng đường của năm 2023 đã đi qua, đồng nghĩa với việc khép lại mùa kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm, các "đại gia" nắm giữ nhiều tiền mặt nhất trên sàn chứng khoán (không bao gồm nhóm ngân hàng, tài chính, bảo hiểm) cũng đã lộ diện.
Tại thời điểm 30/9/2023, thống kê cho thấy có ít nhất 8 doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền và tương đương tiền vượt ngưỡng 20.000 tỷ đồng. Cụ thể, tổng lượng tiền (tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn) của 8 doanh nghiệp này lên đến 228.566 tỷ đồng, tương đương khoảng 9,4 tỷ USD.
Riêng lượng tiền lãi từ gửi ngân hàng cũng đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của các công ty này trong 9 tháng đầu năm nay. Việc nắm giữ lượng tiền mặt “khổng lồ” còn thể hiện sự vững mạnh về tài chính của doanh nghiệp mặc dù trải qua biết bao nhiêu thăng trầm trong suốt năm tài chính.
Vị trí quán quân tiền mặt trên sàn tiếp tục thuộc về Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas, mã chứng khoán: GAS) với 39.759 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,7 tỷ USD. So với thời điểm cuối năm 2022, con số này đã tăng khoảng 3.900 tỷ đồng, tức 16% và đóng góp 46% tổng tài sản của PVGas.
Đáng chú ý, chỉ sau 9 tháng, công ty lãi hơn 1.570 tỷ đồng nhờ các khoản tiền gửi ngân hàng.
Bám sát PVGas là Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR) – đứng vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng. Sau 9 tháng kinh doanh, lượng tiền mặt Lọc hóa dầu Bình Sơn sở hữu nâng thêm 45% so với thời điểm đầu năm, chạm mức 36.469 tỷ đồng. Số tiền “khủng” này chiếm tới 41% tổng tài sản của Lọc hóa dầu Bình Sơn và tăng hơn 7.000 tỷ đồng sau một quý.
Ở vị trí thứ ba chính là doanh nghiệp thép đầu ngành – Tập đoàn Hoà Phát (mã chứng khoán: HPG), với 29.653 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, tương đương khoảng 1,2 tỷ USD, giảm 14% so với đầu năm.
Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền thể hiện trên bảng cân đối kế toán tại ngày 30/9 là 9.696 tỷ đồng, giảm hơn 1.300 tỷ đồng so với đầu năm. Ngoài ra, khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (ngắn hạn) dưới dạng tiền gửi có kỳ hạn là 19.957 tỷ đồng.
Kế tiếp là “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ - Tập đoàn FPT (mã chứng khoán: FPT) ghi nhận lượng tiền mặt và tiền gửi sau ba quý đạt 26.769 tỷ đồng và chiếm 43% tổng tài sản. So với thời điểm đầu năm 2023, lượng tiền này đã tăng hơn 7.000 tỷ đồng.
Tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk – mã chứng khoán: VNM), khoản mục tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp sữa này, với tổng giá trị 26.586 tỷ. Sau ba quý kinh doanh, tiền gửi ngân hàng mang về cho Vinamilk khoản lãi lên đến 1.147 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác cũng nắm giữ tới 20.000 tỷ đồng tiền mặt là Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán : VIC). Sau ba quý hoạt động, Vingroup sở hữu lượng tiền mặt “kếch sù” lên đến 23.654 tỷ đồng, xếp ở vị trí thứ 6 trong danh sách
Tương tự, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) cũng ghi nhận mức tăng lượng tiền mặt và tiền gửi với tỷ lệ 54%, từ 15.130 tỷ lên con số 23.252 tỷ đồng tính đến ngày 30/9. Khoản tiền gửi khổng lồ đã mang về cho Thế Giới Di Động đến hơn 1.300 tỷ đồng tiền lãi trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 620 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái.
Hay khoản tiền mặt và tiền gửi tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB) tính đến hết ngày 30/9/2023 đạt 22.388 tỷ đồng, tương ứng xếp thứ 8 trong bảng xếp hạng.
Bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp khác cũng ghi nhận tăng khối lượng tiền mặt, tiền gửi sau 9 tháng đầu năm, điển hình như: Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (19.066 tỷ đồng), Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (18.221 tỷ đồng), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (16.303 tỷ đồng), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (6.759 tỷ đồng),…
Ở chiều ngược lại, Công ty Cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) là đơn vị giảm lượng tiền mặt tới 63% từ mức 12.391 tỷ đồng còn 4.581 tỷ đồng. Kế đến là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - mã chứng khoán: NVL) với tỷ lệ giảm lên đến 61%, về còn 3.480 tỷ đồng…