Du lịch an toàn: Mở cửa đồng bộ cần đảm bảo phòng dịch đồng bộ

Việt Nam cần thực hiện các bước mở cửa lại du lịch với kỳ vọng mang lại bước phát triển mới, phù hợp với tinh thần vừa phát triển nhưng vẫn đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch.
Các nhà quản lý và các chuyên gia đều cho rằng mở cửa du lịch nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo phòng chống dịch. (Ảnh: Int)
Các nhà quản lý và các chuyên gia đều cho rằng mở cửa du lịch nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo phòng chống dịch. (Ảnh: Int)

Nới lỏng nhưng không buông lỏng

Phát biểu tại Diễn đàn “Luồng xanh cho du lịch cất cánh” mới đây, bà Phan Thị Minh Giang, Trợ lý Cục trưởng, Trưởng phòng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao cho biết, từ đầu năm 2021, Bộ Ngoại giao đã kiến nghị nới rộng nhập cảnh với mục đích du lịch, thăm thân, hồi hương… với những đối tượng đã tiêm chủng đầy đủ trong thời gian thích hợp.  

Cuối năm 2021, Việt Nam có kết quả nổi bật trong chiến dịch tiêm chủng và ngoại giao vắc xin, cùng với tinh thần Nghị quyết 128, đã giảm thời gian cách ly y tế tập trung xuống 7 ngày đối với những người có hộ chiếu vaccine hoặc kết quả PCR âm tính; cho phép cá nhân mang thị thực người Việt Nam ở nước ngoài và nhân thân mang giấy miễn thị thực còn giá trị nhập cảnh vào Việt Nam. Và từ 1/1/2022, quy định về cách ly đã được nới lỏng hoàn toàn đối với những người có hộ chiếu vaccine theo dõi tại nhà 3 ngày; những người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều chỉ cách ly tại nhà 7 ngày.

Theo bà Giang, Bộ Ngoại giao đã đề xuất những phương án đề xuất, tập trung vào những điểm chính, bao gồm để thực sự mở cửa đón khách quốc tế, cần áp dụng quy trình cấp thị thực, giấy miễn thị thực theo đúng quy định tại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành.  

Cho đến thời điểm hiện tại, các biện pháp phòng chống dịch của Việt Nam đều nằm trong tầm kiểm soát và thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ. Trên thực tế, tất cả các lĩnh vực cần kết hợp chặt chẽ, không chỉ ở góc độ chính sách để đảm bảo du lịch phải an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh với mục đích cuối cùng là hoàn thành mục tiêu đảm bảo phòng chống dịch nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội mới để phục phồi, phát triển kinh tế; đặc biệt là khi du lịch đóng góp một phần không nhỏ trong tiến trình này.

Ở góc độ chuyên gia y tế, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nới lỏng nhưng không buông lỏng, mở cửa an toàn, nới lỏng toàn bộ nhưng phải có dự phòng đồng bộ.

“Ngành công nghiệp khói” sẽ chịu tác động nặng nề của giá xăng dầu, do đó phải tận dụng lợi thế của “ngành công nghiệp không khói” này”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định.

Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế, riêng ngành du lịch, PGS.TS Trần Đắc Phu đánh giá, ngành du lịch có đặc điểm phức tạp vì liên quan tới nhiều nơi, nhiều tình huống, nhiều môi trường khác nhau. Đồng thời tiếp xúc nhiều nhóm người lạ khác nhau, liên quan tới nhiều ngành, nhiều đơn vị, nhiều địa phương.

Do đó, chính sách phòng bệnh đặc thù cũng cần áp dụng linh hoạt cho từng hoạt động. “Cần mở cửa đồng bộ nhưng phòng bệnh cũng phải đồng bộ. Chỉ đạo hướng dẫn đồng bộ nếu mỗi địa phương làm một kiểu du khách không biết thực hiện như thế nào. Bên cạnh đó, khuyến khích du lịch khép kín, theo nhóm”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế khẳng định.

Phục hồi trong bối cảnh mới

Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động VCCI cho biết, trong hơn hai năm qua, do tác động của đại dịch, thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ, làm cho toàn ngành không đạt được các chỉ tiêu, chệnh hướng quỹ đạo tăng trưởng.

“Tuy vậy, trước làn sóng mở cửa toàn cầu, thời điểm này chính là cơ hội đặc biệt để ngành đón đầu nhu cầu du lịch mang tính toàn cầu đó”, Tổng thư ký VCCI khẳng định.

Nhấn mạnh thêm về cơ hội, bà Lan Anh chia sẻ, ngành du lịch đang đứng trước cơ hội "vàng" khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức cho phép tất cả các địa phương có đủ điều kiện được thực hiện thí điểm đón khách quốc tế. Ngay sau đó, thị trường du lịch Việt Nam đã “ấm” dần lên, nhận được sự quan tâm của nhiều du khách, hãng truyền thông trên thế giới.  

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đây sẽ là điều kiện tiên quyết mở ra cơ hội lớn cho ngành Du lịch mau chóng tái khởi động, phục hồi và phát triển trong giai đoạn bình thường mới.

Để tạo luồng xanh cho du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, cần đảm bảo an toàn phòng chống dịch, bởi vẫn có nguy cơ diễn ra làn sóng dịch khi tiến hành mở cửa ở quy mô rộng. 

Tiếp theo đó là làm sao để các hãng hàng không phối hợp với các doanh nghiệp du lịch tăng cường khai thác các đường bay quốc tế kết nối các thị trường trọng điểm với các điểm đến du lịch tại Việt Nam.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và Việt Nam cần khôi phục các chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập xuất cảnh cho khách du lịch để thu hút khách quốc tế đến.

Bên cạnh đó cần nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Cuối cùng đó là vấn đề cạnh tranh điểm đến với các quốc gia trên toàn cầu, xúc tiến quảng bá và thu hút thị trường khách, khi du lịch thế giới phục hồi. Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kéo dài ít nhất đến hết năm 2023 như chính sách giảm giá điện, giảm thuế VAT, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên.

“Du lịch Việt Nam hơn lúc nào hết cần được các Bộ ngành ủng hộ, các địa phương phối hợp cùng doanh nghiệp du lịch nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế”, ông Khánh nhấn mạnh.  

Có thể bạn quan tâm