Giá vàng ngày 23/4: Giá vàng trong nước và thế giới ngược chiều

Giá vàng trong nước rạng sáng 23-4 tiếp tục đà tăng. Trong khi đó, giá vàng thế giới “lao dốc” do áp lực của lợi suất trái phiếu và đồng USD mạnh.
Giá vàng ngày 23/4: Giá vàng trong nước và thế giới ngược chiều

Giá vàng thế giới

Giá vàng thế giới tiếp tục chịu áp lực mạnh mẽ của lợi suất trái phiếu tăng, đồng USD mạnh hơn và giá dầu thô giảm. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 giảm 14,4 USD xuống còn 1.933,6 USD/ ounce. Vàng giao ngay giao dịch lần cuối ở mức 1.932,3, giảm 18,8 USD so với ngày trước đó.

Giá vàng thế giới giảm mạnh bởi những phát biểu "diều hâu" đến từ người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giúp đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao, làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý. Chủ tịch Fed Jerome Powell tiết lộ việc tăng lãi suất nửa điểm sẽ được thảo luận khi Fed nhóm họp vào tháng 5.

Theo lập trường diều hâu của Fed trong nỗ lực kiềm chế lạm phát đang tăng vọt, lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã kéo dài chuỗi tăng, còn chỉ số USD đạt mức đỉnh mới kể từ tháng 3/2020.

Mặc dù vàng thỏi được coi là tài sản trú ẩn trong thời kỳ lạm phát tăng cao, nhưng việc tăng lãi suất ể sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi không sinh lợi. Kỳ vọng về lãi suất cao hơn cũng đánh vào tâm lý của Phố Wall. 

Với mô hình giao dịch mới nhất, các nhà phân tích nhận thấy một số tín hiệu tăng giá không thể phủ nhận. "Vàng đã đạt mức cao mới và đang củng cố. Hiện tại, nó đang thanh lý do đồng USD cao hơn. Bởi vậy, bất kỳ sự sụt giảm nào của vàng đều là cơ hội mua", theo Sean, đồng giám đốc Walsh Trading Lusk.

Trong khi đó, chuyên gia John LaForge từ hãng Wells Fargo cũng tỏ rõ sự tin tưởng về tiềm năng phát triển của vàng. "Mọi người không nên quá thất vọng bởi hoạt động kém hiệu quả của vàng so với một số kênh đầu tư khác trong tuần này". Bởi, ông cho rằng, giới đầu tư có xu hướng tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn khi tình hình địa chính trị bất ổn và lạm phát tăng cao trong thời gian tới. Bitcoin là tài sản nhận được sự quan tâm lớn nhưng không thể bằng vàng, kênh đầu tư lâu năm và uy tín.

"Nguồn cung vàng đang ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm, đây là dấu hiệu tăng giá cho kim loại quý. Trong lịch sử, nếu điều này xảy ra thì các đợt tăng giá vàng sẽ xuất hiện. Đến bây giờ, tôi không biết điều này lặp lại một lần nữa hay không, nhưng khả năng cao là vẫn có", LaForge cho biết.

Giá vàng trong nước

Giá vàng trong nước rạng sáng 23-4 tiếp đà tăng nhẹ với mức tăng từ 50.000 đồng đến 150.000 đồng/ lượng. Hiện tại giá vàng trong nước đang giao dịch quanh ngưỡng hơn 70 triệu đồng/ lượng ở chiều bán ra.

Rạng sáng, giá vàng DOJI ở khu vực Hà Nội đã tăng 150.000 đồng ở chiều mua ở cả 2 chiều lên lần lượt 69,85 triệu đồng/ lượng mua vào và 70,55 triệu đồng/ lượng bán ra. Vàng DOJI ở khu vực TP Hồ Chí Minh đang giao dịch ở mức 69,8 triệu đồng/ lượng mua vào và 70,5 triệu đồng/ lượng bán ra, tăng 100.000 đồng ở cả hai chiều so với ngày trước đó. 

Vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng rạng sáng 23-4 giao dịch mức 69,8 triệu đồng/ lượng mua vào và 70,52 triệu đồng/ lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với ngày trước đó, giá vàng SJC đã tăng 100.000 đồng/ lượng ở cả hai chiều.

Với giá vàng trong nước tăng và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco là 1.932,3 USD/ ounce, tương đương 53,8 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới được nới rộng. 

Có thể bạn quan tâm