Thế giới đang cần nhiều khoản đầu tư xanh hơn bao giờ hết nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu cân bằng phát thải vào năm 2050. Tuy nhiên, các yếu tố như lãi suất gia tăng, những hạn chế về tài chính công và sự không rõ ràng trong định nghĩa thế nào là một khoản đầu tư xanh đang khiến các dự án bền vững khó tìm được nguồn tài trợ vốn hơn.
Héo hon vì lãi suất
Lãi suất cao hơn đang khiến việc huy động vốn cho các dự án xanh mặc dù với biên lợi nhuận không cao nhưng mang tính chất cấp thiết càng trở nên khó khăn hơn. Nhiều năm duy trì tình trạng lãi suất thấp, vốn là kết quả của chính sách tiền tệ thắt chặt kết hợp với cú "bốc hơi" giá trị 30 nghìn tỷ USD trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu năm ngoái đã làm giảm thanh khoản. Đồng thời sự không rõ ràng về định nghĩa và vấn đề "tẩy xanh" càng khiến các nhà đầu tư cảnh giác hơn bao giờ hết.
Công bằng mà nói, một vài yếu tố dĩ nhiên hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của cả chính phủ lẫn ngành dịch vụ tài chính nhưng mọi người hoàn toàn có thể chung tay góp sức xây dựng các hệ thống minh bạch hơn, giảm thiểu rủi ro để thúc đẩy đầu tư xanh.
Đầu tư xanh sẽ trở nên dễ dàng hơn khi những quy định mới có hiệu lực. Liên minh Châu Âu (EU) đã đưa ra các quy tắc về công bố thông tin liên quan đến tài chính xanh còn Trung Quốc, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đều đã đề xuất các biện pháp mới để thúc đẩy các tiêu chuẩn vững mạnh.
Với các trung tâm tài chính của châu Á, mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Tài chính xanh vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, thành phố nào hoặc thị trường nào có thể thu hút số lượng ngày một tăng các nhà đầu tư chú trọng vào ESG sẽ giành được lợi thế của người đi trước.
Nhưng khu vực này có nguy cơ mất lợi thế về tay các thể chế như EU vốn đang nhắm tới vị thế dẫn đầu thế giới trong xây dựng chính sách và khuôn khổ pháp lý nhằm hỗ trợ mục tiêu cân bằng phát thải. Châu Á nên hướng các nỗ lực của mình vào đâu và có thể học được gì từ kinh nghiệm của Châu Âu.
Ví dụ, EU là một trong những khu vực đầu tiên đưa ra hệ thống phân loại để đánh giá khía cạnh bền vững của các khoản đầu tư (taxonomy) và gần đây đã thắt chặt các quy định công bố thông tin. Châu Á nên phản ứng thế nào nếu muốn thu hút các nhà đầu tư chú trọng vào ESG.
Nỗ lực tạo sự minh bạch
Theo ông David Liao, đồng Giám đốc Điều hành của HSBC châu Á - Thái Bình Dương, đầu tiên phải chắc chắn rằng các quy định công bố thông tin được xây dựng tốt sẽ giúp tạo niềm tin về những yếu tố cấu thành nên một khoản đầu tư bền vững. Một hệ thống phân loại rõ ràng, được áp dụng rộng rãi và được kiểm soát chặt chẽ sẽ không chỉ mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư về khía cạnh bền vững của các dự án mà họ ủng hộ mà còn cung cấp cho các nhà quản lý dự án một lộ trình được thiết kế rõ ràng.
Liên minh Châu Âu đã đi trước một bước, tạo ra Quy định Công bố Thông tin Tài chính Bền vững (Sustainable Finance Disclosure Regulations – SFDR) buộc các đơn vị tham gia thị trường tài chính phải cung cấp thông tin mà nhà đầu tư thực sự cần để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn sau khi cân nhắc hết các yếu tố. SFDR sẽ góp phần khuyến khích gia tăng các hoạt động đầu tư bền vững và một thị trường thứ cấp minh bạch đồng thời có thanh khoản đối với các sản phẩm tài chính xanh.
Các cơ quan quản lý và ngành dịch vụ tài chính nên tiếp tục nỗ lực tìm cách gia tăng mức độ minh bạch cho thị trường và chuẩn hóa việc báo cáo các rủi ro ESG. Tuy nhiên, thiết kế quy định cẩn thận cũng là việc cần làm để tránh gây ra tình trạng không đồng bộ và không rõ ràng.
