Dầu thô Mỹ WTI hiện giảm 1,6% về 85,45 USD một thùng, tuần trước có thời điểm xuống 81,2 USD - thấp nhất kể từ tháng 1. Dầu Brent cũng mất 1,4% còn 91,54 USD.
Dầu thô đã mất giá gần 30% kể từ tháng 6, hiện quay về mức tiền xung đột. Nguyên nhân là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Kế hoạch áp trần của Mỹ cũng đã được G7 ủng hộ, nhằm siết nguồn tài chính Nga cấp cho chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Cuối tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ ban hành hướng dẫn thực hiện đề xuất áp trần dầu Nga, tập trung vào các giấy tờ mà khu vực tư nhân cần có để tuân thủ. Các quy định này sẽ có hiệu lực từ tháng 12, ngay khi châu Âu áp vòng trừng phạt mới lên dầu Nga. Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho rằng Moskva không có lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia.
"Hiện tại, có vẻ nhu cầu yếu đang là điều được quan tâm nhất. Các yếu tố làm giảm nhu cầu là nỗi lo lạm phát và Trung Quốc phong tỏa kéo dài", Sean Lim - nhà phân tích dầu khí tại Ngân hàng Đầu tư RHB (Malaysia) nhận định.
Các cuộc đàm phán thỏa thuận hạt nhân của Iran cũng đang được chú ý. Cuối tuần trước, Anh, Pháp, Đức cho biết họ nghi ngờ về cam kết của Tehran. Nếu các bên đồng ý với thỏa thuận mới, lượng dầu mà Iran bơm ra thế giới sẽ tăng đáng kể.
Dù vậy, tuần trước, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OEPC+), trong đó có Nga, đồng ý cắt giảm sản xuất. Họ cũng cảnh báo sẵn sàng giảm thêm nếu tình hình thay đổi.
"Việc OPEC+ sẵn sàng hành động chính là bệ đỡ và là một điểm cộng cho giá dầu", Lim kết luận.