Doanh nhân - "Người lữ hành đơn độc"

Dù phải vượt qua rất nhiều thử thách, gian khổ, thậm chí phải trả giá… các doanh nhân vẫn cứ dấn thân, vẫn đơn độc và kiêu hãnh đi về phía mặt trời, để được sống một cuộc đời đáng sống.
Doanh nhân - "Người lữ hành đơn độc"

Tôi xin mượn tên cuốn tiểu thuyết hóa cuộc đời của Rockefeller - huyền thoại dầu lửa người Mỹ để đặt tên cho bài viết về doanh nhân của mình. Bởi, “Người lữ hành đơn độc” - thật khó có từ nào “chất” hơn để nói về họ.

Tất cả bắt đầu từ mơ ước

Một hạt giống gieo vào trong cuộc đời đã mang theo thông điệp của mơ ước. Mơ ước của doanh nhân (vốn có dòng máu kinh doanh) thường rất cụ thể và sát thực: Làm ra tiền, tạo ra của cải, việc làm cho người lao động, được xã hội kính trọng và những ý nghĩa xã hội khác…

Thời thế đổi thay. Hội nhập là xu thế tất phải đến… thế là khoảng hơn hai thập kỷ nay, rất nhiều người có máu kinh doanh làm giàu, cộng với kiến thức, cơ hội… đã bật lên. Một tầng lớp doanh nhân hình thành và phát triển, từng bước hội nhập với thế giới.  

Ước mơ đầu tiên và chung nhất của họ là thoát nghèo và đổi đời. Ông chủ của Gạch Đồng Tâm – Võ Quốc Thắng - đi lên từ người đóng gạch. Năm tháng tuổi thơ gắn với lò gạch, những ngày lênh đênh trên sông, trên biển, không quản nắng mưa để đi bán gạch đã mang lại cho ông kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm ăn… để đưa cơ sở làm gạch do cha truyền lại thành một công ty sản xuất vật liệu xây dựng lừng lẫy. Ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ không thể quên được nỗi đau khi vào năm 1981, bố ông gặp trọng bệnh, gia cảnh sa sút, Vũ “chạy vạy khắp trong dòng tộc không làm sao kiếm đủ 2 triệu đồng cho ông chữa bệnh!”.  

Doanh nhân - "Người lữ hành đơn độc" ảnh 1

“Ước mơ lớn nhất hiện nay của tôi là biến những con đường của Hà Nội và TP HCM thành một cái gì đó như của Hong Kong và Singapore. Nếu tôi có thể làm được điều đó, cho dù có phải tốn tiền tỷ, tôi sẽ vẫn hạnh phúc. Bởi lẽ: “Tôi muốn để lại một cái gì đó cho thế hệ sau. Bạn không thể nào mang tiền theo khi mình chết được”…

Doanh nhân Phạm Nhật Vượng

Những năm tháng nhọc nhằn đói khổ đó đã hun đúc cho ông ý chí làm giàu để rồi một ngày đẹp trời, Vũ trở thành ông chủ của thương hiệu cà phê Trung Nguyên, được Forber vinh danh là người đàn ông "zero to hero" (từ số không đến người hùng). 

Phạm Nhật Vượng – con một bà bán nước chè ở góc phố Hà Nội, nghèo túng vì nuôi một đàn con đông đúc - đâu có nghĩ được rằng, một ngày đẹp trời mình trở thành tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam, sở hữu tập đoàn Vingroup với những dự án lớn làm thay đổi bộ mặt đất nước. Tất cả những gì ông đang nắm trong tay đều có khởi nguồn từ mơ ước. Giấc mơ thoát nghèo. Giấc mơ đổi đời. Giấc mơ có thật nhiều tiền để làm được những việc lớn lao cho gia đình và cho xã hội.

Tôi có quen biết một anh là Chủ tịch hội đồng quản trị của một hãng taxi. Báo chí không viết gì về anh, vì như anh nói, anh không đủ can đảm trả lời phỏng vấn báo chí. Anh đi lên từ một cậu nhặt than đường ray, bán nước trà xanh trên tàu hỏa. Nhà anh ở ngõ chợ Khâm Thiên. Mỗi khi con tàu bắt đầu kiêu hãnh hú lên hồi còi vào ga là anh xách làn nước trà chạy đến sân ga. Rồi nghề bán nước trà trên tàu cũng phai dần theo thời cuộc. Anh chuyển hướng kinh doanh, từ đánh hàng địa chỉ đến hàng thùng, quán ăn… Ngoi ngóp mãi cũng đến bờ. Khi có một cơ số vốn, anh vay thêm ngân hàng và thành lập ra hãng taxi. Nhưng khác với các ông chủ khác, khi bộ máy quản lý hoạt động ổn định, người nào vị trí đó, ông chủ tịch của hãng vẫn xách “một con xe” để phục vụ khách. Không ai có thể hiểu được trong đầu anh nghĩ gì.

