Tại báo cáo tổng quan thị trường bất động sản Hà Nội quý 4/2023 của Savills Việt Nam, nguồn cung khách sạn Hà Nội có hơn 11,2 nghìn phòng từ 70 dự án, tăng 2% theo quý sau khi L7 West Lake chính thức được xếp hạng 5 sao. Nguồn cung này tăng 10% theo năm từ hai dự án được cấp hạng 4 sao và bốn dự án được cấp hạng 5 sao trong 2023.
Trong quý 4/2023, công suất thuê khách sạn tại Hà Nội đạt tới 64%, tăng 3 điểm phần trăm theo quý và 15 điểm phần trăm theo năm. Giá thuê trung bình 2,9 triệu đồng/phòng/đêm tăng 8% theo quý và 16% theo năm.
Trong năm 2023, công suất thuê tăng 21 điểm phần trăm theo năm đạt mức 60% và giá thuê trung bình 2,7 triệu đồng/phòng/đêm, tăng 28% theo năm. Savills cho biết, tình hình hoạt động cải thiện từ các dự án 5 sao như InterContinental Hà Nội Westlake và Sofitel Metropole củng cố cho các sự gia tăng.
Năm qua, ngành du lịch Việt Nam cũng có tăng trưởng tích cực, điều này đã tác động lên thị trường bất động sản lưu trú như khách sạn. Năm 2023, Việt Nam đón 120,6 triệu lượt khách du lịch, tăng 19% theo năm. Lượng khách quốc tế đạt 12,6 triệu lượt, tăng 3 lần so với 2022 và đã vượt mục tiêu của năm 2023 là 8 triệu lượt. Tuy nhiên, vẫn còn cơ hội để phát triển khi con số này mới chỉ bằng 70% so với số liệu năm 2019.
Về số lượng khách quốc tế, khách Hàn Quốc chiếm chủ đạo với 3,6 triệu khách du lịch; theo sau đó là khách Trung Quốc với 1,7 triệu lượt và Đài Loan với 851 nghìn lượt. Các thị trường đáng chú ý khác bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Úc và Ấn Độ.
Riêng ngành du lịch Hà Nội đón 24 triệu lượt khách du lịch, tăng 28% theo năm. Lượng khách quốc tế đạt 4 triệu lượt, tăng 167% theo năm. Lượng khách nội địa đạt 20 triệu lượt, tăng 16% theo năm. Doanh thu từ hoạt động lưu trú tại Hà Nội đạt 10 nghìn tỷ đồng trong năm 2023, tăng 106% theo năm và gần đạt mức 11 nghìn tỷ đồng trong 2019.
Savills dự báo trong 2024 - 2026, dự kiến có 13 dự án với 2.746 phòng đi vào hoạt động. Năm 2024 sẽ có ba dự án gia nhập thị trường, gồm Dusit Hà Nội - Từ Hoa Palace với 207 phòng, Fusion Suites với 238 phòng và Mỹ Đình Pearl giai đoạn 2 với 500 phòng.
Các đơn vị vận hành nội địa dự kiến sẽ chiếm 70% nguồn cung tương lai, với 1.919 phòng từ bảy dự án mới. Trong đó, 74% sẽ tập trung chủ yếu ở khu vực Nội thành. Các đơn vị vận hành quốc tế sẽ mở sáu dự án mới tương đương 827 phòng, chiếm 30% nguồn cung tương lai. Khoảng 62% tổng nguồn cung quốc tế nằm trong khu vực Nội thành.
Về căn hộ dịch vụ trong quý 4/2023, ở Hà Nội nguồn cung có 6.078 căn từ 63 dự án giảm 1% theo quý, do Dolphin Plaza (hạng B) ngừng triển khai căn hộ dịch vụ. Tuy nhiên, nguồn cung tăng 2% theo năm do sự gia nhập từ nửa cuối 2023 của 2 dự án hạng A là Lancaster Luminaire và L7 West Lake.
Tỷ lệ lấp đầy đạt 83%, tăng 2 điểm phần trăm theo quý và theo năm. Căn hộ dịch vụ hạng A có mức tăng trưởng lớn nhất với 4 điểm phần trăm theo quý, đạt mức 81%. Giá thuê đạt 580 nghìn đồng/m2/tháng, ổn định theo quý và tăng 1% theo năm.
Đối với nguồn cung tương lai, báo cáo cho biết, thị trường sẽ có 3.821 căn được ghi nhận trong tương lai. Năm 2024 dự kiến có hai dự án gồm Parkroyal Serviced Suites Hà Nội (hạng A) với 261 căn và Fusion Suites (hạng B) với 193 căn. Năm 2025, 1.905 căn của Tây Hồ View Complex sẽ làm gia tăng nguồn cung hạng A lên 61% so với năm 2023.
“Tây Hồ sẽ chiếm 63% nguồn cung tương lai với 2.423 căn. Đây là khu vực phổ biến với người nước ngoài nhờ các tiện ích ăn uống, giải trí, trường học quốc tế, bệnh viện và công viên. Các đơn vị vận hành quốc tế sẽ chiếm 87% nguồn cung tương lai với 3.309 căn từ chín dự án. Bảy nhà vận hành nội địa dự kiến sẽ cung cấp 521 căn từ bảy dự án”, Savill nêu quan điểm.