GELEX được chấp thuận mua cổ phần Eximbank

GELEX sẽ được mua cổ phần của Eximbank thông qua phương thức giao dịch khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận qua hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM trong năm 2024...

Theo văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, GELEX sẽ được mua cổ phần của Eximbank thông qua phương thức giao dịch khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận qua hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM trong năm 2024.

Nếu giao dịch thành công, GELEX sẽ nâng tỷ lệ sở hữu dự kiến đến mức 10% vốn điều lệ của Eximbank, trở thành cổ đông lớn của nhà băng này. Đây cũng là mức tỷ lệ mà một cổ đông tổ chức được sở hữu tối đa tại một tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.

Trước đó, ngày 1/7/2024, Eximbank đã công bố danh sách những cổ đông sở hữu trên 1%. Tại thời điểm đó, GELEX cũng đã sở hữu 4,9% cổ phần của nhà băng này. Trong khi 2 cổ đông tổ chức còn lại của Eximbank gồm Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX cũng nắm 3,58% vốn và Công ty Cổ phần Thắng Phương nắm 3,07% vốn.

Hai cổ đông cá nhân nắm giữ trên 1% vốn của ngân hàng này là bà Lê Thị Minh Loan sở hữu 1,03% và bà Lương Thị Cẩm Tú sở hữu 1,12%. Tính chung 5 cổ đông này hiện nắm giữ tổng cộng 13,7% vốn của Eximbank.

GELEX được biết đến là một tập đoàn nghìn tỉ với hệ sinh thái thương hiệu mạnh, với những thương hiệu tên tuổi như CADIVI, THIBIDI hay Viglacera…

Hồi tháng 6 vừa qua, GELEX cũng gây chú ý khi đã hoàn tất chuyển nhượng 3/4 dự án năng lượng tái tạo cho Sembcorp và thu về một khoản lợi nhuận lớn. Bởi vậy, 6 tháng đầu năm, GELEX ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất lên tới 1.770 tỷ đồng.

Trong báo cáo bán niên vừa công bố cho thấy, doanh nghiệp này đã thực hiện 92,1% mục tiêu lợi nhuận của cả năm 2024.

Thời gian gần đây, GELEX cũng đang đẩy mạnh tìm kiếm các đối tác lớn, trong đó có thể kể đến như Sembcorp, Frasers Property. Đây là các tập đoàn hàng đầu đến từ Singapore để đẩy mạnh lĩnh vực năng lượng tái tạo và hạ tầng khu công nghiệp.

Việc được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho mua cổ phần của Eximbank cho thấy định hướng mới trong phát triển của GELEX khi muốn lấn sân sang lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Về phía ngân hàng Eximbank, trong quý 2/2024, ngân hàng thu về 813 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Eximbank, lợi nhuận quý 2 năm nay của ngân hàng tăng mạnh chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh chính với thu nhập lãi thuần (lãi từ cho vay) tăng 38%, mang về hơn 1.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, khoản lãi đột biến hơn 210 tỷ đồng từ hoạt động khác, tăng 189% so với cùng kỳ cũng đóng vai trò động lực tăng trưởng lợi nhuận của nhà băng này trong quý vừa qua. Ngược lại, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối quý 2 năm nay của Eximbank đã giảm 33%, chỉ đạt 123 tỷ đồng.

Bất chấp chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đều tăng trên 20% quý vừa qua, ngân hàng vẫn báo trước thuế tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 1.474 tỷ đồng, tăng 5%. Tuy vậy, so với kế hoạch lợi nhuận đầy tham vọng cả năm nay ở 5.180 tỷ đồng, nhà băng này mới thực hiện được khoảng 28% mục tiêu.

Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của nhà băng này đạt gần 212.000 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Đáng chú ý trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước đã tăng 38% lên gần 5.600 tỷ đồng, trong khi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác lại giảm 27% còn hơn 31.500 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 8% đạt trên 151.300 tỷ đồng. Tổng số dư tiền gửi khách hàng đến cuối quý 2 của Eximbank đạt trên 163.000 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm.

Có thể bạn quan tâm