Chỉ những lúc lặng mình bên chén trà, với một người bạn hữu, anh mới bộc bạch: “Xách xe đi chở khách, mình hiểu được nghề, hiểu được nỗi vất vả của anh em. Cũng cảm nhận rõ hơn sự khác biệt quá lớn của một thằng bé nhặt than trên đường ray, bán trà xanh trên tàu với một người lái taxi chứ chưa nói đến một ông chủ hãng”. Anh cũng không giấu giếm về nỗi ám ảnh thời thơ ấu: “Khi có gia đình riêng, có tiền, tôi vẫn mua một ngôi nhà ở khu vực Khâm Thiên, ngay gần ga Hà Nội. Tiếng còi tàu vào ga vẫn ám ảnh tôi, có đêm nó làm tôi giật mình đến mất ngủ. Nhưng tôi vẫn ở lại đây để cho các con tôi thấu hiểu cuộc đời của bố”.

"Zero to hero" như Phạm Nhật Vượng; tư tưởng lớn như ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ; lặng lẽ như Võ Quốc Thắng hay như ông chủ hãng taxi, khi đã là ông chủ vẫn tiếp tục nhấm nháp vị chát cuộc đời… tất cả đều bắt đầu từ những ước mơ, từ khát vọng thoát nghèo, đổi đời và hành trình gian nan tiến tới thành công.

Người lữ hành đơn độc

Gọi doanh nhân là “những con sói đơn độc” cũng chẳng sai. “Con sói” ở đây chỉ những người quả cảm, dám dấn thân và không biết sợ bóng tối. Con đường đi của họ thế nào? Họ không thể “nói tông tốc” với bố mẹ, vợ con… vì tất cả còn ở phía trước. Càng không thể nói hết với bạn bè, cộng sự, đối tác…Những gì họ viết ra giấy, lập dự án… tất cả chỉ là phần nổi. Phần chìm nằm ở ý tưởng, ý đồ thực hiện và thậm chí là hiệu quả có được sau một chuỗi dài phân tích, nhìn nhận.

Nhìn thấy ông/bà doanh nhân làm cái này cái kia… hãy đừng vội phán xét đúng sai. Chỉ có họ mới thực sự hiểu rõ đúng/sai. Ai vội buông lời phán xét là người đó chưa biết gì về kinh doanh. Có khi người làm kinh doanh chịu mất một cơ số tiền chỉ để hiểu được về cộng sự hay đối tác lâu dài. (như người Trung Quốc nói: Muốn hiểu về con người thì cứ mang tiền ra thử). Có khi đầu tư chỗ này để thu lợi chỗ kia… Kinh doanh có muôn hình vạn trạng không giống như phép tính cộng, ngoài chủ thể người làm kinh doanh ra thì không ai hiểu được. Họ giống như con sói đơn độc trong bộ dạng của chính mình.

Ngay cả những khi đối mặt với hiểm nguy, bị đe dọa tính mạng thì họ cũng vẫn đơn độc. Ông chủ của một công ty vàng bạc đá quý nổi tiếng ở Hà Nội từng bị dí súng vào tai, trên một bãi khai thác đá quý ở Yên Bái. Cái chết có thể đến trong gang tấc, thật lặng lẽ. Lương y Nguyễn Hữu Khai – chủ tập đoàn Bảo Long cũng đã từng đối mặt với cái chết từ họng súng của đối phương. Nhờ chữ nhẫn của con nhà võ mà thoát chết.

Cơn khủng hoảng kinh tế vừa qua đã chứng kiến những sự ra đi vĩnh viễn của một số doanh nhân – do họ buộc phải tự giải thoát mình khi không thể tiếp tục gắng gượng. Mấy ngày trước đó, báo tôi vừa đăng bài “Bàn có bốn chân”, kể về sự hợp tác của bốn doanh nhân, cùng nhau vượt qua cơn khốn khó. Khi báo vừa ra, cậu phóng viên buồn bã báo lại là “bàn giờ chỉ còn ba chân thôi vì một anh đã tự giải thoát rồi”. Cả tòa soạn lạnh người vì nỗi sợ  “mất chân bàn”.

Thi thoảng người ta vẫn đọc những tin tức gây sốc như cựu Chủ tịch tập đoàn Keangnam Sung Wan-jong tự tử;  Phó Chủ tịch tập đoàn Lotte Lee In Won cũng đã tìm đến cái chết... vì rất nhiều nguyên do. Dù là lý do gì đi chăng nữa thì họ - những người đã đánh đổi rất nhiều thứ để đeo trên cổ những vòng nguyệt quế - đã phải rời bỏ thế gian trong sự cay đắng, cô độc tuyệt đối.

