Dù không phải là “tay chơi chuyên nghiệp”, nhưng sự đổ bộ ồ ạt của các doanh nghiệp ngoài ngành vào bất động sản đang tạo ra những chuyển động đáng chú ý. Sự tham gia này vừa phản ánh sức hút của thị trường, vừa cho thấy xu hướng tái cấu trúc mô hình kinh doanh đang diễn ra ngày một rõ rệt.
Theo tài liệu Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG), doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, xúc tiến với các đối tác tiềm năng để mở rộng quỹ đất, nắm bắt các lợi thế về đầu tư nhằm đón đầu sự phát triển về hạ tầng tại các tỉnh thành. Trong lĩnh vực phát triển dự án bất động sản, tổng mức đầu tư tối đa là 5.000 tỷ đồng.
Còn Tập đoàn Hoà Phát, bất động sản đầu tư cho thuê có số dư cuối năm 2024 là 560 tỷ đồng. Hòa Phát tập trung phát triển khu công nghiệp, hiện đang sở hữu quỹ đất hơn 1.133 ha, chủ yếu tại Hưng Yên và Hà Nam.
Tập đoàn đang vận hành ba khu công nghiệp lớn gồm khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên); khu công nghiệp Hòa Mạc (Hà Nam); khu công nghiệp Yên Mỹ II (Hưng Yên).
Ngoài khu công nghiệp, Hòa Phát còn triển khai dự án nhà ở xã hội quy mô 31ha tại khu công nghiệp Yên Mỹ II, với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Đồng thời, tập đoàn đang xúc tiến thủ tục đầu tư ba khu công nghiệp mới, dự kiến triển khai trong thời gian tới.
Công ty Cổ phần Ống thép Việt Đức (mã chứng khoán: VGS) cũng đầu tư vào dự án Khu đô thị Việt Đức Legend City tại xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Một doanh nghiệp ngành dược cũng muốn lấn sân sang thị trường bất động sản. Tại tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (mã chứng khoán: IMP) cho biết sẽ bổ sung kinh doanh bất động sản vào ngành nghề hoạt động trong năm 2025.
Dược phẩm Imexpharm có thể tham gia vào các hoạt động như mua bán, cho thuê, quản lý bất động sản không dùng để ở, bao gồm cả quyền sử dụng đất thuộc sở hữu hoặc thuê lại.
Còn Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã chứng khoán: DGC) dự kiến làm dự án Đức Giang Residence với 1.000 căn chung cư và 60 căn nhà liền kề thấp tầng tại quận Long Biên, Hà Nội. Theo lãnh đạo DGC, doanh nghiệp không hào hứng với việc làm bất động sản, dự án này do công ty có sẵn đất từ trước nên mới tham gia.
Tương tự, trong tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên vừa công bố của Công ty cổ phần Tôn Đông Á (mã chứng khoán: GDA) cũng tiết lộ, doanh nghiệp đang có kế hoạch lấn sân sang mảng bất động sản.
Tôn Đông Á dự định sẽ góp vốn trực tiếp, giao công ty con góp vốn đầu tư hoặc thành lập công ty mới để hoạt động trong ngành bất động sản. Trước đó, năm 2023, Tôn Đông Á đã giao công ty con là Công ty TNHH MTV Tôn Đông Á Đà Nẵng tham gia góp vốn đầu tư dự án bất động sản tại miền Trung, thông qua việc mua lại 95% vốn điều lệ của Công ty TNHH Thương mại đầu tư và Xây dựng tổng hợp SBC Miền Trung - chủ đầu tư Dự án nhà ở Khu đô thị SBC miền Trung, diện tích hơn 5,5 ha.