Gạo, cà phê và ngành bán dẫn Việt Nam đứng trước "cơn bão" El Nino

Nhiều lĩnh vực của ASEAN sắp phải đón chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất từ El Nino. Việt Nam cũng không phải trường hợp ngoại lệ...
Gạo, cà phê và ngành bán dẫn Việt Nam đứng trước "cơn bão" El Nino

Các đợt nắng nóng diễn ra trên khắp ASEAN báo hiệu sự quay trở lại của El Nino sau 3 năm. Giới chuyên môn cho rằng, các sản phẩm nông sản của Việt Nam gồm gạo và cà phê đang rất dễ bị tổn thương.

Cơn sốt mang tên El Nino

El Nino xảy ra khi nước ấm di chuyển từ phía tây (khu vực Indonesia) sang phía đông (khu vực Peru) của vùng Thái Bình Dương tại xích đạo, đồng thời kèm theo thay đổi hướng gió mậu dịch. Đây là một hiện tượng tự nhiên xảy ra bất thường mỗi 2 đến 7 năm và có thể kéo dài từ 9 tháng đến vài năm.

Biến đổi khí hậu hay khí thải nhà kính (GHG) không gây ra El Nino. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm một số tác động của El Nino khi nhiệt lượng tỏa ra nhiều hơn thông qua sự nóng lên toàn cầu.

Ngược lại với El Nino là La Nina (làm mát). Cả El Nino và La Nina là một phần của El Nino - Dao động Nam (ENSO), một chu kỳ khí hậu toàn cầu quan trọng.

Sau ba năm bị ảnh hưởng bởi La Nina, El Nino đang quay trở lại khu vực ASEAN. Vào ngày 8/6/2023, Cơ quan Quản Lý Khí Quyển và Đại Dương Quốc Gia Hoa Kỳ (NOAA) đã tuyên bố về sự xuất hiện của tình trạng El Nino trong tháng 5/2023. NOAA dự kiến tình trạng này sẽ gia tăng vào mùa đông 2023-2024 ở Bắc bán cầu (tháng 12/2023 đến tháng 2/2024).

Ngoài ra, 84% khả năng tình trạng El Nino lần này sẽ vượt quá mức trung bình tại thời điểm đạt đỉnh và 56% khả năng tình trạng El Nino sẽ diễn ra với cường độ mạnh.

Các nước ASEAN dự báo El Niño sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm 2023, thậm chí sang năm 2024

Như đã nói, là một trong những hiện tượng biến đổi khí hậu quan trọng, các đặc điểm thường thấy của El Nino là nhiệt độ nước biển ấm bất thường ở Thái Bình Dương, gây ra điều kiện nóng và khô hạn cho khu vực ASEAN.

Khi chỉ số Nino Đại dương (ONI) tăng vượt quá 0,5 sẽ dẫn đến tình trạng El Nino, trong khi chỉ số này giảm dưới -0,5 sẽ gây ra hiện tượng La Nina. Trong ba thập kỷ qua, những biến động của cả El Nino và La Nina đã tăng đáng kể về tần suất và cường độ, làm gia tăng số lần gián đoạn kinh tế liên quan.

Đợt El Nino gần nhất diễn ra vào năm 2019 và giữ ở mức trung bình sau khi đạt đỉnh vào năm 2015. Lần này, từ bán đảo Đông Dương đến quần đảo Malay, El Nino đã đổ bộ vào khu vực ASEAN. Các quan chức trên toàn khu vực đã đưa ra cảnh báo về sự khởi đầu của một đợt El Nino yếu, nhiều nguồn tin cho rằng hiện tượng này sẽ mạnh lên vào nửa cuối năm 2023 và thậm chí kéo dài đến năm 2024.

Lĩnh vực dễ bị tổn thương

Trong báo cáo vừa công bố, HSBC cho biết, lĩnh vực nông nghiệp của ASEAN chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất từ El Nino. Việt Nam cũng không phải trường hợp ngoại lệ.

Cụ thể, trong lịch sử, các đợt El Nino thường gây ra sụt giảm sản lượng gạo cùng với các chính sách thương mại tương đối hạn chế làm trầm trọng thêm tình trạng này. Vào năm 2015-2016, El Nino đã khiến sản lượng tại hai thị trường Thái Lan và Việt Nam giảm hơn 10%. Hậu quả là xuất khẩu gạo của Việt Nam dự kiến sẽ giảm 7%, theo ước tính của USDA.

