Mới đây bà Đinh Thị Mỹ Phượng, Uỷ viên Thường vụ Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD, Giám đốc Công ty TNHH Quảng Thái (Đà Lạt - Lâm Đồng) đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2023.
Đây là một trong những giải thưởng thường niên, uy tín của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để ghi nhận sự cống hiến tài năng, sức sáng tạo của phụ nữ Việt Nam trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, vì sự bình đẳng và phát triển toàn diện của phụ nữ Việt Nam, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thương Gia đã có cuộc trò chuyện thú vị với nữ doanh nhân tài năng này.
Xin chúc mừng bà vừa nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2023 vì có nhiều đóng góp cho sự phát triển của phụ nữ và kinh tế - xã hội địa phương do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức. Để đạt được thành quả như hiện tại, có lẽ như bao doanh nghiệp khác, Quảng Thái cũng gặp vô vàn khó khăn khi mới khởi nghiệp, thưa bà?
Đúng vậy. Công ty được thành lập từ năm 1989, đúng vào thời điểm những năm đầu đổi mới nên chúng tôi gặp “ma trận” khó khăn về hệ thống luật, về vốn, hàng hoá...
Chúng tôi cũng gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn vì doanh nghiệp tư nhân thường không đủ điều kiện để được vay vốn ngân hàng. Nguồn vốn kinh doanh ban đầu là số vốn nhỏ bé do gia đình tích lũy được, từ vay mượn người thân cũng như sự hỗ trợ của bạn hàng và các nhà cung cấp.
Chúng tôi còn gặp cảnh khan hiếm hàng hóa trong bối cảnh chung của nền kinh tế thị trường mới mở. Nhưng vượt lên trên hết, chúng tôi có tầm nhìn kiên định và dài hạn về sự phát triển của đất nước, cũng như sự phát triển của nền kinh tế thị trường tại Việt Nam nên mới được như ngày hôm nay.
Trong số các khó khăn kể trên thì cái khó nhất của bà khi bắt đầu thành lập Quảng Thái là gì và bà đã vượt qua điều đó như thế nào, thưa bà?
Cái khó nhất đối với tôi khi mới thành lập Quảng Thái đó là việc chúng tôi phải định hình được sản phẩm mình cần tập trung để sản xuất. Đến lúc xác định được sản phẩm của công ty là chuyên về “đặc sản Đà Lạt” thì chúng tôi lại bị lúng túng khi đây là một mô hình hoàn toàn mới. Thế nên từ định nghĩa đến phương thức thực hiện đều không có mô hình lý thuyết cũng như thực tế nào áp dụng để học hỏi.
Tuy nhiên Quảng Thái đã vượt qua và khẳng định được hướng đi lâu dài cho “con đường đặc sản Đà Lạt”. Đó cũng là lời giải cho bài toán hóc búa nhất với doanh nghiệp lúc mới thành lập.
Vì sao đặc sản Đà Lạt được chọn làm sản phẩm chủ đạo của Quảng Thái trong quá trình khởi nghiệp chứ không phải là sản phẩm của vùng miền khác, thưa bà?
Ngay từ đầu, Quảng Thái đã xác định chọn sản phẩm đặc sản vùng miền Việt Nam, sản phẩm vì sức khỏe để khởi nghiệp. Và Đà Lạt là vùng đất được chúng tôi lựa chọn bởi con người, đất đai thổ nhưỡng cũng như khí hậu nơi đây đã tạo ra các sản phẩm nông nghiệp giàu dinh dưỡng, có hương vị đậm nét riêng và rất chất lượng mà không một nơi nào có được.
Trong số các hợp đồng đã ký với đối tác thì hợp đồng nào khiến bà nhớ nhất, thưa bà?
Đối với cá nhân tôi, hợp đồng triển khai bán hàng trong hệ thống Lotte Mart để lại trong tôi nhiều dấu ấn nhất. Hệ thống và sản phẩm của chúng tôi đã được một trong những nhà bán lẻ lớn nhất thế giới đánh giá cao và đề nghị hợp tác tại tất cả các điểm bán hàng của Lotte Mart trên toàn quốc. Đây cũng là tiền đề để chúng tôi chuẩn hóa mô hình, hợp tác với các chuỗi bán lẻ lớn khác như: Aeon Mall, Wincom... đồng thời tự tin mở rộng hệ thống store trên toàn quốc.
Với tiền đề thuận lợi đó, các sản phẩm của Quảng Thái hiện đã “phủ sóng” đến đâu, thưa bà?