Cô đơn giữa những lỗi lầm

Anh hùng khó qua ải mĩ nhân. Áp dụng câu này với các doanh nhân thì quá đúng. Có tiền. Thành đạt. Ga lăng… Các doanh nhân (đặc biệt là nam nhi) là mục tiêu săn đuổi của các em chân dài. Nhiều doanh nhân có vợ thật xứng đôi vừa lứa, không thể mong ước nhiều hơn nữa nhưng vẫn bị vướng vào tình ái lùm xùm. Các bà vợ thường chỉ nắm bắt bên ngoài mà cái ham muốn của các ông nó đến từ bên trong, thế là các bà không tay nào, mắt nào mà giữ được chồng. Nếu không chịu cảnh mất chồng thì cũng chịu cảnh chung chồng – để đũa có đôi, đi trọn cuộc đời. Các bà thì cũng là da là thịt, là vui, buồn, yêu ghét…cả. Bi kịch nảy sinh từ đó. Các ông doanh nhân, có sướng một tý chỗ này thì phần còn lại sẽ là nỗi khổ không thể sẻ chia, chỉ ngửa cô kêu trời: Đời ơi là biển khổ!...

Ông bạn của ông giám đốc xăng dầu có tới ba bà vợ. Hai ông nhậu với bạn bè, say ngất ngư. Ông giám đốc xăng dầu dìu ông bạn về nhà bà cả, bấm chuông. Từ lầu 2, bà cả ngõ xuống thấy chồng xiêu vẹo liền đóng cửa tắt đèn. Ông giám đốc xăng dầu đưa bạn đến nhà bà hai rồi bà ba. Kịch bản lặp lại y chang. Thế là hai ông đưa nhau ra khách sạn.

Một ông giám đốc công ty xây dựng, có dự án nhà ở đô thị nhỏ thôi nhưng ngay sát trung tâm nên cũng hot. Những ngày làm dự án, ông đồng cam cộng khổ với một phụ nữ, sau nghiễm nhiên thành vợ không hôn thú, có con chung. Ông đành tạ tội với vợ chính thức để yên bề với vợ hai. Khi dự án gặp khó, dở dang khiến ông hụt hơi. Tình nghĩa vợ chồng giữa ông với bà hai cũng nhạt phai và cắt đứt. Ông quay về với bà cả. Bà cả vốn hiền nhưng gương đã vỡ, bà chẳng đủ sức để gắn cho lành. Nhà ông ông ở. Ông đi đâu mặc ông… Thế là ông giám đốc cứ bơ vơ trong ngôi nhà của mình.

Tết đến, ông mò đến nhà bạn, mong được hưởng chút hơi ấm gia đình. Một ông khác là bạn tôi, cũng đến khổ vì có hai bà vợ. Vợ cả ở tận Sài Gòn, ít qua lại. Nhưng bà hai và các con thì luôn nghĩ, tim ông, óc ông thuộc về vùng đất phương Nam. Thế là ông giám đốc công ty rõ oách đó cũng bơ vơ, dở khóc dở cười giữa bà vợ và đàn con, cháu…

Những chuyện tương tự thì có vô vàn và cũng vô vàn những số phận long đong vì chuyện tình tay ba tay tư của các doanh nhân. Dù có vơ con, bồ bịch lúc lỉu thì họ cũng vẫn là kẻ lữ hành cô đơn. Cô đơn giữa giữa khối của cải, giữa những mối tình và hàng tá vấn đề mà chỉ có họ mới có thể giải quyết được. Bí quá thì đổ cho số phận.

Là lữ khách đơn độc trong cuộc đời này nhưng doanh nhân vẫn là hình ảnh hấp dẫn nhất. Nghề kinh doanh là nghề hot nhất, được nhiều người theo đuổi nhất. Họ là những người lặng lẽ dấn thân, làm ra của cải, nuôi sống gia đình, tạo ra việc làm cho người lao động để chính họ lại nuôi sống gia đình họ. Khi thành đạt thì tất cả cùng hưởng. Chẳng may ngã ngựa… Ôi thôi! Doanh nhân có thể là kẻ tội đồ, hoặc dính đến pháp luật hoặc đơn giản là kẻ bỏ đi. Dòng đời cứ tàn nhẫn trôi trượt qua những thân phận doanh nhân không may chụ cảnh can qua.

Nhưng dù có thế nào, các doanh nhân vẫn cứ dấn thân, vẫn đơn độc và kiêu hãnh đi về phía mặt trời, để được sống một cuộc đời đáng sống.

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…