Bên cạnh đó HSBC cho hay, mặc dù chiếm tỷ lệ không đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu (dưới 1%), nhưng Việt NamIndonesia cung cấp 25% lượng cà phê của thế giới - chủ yếu là hạt Robusta, được biết đến với vị đắng và độ axit cao hơn.

Trước đó, sản lượng cà phê ở cả hai nền kinh tế này đã giảm 10% trong năm 2015-2016, gợi ra câu hỏi về tác động của El Nino lần này. Đặc biệt, USDA dự báo sản lượng cà phê Robusta tại Indonesia niên vụ 2023/24 sẽ giảm 20% do mùa khô đến sớm, ảnh hưởng đến hơn 60% diện tích cà phê. Những người đam mê các loại cà phê Nanyang truyền thống ở ASEAN, hay được gọi là Kopi, được làm từ hạt Robusta, nên chú ý đến điều này.

Sản xuất cà phê

Ở góc nhìn khác, El Nino còn có tác động vượt ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp. Một tác động phụ khác là sự gián đoạn sản xuất công nghiệp do thiếu năng lượng. Lấy Việt Nam và Malaysia làm ví dụ, nào đầu tháng 6/2023, các tỉnh phía bắc của Việt Nam, nơi đặt cơ sở sản xuất của nhiều gã khổng lồ điện tử bao gồm Samsung và Foxconn, đã phải đối mặt với tình trạng thiếu điện. Mất điện là do thiếu hụt thủy điện, nguồn cung cấp điện chính ở miền bắc, vì nắng nóng và hạn hán do El Nino gây ra đã khiến nước trong các hồ chứa cạn kiệt, thậm chí mực nước ở các đập lớn ở miền bắc cũng giảm đến mực nước chết.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, thời gian gần đây do mưa vừa, mực nước tại tất cả các hồ chứa trên cả nước đều vượt ngưỡng phát điện an toàn. Sau khi một số nhà sản xuất thiết bị điện tử cắt giảm sản xuất, tình trạng mất điện gần đây đã bắt đầu giảm bớt, cho phép các nhà máy kéo dài thời gian hoạt động. Tuy nhiên, rủi ro năng lượng do El Nino gây ra cần được theo dõi chặt chẽ hơn, vì nó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng sản xuất khó khăn của Việt Nam, đặc biệt là vào thời điểm nước này đang phải đối mặt với thách thức khi số lượng đơn hàng xuất khẩu sụt giảm.

"Nhìn chung, phẩm chính của Việt Nam dễ bị tổn thương nhất do El Nino là gạo, cà phê. Tình trạng thiếu nước và năng lượng đã bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất chất bán dẫn ở Việt Nam, khiến các nhà chức trách phải dùng đến các biện pháp như công nghệ làm mưa nhân tạo để tăng lượng mưa cũng như cắt giảm phần nào điện năng tại các nhà máy", báo cáo của HSBC nêu rõ.

Chính sách trong thời gian El Nino 2023-2024

Theo HSBC, dựa trên tiền lệ lịch sử, các biện pháp can thiệp chính sách đã được đề xuất và thử nghiệm cùng với nhu cầu toàn cầu suy yếu trong hai năm nữa có thể sẽ giúp giữ cho lạm phát ở ASEAN có thể kiểm soát trong đợt El Nino sắp tới. Tuy nhiên, có những bất ổn xung quanh mức độ và thời gian kéo dài của mùa khô cùng với rủi ro lạm phát tăng cao vẫn còn đáng kể, nhưng những bất ổn này sẽ diễn ra về sau. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là El Nino vẫn là một rủi ro, nhưng điều đó không có nghĩa sẽ làm chệch hướng sự ổn định giá cả ở ASEAN.

Rủi ro chính sách cũng có thể xảy ra và hoàn toàn đổi hướng của triển vọng lạm phát tại ASEAN, đặc biệt là đối với các nền kinh tế cần nhập khẩu lương thực. Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các nước xuất khẩu lương thực sẽ cấm xuất khẩu để quản lý giá nội địa sẽ dẫn đến áp lực lạm phát đáng kể đối với các nền kinh tế nhập khẩu ròng.

"Nhưng nhìn chung, giữa tất cả những lời bàn tán và lo lắng xung quanh đợt El Nino sắp tới, lịch sử cho chúng ta thấy rằng ASEAN thừa khả năng giảm thiểu các tác động bất lợi của mình. Tuy vậy, El Nino vẫn là một rủi ro đáng kể đối với triển vọng lạm phát, nhưng không đảm bảo rằng chúng ta sẽ trải qua một làn sóng lạm phát khác", báo cáo nêu rõ.

Có thể bạn quan tâm