Đam mê và cống hiến
Chị Đỗ Nguyệt Ánh là một doanh nhân thế hệ 7X. Từ khi tốt nghiệp đại học đến nay, chị đã có 27 năm cống hiến cho EVNNPC, kinh qua các vị trí từ chuyên viên đến Phó phòng, Trưởng phòng, Bí thư Đoàn Thanh niên, Phó Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Giám đốc và Chủ tịch HĐTV. Ở cương vị nào, chị cũng luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Khi được hỏi cơ duyên nào đẩy đưa chị đến với ngành điện, chị bộc bạch: “Đối với tôi, đến với ngành điện vừa là truyền thống gia đình, vừa là niềm đam mê và tâm huyết. Trước đây, bố tôi từng công tác trong ngành điện. Ngày còn nhỏ, tôi hay theo bố đến cơ quan, nghe bố và các đồng nghiệp nói chuyện về nghề điện khiến tôi thích điện từ ngày đó. Ngày ấy, điện khá khó khăn. Vào các buổi tối, người lớn, trẻ em trong khu tập thể đều tập trung ở sân chơi, hóng gió, hóng điện. Khi điện sáng bừng lên, mọi người đồng loạt hô: “Bố Ánh giỏi quá!”. Tôi thấy tự hào vì bố tôi đã mang lại niềm vui cho tất cả mọi người. Vì thế, tốt nghiệp đại học, tôi không băn khoăn khi vào làm việc tại ngành điện”.
Là một phụ nữ, được coi là “liễu yếu đào tơ”, thế mà lại chọn một ngành nghề “cứng “ngăng ngắc” như ngành điện… Nghe tôi nói vậy, chị Ánh cười và giải thích: “Khi bước vào ngành điện, tôi không thấy khó khăn hay trở ngại gì cả. Mặc dù, ngành điện có tới 80% là nam giới, chỉ 20% còn lại là nữ giới. Phụ nữ thường chỉ làm những công việc đặc thù như kinh doanh hay tài chính. Do có lợi thế về ngoại ngữ khi học từ nước ngoài về, tôi được sắp xếp vào bộ phận vật tư và xuất nhập khẩu. Tôi được các bác, các chú, các cô, các anh, các chị nhiệt tình giúp đỡ. Tôi không thấy ranh giới giữa nam và nữ trong công việc nữa. Thậm chí, mình là đại diện bộ phận, đại diện cho tập thể thì mình phải trách nhiệm hơn. Tôi cảm thấy rất may mắn khi được làm trong ngành điện, nơi phổ cập về bình đẳng giới thực hiện rất sớm, không có sự phân biệt khi phân công, bố trí công tác, thậm chí nữ giới còn được ưu tiên nhiều hơn. Từ đó, tôi càng trở nên tâm huyết với ngành điện”.
Với những đóng góp cho ngành điện và cho sự phát triển chung của đất nước những năm qua, chị Đỗ Nguyệt Ánh vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2019, Chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 2022 và trở thành một trong 60 doanh nhân được vinh danh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022.
Làm lãnh đạo DN lớn như EVNNPC có khá nhiều thách thức. EVNNPC tác động đến nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, tác động đến nhiều DN, nhiều tổ chức, cá nhân trong xã hội. Đây là công việc khá nặng nề. Nếu như không cân bằng được công việc, gia đình và xã hội thì dễ xảy ra thiếu sót. Đó cũng lại là thách thức đối với các nữ tướng DN nói chung và ngành điện nói riêng. Lý giải cho băn khoăn này của tôi, chị Ánh nói: “Mình làm gì cũng rạch ròi, phân định rõ thời gian dành cho gia đình và dành cho công việc”.
Ngành điện cần hướng giải quyết chiến lược từ Chính phủ để tháo gỡ khó khăn
Chia sẻ về việc thực hiện chế độ đối với người lao động tại EVNNPC, chị Đỗ Nguyệt Ánh cho biết: “Tổng Công ty đang làm tốt nhất những gì có thể. Tuy nhiên, ngành điện đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức khiến người lao động chịu nhiều thiệt thòi”.
