Ngân hàng Thế giới (WB) đang tìm cách mở rộng đáng kể khả năng cho vay của mình để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng toàn cầu khác, đồng thời sẽ đàm phán với các thành viên trước cuộc họp vào tháng 4 về đề xuất tăng vốn và các công cụ cho vay mới, theo một "lộ trình cấp tiến” mà Reuters thu thập được.
Tài liệu lộ trình - được gửi tới các chính phủ thành viên - đánh dấu sự khởi đầu của quá trình đàm phán để thay đổi sứ mệnh và nguồn tài chính của ngân hàng đồng thời chuyển nó ra khỏi mô hình cho vay theo quốc gia và dự án cụ thể như đã được thực hiện kể từ khi thành lập vào cuối Thế chiến thứ hai.
Theo tài liệu, ban lãnh đạo Ngân hàng Thế giới đặt mục tiêu đưa ra các đề xuất cụ thể để thay đổi sứ mệnh, mô hình hoạt động và năng lực tài chính để được Uỷ ban Phát triển chung giữa Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế phê duyệt vào tháng 10.
Người phát ngôn của Ngân hàng Thế giới cho biết tài liệu này cung cấp thông tin chi tiết về phạm vi, cách tiếp cận và thời gian biểu cho quá trình phát triển, với các cập nhật thường xuyên cho các thành viên và các quyết định vào cuối năm.
Duy trì xếp hạng tín dụng AAA
Theo tài liệu, bên cho vay phát triển sẽ khám phá các lựa chọn như tăng vốn mới tiềm năng, thay đổi cơ cấu vốn để cho vay nhiều hơn và các công cụ tài chính như bảo lãnh khoản vay của khu vực tư nhân và các cách khác để huy động thêm vốn tư nhân.
Nhưng Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) dường như chưa sẵn sàng trước yêu cầu của một số tổ chức phi lợi nhuận về việc từ bỏ xếp hạng tín dụng hàng đầu (AAA) để tăng cường cho vay. “Ban lãnh đạo sẽ khám phá tất cả các lựa chọn giúp tăng năng lực của WBG trong khi duy trì xếp hạng AAA của các thực thể WBG."
Ngân hàng cho biết các đề xuất đang được xem xét bao gồm giới hạn cho vay theo luật định cao hơn, yêu cầu về vốn chủ sở hữu để cho vay thấp hơn và sử dụng vốn có thể thu hồi - tiền được cam kết nhưng không được thanh toán bởi các chính phủ thành viên - để cho vay.
Các chuyên gia phát triển cho rằng sự thay đổi này sẽ làm tăng đáng kể quy mô cho vay so với cơ cấu vốn hiện tại chỉ sử dụng vốn thanh toán.
“Những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ”, Ngân hàng cho biết trong tài liệu. "Để WBG tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong phát triển và tài chính khí hậu, sẽ cần nỗ lực phối hợp của cả các thành viên và ban lãnh đạo để nâng cao năng lực tài chính của WBG."
Chưa đủ nguồn tài trợ
Tài liệu lộ trình cảnh báo rằng việc tăng cường cho vay đối với biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe, an ninh lương thực và các nhu cầu khác có thể yêu cầu tăng vốn để nâng cao năng lực của nhánh cho vay thu nhập trung bình của Ngân hàng Thế giới - Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế ( IBRD).
Khoản tăng vốn 13 tỷ USD vào năm 2018 "được thiết kế để chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng quy mô vừa trong một thập kỷ, chứ không phải nhiều cuộc khủng hoảng chồng chéo" bao gồm đại dịch Covid-19, cuộc chiến Nga - Ukraine và tác động của việc gia tăng biến đổi khí hậu. Tài liệu cũng cho biết thêm “bộ đệm khủng hoảng” của IBRD có thể sẽ cạn kiệt vào giữa năm 2023. Bên cạnh đó, sứ mệnh cho vay để giải quyết biến đổi khí hậu mặc dù duy trì kết quả phát triển tốt nhưng sẽ cần thêm nhân viên và nguồn ngân sách, vốn đã giảm 3% theo giá trị thực trong 15 năm qua.
Một lựa chọn khác, theo lộ trình cấp tiến của WB, là các quốc gia thành viên của Ngân hàng Thế giới cần tăng cường đóng góp định kỳ cho quỹ cho vay dành cho các nước nghèo nhất thế giới - Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), vốn đã giảm trong những năm gần đây mặc dù nhu cầu ngày càng tăng.
Lộ trình cũng đưa ra lựa chọn thành lập một quỹ ủy thác cho vay ưu đãi mới dành cho các quốc gia có thu nhập trung bình, tập trung vào hàng hóa công toàn cầu và có cấu trúc tương tự như IDA, với việc bổ sung vốn thường xuyên sẽ tách biệt với cơ cấu vốn của ngân hàng.
“Những Quỹ như vậy có thể thu hút các nguồn lực song phương của nhà tài trợ tách biệt với các dòng ngân sách của WBG, chẳng hạn như các quỹ tư nhân,” Ngân hàng cho biết.