Với trên 300 mặt hàng đặc sản chất lượng với nhóm sản phẩm như: Bánh mứt đặc sản, trái cây sấy và thực phẩm khô đặc sản, dược liệu, trà và cà phê đặc sản và nhiều sản phẩm độc đáo khác, hiện thương hiệu Thái Bảo – L’angfarm của Quảng Thái có trên 40 cửa hàng, chi nhánh “phủ sóng” tại các thành phố lớn trên toàn quốc gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh... và sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
L’angfarm luôn tự hào là một thương hiệu đặc sản Đà Lạt uy tín và chất lượng tại Việt Nam với phương châm hoạt động đề cao 4 yếu tố: Sản phẩm chất lượng - An toàn vệ sinh - Nguồn gốc nông sản - Giá cả phải chăng.
Quảng Thái còn có 4 nhà hàng ăn uống tại TP. Đà Lạt; 3 chi nhánh phân phối hàng tiêu dùng tại các huyện, thành phố thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Quảng Thái cũng vừa đưa vào hoạt động một số điểm kinh doanh mới như: Khu Thương mại – Dịch vụ và Du lịch Quảng Thái, nhà hàng Buffet L’angfarm tại TP. Hồ Chí Minh, 3 nhà hàng nướng Fungi Chingu,... được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng, tin dùng.
Khi mới xây dựng Quảng Thái, bà có nghĩ đến cảnh doanh nghiệp sẽ phát triển mạnh như ngày hôm nay?
Có chứ. Đây chính là tôn chỉ và mục tiêu kiên định chúng tôi nhắm đến trong suốt quá trình hoạt động và phát triển, do đó tôi luôn tin rằng Quảng Thái sẽ phát triển mạnh như dự định đã đề ra. Như tôi đã trao đổi ở trên, mỗi bước đi của chúng tôi đều được tính toán và chuẩn bị hướng tới mục tiêu đã định. Tuy nhiên, có thể nói, việc định hướng và quyết định triển khai hệ thống sản phẩm, cũng như store bán hàng theo hướng “đặc sản Đà Lạt”, “đặc sản Việt Nam” là bước ngoặt lớn để chính thức khẳng định vị thế của L’angfarm – Thái Bảo của Quảng Thái trên thị trường tiêu dùng Việt Nam.
Bà nghĩ thế nào về cuộc đời của mình từ khi thành lập Quảng Thái đến khi doanh nghiệp phát triển như hiện tại?
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển doanh nghiệp, mỗi giai đoạn phát triển của Quảng Thái đều phản ánh rõ rệt về cuộc đời của tôi. Qua mỗi thời kỳ phát triển, trách nhiệm và đóng góp với xã hội, với địa phương, với công ty và anh chị em cán bộ công nhân viên càng nặng nề thêm. Đây chính là động lực để tôi phấn đấu, xây dựng Quảng Thái ngày càng phát triển và thành công hơn.
Ngẫm lại, nếu những năm tháng khởi nghiệp không khó khăn đến vậy, liệu Quảng Thái có phát triển được như hiện tại và bà trở thành doanh nhân tiêu biểu như bây giờ, thưa bà?
Quảng Thái ra đời, định hình và phát triển như một sự phát triển tự nhiên của thị trường, của nền kinh tế chung của tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, có thể nói, những năm tháng khó khăn đã rèn giũa, hun đúc tinh thần, tính kiên định của tôi, của công ty chúng tôi trên con đường xây dựng và phát triển sản phẩm “đặc sản Đà Lạt”, “đặc sản Việt Nam”; và các sản phẩm đó đã được chúng tôi gói gọn trong hai thương hiệu “Thái Bảo– L’angfarm” của Công ty TNHH Quảng Thái.
Có phải bản thân là doanh nhân nữ nên bà ưu tiên tuyển lao động nữ với tỷ lệ trên 50% tại Quảng Thái? Bà còn rất quan tâm đến công tác đào tạo, đề bạt cá nhân là nữ vào các vị trí quan trọng, thưa bà?
Là lãnh đạo doanh nghiệp, khi xây dựng chính sách tuyển dụng, tôi luôn ưu tiên mục đích đúng người đúng việc, cũng như tạo điều kiện cho người lao động phát huy vai trò, năng lực của mình. Tuy nhiên, công ty vẫn có những định hướng và chính sách riêng quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt cá nhân là nữ vào các vị trí quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để chị em phát huy vai trò, năng lực của mình; hỗ trợ lao động nữ có việc làm bền vững, môi trường làm việc an toàn, bình đẳng và góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Lâm Đồng.
Chúng tôi luôn coi Đà Lạt là ngôi nhà lớn của mình, luôn dành tình yêu và sẵn sàng cống hiến, xây dựng Đà Lạt ngày một giàu mạnh, giữ gìn bản sắc bản địa.
Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện thú vị và xin chúc Quảng Thái ngày càng phát triển hơn nữa!