Mặc dù là DN nhà nước nhưng EVNNPC lại là một trong những DN đầu tiên trả lương theo hiệu quả công việc. Ngoài mức lương cơ sở (lương V1), người lao động còn được trả lương theo hiệu quả công việc (lương V2). Việc trả lương theo hiệu quả công việc đã tạo ra môi trường minh bạch cho người lao động trong cùng đơn vị. Từ đó, những người làm việc tốt cảm thấy được đãi ngộ xứng đáng, người làm việc chưa tốt cần cố gắng nhiều hơn, không mang tính chất cào bằng.
EVNNPC còn đánh giá đặc thù công việc của từng vị trí để có những đánh giá hỗ trợ hợp lý; sử dụng quỹ khen thưởng để động viên, tạo động lực phấn đấu cho cán bộ công nhân viên trong Tổng công ty. Ngoài ra, chị em phụ nữ nghỉ sinh, nuôi con nhỏ cũng được đơn vị có chính sách hỗ trợ riêng.
Một trong những hình thức khen thưởng của EVNNPC là phần thưởng đào tạo chuyên môn ở nước ngoài, hoặc như năm 2022 vừa qua, EVNNPC có 12 thợ giỏi được đến báo công với Bác Hồ tại Lăng Bác, sau đó được gặp Chủ tịch nước và được EVNNPC có phần thưởng riêng tới họ.
Về đời sống tinh thần, EVNNPC đã tạo điều kiện cho các tổ chức toàn thể như: Hội phụ nữ, công đoàn, Đoàn thanh niên này, Hội cựu chiến binh,… tạo ra nhiều sân chơi cho người lao động. EVNNPC có liên kết với các tổng công ty bạn trong tập đoàn hoặc các DN trong các tổ chức nghề nghiệp khác như Vacod, các DN trong khối Đảng bộ khối DN Hà Nội, Vụ Dân tộc của Quốc hội,… để anh em giao lưu đời sống văn hóa tinh thần; hay những hội thi sáng tạo, thi văn hóa, văn nghệ, để CBCNV trong đơn vị gắn kết, vui tươi, phấn khởi.
Hiện nay, EVNNPC đã và đang đảm bảo cung cấp đủ điện cho gần 11 triệu khách hàng trên địa bàn 27 tỉnh miền Bắc, được đánh giá là đơn vị có tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm và doanh thu cao nhất trong toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Chị chia sẻ: “Thực sự tôi rất tâm huyết với công việc, với anh em. Điều tôi đau đáu nhất bây giờ là làm sao đủ điện để cung cấp cho khách hàng và đối tác. Muốn phát triển kinh tế xã hội hay muốn làm gì khác thì trước tiên phải đủ điện. Thực tế hiện nay ngành điện đang phải gánh lỗ lớn nhưng mỗi lần đề xuất tăng giá bán điện thì lại vấp phải sự phản ứng không đồng tình của nhiều người. Nếu nhìn vào giá dầu, giá than trên thế giới tăng mạnh, lãi suất ngân hàng tăng, đồng USD trượt giá, … sẽ thấy nguồn lực của ngành điện hiện nay đang căng như dây đàn. So với năm 2019 (tư vấn lập chi phí sản xuất), giá than, giá dầu hiện nay đã tăng gấp khoảng 4 lần. Ngược lại, chi phí nguyên liệu sản xuất bị cắt giảm 30%. Do vậy, ngành điện đã gắng gượng đến mức sắp không đỡ nổi”.
Chị Đỗ Nguyệt Ánh cho biết thêm: “Mức lương của người lao động hiện nay giảm bằng 60% của năm 2021. EVNNPC buộc phải giảm lương của người lao động bởi ngành điện đang phải gồng mình bù lỗ nặng, người lao động đang chịu thiệt thòi. Việc cắt giảm lương của người lao động toàn EVNNPC giảm khoảng 2.000 tỷ đồng năm 2022 nhưng chỉ như muối bỏ bể bởi dự kiến lỗ trong năm của Tập đoàn là hàng chục nghìn tỷ đồng. Với tình trạng như vậy, ngành điện rất cần hướng giải quyết chiến lược từ Chính phủ, các Bộ, ngành để tháo gỡ những khó khăn đó”.