"Thông tin tốt hơn sẽ giúp tránh rủi ro định giá sai và sẽ huy động các nguồn lượng thị trường để mở rộng quy mô tài chính xanh, giúp nâng tầm xu hướng này trở thành chính thống", ông David Liao nói
Tuy nhiên, vị chuyên gia tại HSBC cũng cho rằng, điều quan trọng là cần tránh tạo ra quy định kiểu chắp vá hoặc đưa ra quá nhiều tiêu chuẩn riêng cho các sản phẩm xanh, vì như vậy sẽ làm giảm hiệu quả của thị trường và cản trở các nhà phát hành cũng như nhà đầu tư.
Bởi lẽ, các chính phủ và cơ quan quản lý có thể và nên đặt ra các tiêu chuẩn tối thiểu về công bố thông tin và ban hành các chế tài cho hành vi gây hiểu lầm về khía cạnh bền vững cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn đạt được thị trường có tính thanh khoản đối với các sản phẩm bền vững mà thế giới cần, các nhà hoạch định chính sách nên làm việc với ngành dịch vụ tài chính để đảm bảo các quy tắc nền tảng này vừa "thân thiện với người dùng" vừa là giải pháp chính xác cho những vấn đề thực tiễn trong việc phát triển thị trường.
Xét tổng thể tiềm năng của đầu tư xanh, đa số mọi người đều nhận thấy rằng chính sự thiếu hụt tài sản bền vững mới là trở ngại chính đối với tăng trưởng chứ không phải bản thân tài chính bền vững.
Các nguyên tắc phân loại có vai trò quan trọng nhất định nhưng cần tránh tạo thêm phiền phức hoặc "đẻ" ra những tiêu chuẩn mà chỉ các hoạt động hoặc pháp nhân "xanh nhất" mới đạt tiêu chuẩn. Điểm mấu chốt ở đây là nâng cao chất lượng công bố thông tin nhưng các cơ quan quản lý nên nghiên cứu để đảm bảo các tiêu chuẩn bền vững quốc tế, chẳng hạn như những tiêu chuẩn đang được hoàn thiện bởi Ủy ban Tiêu chuẩn Bền vững Quốc tế (International Sustainability Standards Board), được lồng ghép trong các khuôn khổ quốc gia hoặc khu vực.
Trên tất cả, điều quan trọng cần nhớ là trong thiết kế sản phẩm, các tiêu chuẩn thị trường đã được thiết lập tốt, chẳng hạn như Nguyên tắc trái phiếu xanh của ICMA, vốn có những đóng góp đáng kể và nên dựa trên đó để tiếp tục phát triển. Các tiêu chuẩn thị trường mới hơn, chẳng hạn như hệ thống phân loại sản phẩm FAST-Infra mà HSBC và các tổ chức khác đã đưa ra cũng có thể giúp các nhà đầu tư xác định những yếu tố cấu thành nên cơ sở hạ tầng bền vững. Điều này rất quan trọng đối với châu Á và các thị trường mới nổi khác, nơi mà cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu còn chưa ngã ngũ.
Các ngân hàng cũng như các nhà sản xuất và kinh doanh sản phẩm tài chính xanh khác phải phối hợp cùng khu vực công về quy định để giúp làm rõ và hoàn thiện các định nghĩa về tài sản bền vững, đồng thời cung cấp các cách thức toàn diện, minh bạch và nhanh chóng để đánh giá rủi ro khí hậu. Chúng ta cần đầu tư vào đào tạo và tuyển dụng nhân tài có thể đánh giá và quản trị những rủi ro này và quan trọng là giúp khách hàng nắm bắt cơ hội trong quá trình chuyển dịch hướng đến cân bằng phát thải.
"Để huy động hàng nghìn tỷ đô la cần thiết cho quá trình chuyển dịch, chúng ta phải nhanh chóng tăng tốc các dòng đầu tư bền vững. Ngành dịch vụ tài chính phải gánh vác vai trò của mình trong việc chuyển dịch từ các quy trình thủ công, chuyên biệt hiện hành sang sản xuất dây chuyền lắp ráp các sản phẩm tài chính xanh dựa trên một ngôn ngữ chung và được hỗ trợ bởi các quy định công bố thông tin rõ ràng và vững mạnh", ông David Liao nhấn mạnh.