Theo ghi nhận của CTCK Techcombank (TCBS), dịch Covid-19 tác động đáng kể đến kinh tế vĩ mô Việt Nam, tăng trưởng GDP trong quý I/2020 đạt 3,8% - mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong kỳ cũng chịu ảnh hưởng khi tổng giá trị phát hành chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số điểm cơ bản, thứ nhất lãi suất phát hành sơ cấp TPDN khá ổn định từ 9-11% mặc dù lãi suất tiết kiệm có xu hướng giảm. Trong đó, lãi cao nhất thuộc về nhóm bất động sản và hàng không với khoảng 11%, nhóm ngân hàng ghi nhận khoảng 9,3%.
Về kỳ hạn, nhóm ngân hàng đứng đầu với kỳ hạn bình quân 7,7 năm, bất động sản trung hạn với kỳ hạn trung bình hơn 4 năm. Thị trường có 65 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với giá trị đạt 46.000 tỷ, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái; không có TPDN được niêm yết mới trong kỳ. Thanh khoản bình quân thị trường TPDN trên sàn HoSE sụt giảm 23%, đạt hơn 3.300 tỷ/tháng.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp bất động sản là nhóm phát hành TPDN với giá trị lớn nhất và cũng là nhóm ngành ghi nhận tỷ lệ chào bán thành công lớn nhất trên thị trường với 94%; trong khi con số tại mảng ngân hàng khá thấp. Gần 70% thị phần tư vấn phát hành TPDN tập trung tại 5 công ty lớn.
Kể từ năm 2019 đến nay, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã bổ sung được nguồn vốn đầu tư quan trọng của xã hội thay thế một phần nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Hiện nay trong quá trình thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản theo Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước, nên các doanh nghiệp bất động sản phải tìm kiếm các nguồn vốn thay thế. Trong đó có kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trước những rủi ro hiện hữu của sản phẩm TPDN, đặc biệt là TPDN bất động sản, Bộ Tài chính đang trình Chính Phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 163/2018/NĐ-CP để tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường TPDN minh bạch, lành mạnh, vừa trở thành một trong những nguồn cung ứng vốn đầu tư trung hạn, dài hạn cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư trái phiếu.
Trước những động thái của Bộ Tài chính, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng “cộng hưởng với những khó khăn mới phát sinh do đại dịch Covid -19 hiện nay, Hiệp hội đề nghị không nên siết hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, để tạo thêm kênh huy động vốn đầu tư xã hội cho lĩnh vực bất động sản”.
HoREA dẫn chứng, năm 2019, hoạt động trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đạt 106.500 tỉ đồng, chiếm khoảng 38%. Trong đó 84,2% doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tổng giá trị dưới 03 lần vốn chủ sở hữu, lãi suất bình quân 10,3% (tương đương lãi suất ngân hàng), đảm bảo được yếu tố an toàn và hợp lý.