Giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit, Anh gặp khó

Ngày 29/1, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua phương hướng đàm phán của mình về giai đoạn chuyển tiếp sau khi nước Anh rời EU, còn gọi là Brexit.
Giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit, Anh gặp khó

Trong thời kỳ chuyển tiếp được xác định từ 30/3/2019 đến 31/12/2020, Vương quốc Anh sẽ vẫn phải tuân thủ nghĩa vụ như một nước thành viên EU nhưng không có quyền quyết định trong đời sống chính trị của EU. 

Các ngoại trưởng 27 nước EU đã đưa ra các chỉ thị cho Trưởng đoàn đàm phán về Brexit của EU, ông Michel Barnier, để trong tuần này có thể bắt đầu tiến trình thương lượng với người đồng cấp Anh, ông David Davis, về giai đoạn chuyển tiếp.

Trong cuộc họp báo tại Brussels, bà Ekaterina Zaharieva, Phó Thủ tướng Bulgaria, nước Chủ tịch luân phiên EU tuyên bố rằng các Ngoại trưởng EU đã đưa ra nhiệm vụ rõ ràng về những yêu cầu của họ cho giai đoạn chuyển tiếp kéo dài trong 1 năm và 9 tháng, bắt đầu từ ngày 30/3/2019. 

Nữ Phó Thủ tướng Bulgaria nhấn mạnh rằng luật của EU sẽ vẫn được áp dụng trong giai đoạn chuyển đổi trong khi nước Anh không có quyền tham gia vào các thể chế châu Âu cũng như tham gia vào việc ra quyết định của Liên minh châu Âu. 

Cụ thể hơn, London sẽ không còn đại diện tại các thể chế châu Âu nên không có quyền bỏ phiếu, phía Anh cũng không được quyền tham dự vào hầu hết các cuộc họp của EU, ngay cả những cuộc họp có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nước Anh, đơn cử như việc quyết định về hạn ngạch đánh bắt hải sản. Trong khi đó, nước Anh tiếp tục phải tuân thủ các phán quyết của Tòa công lý châu Âu và đóng góp cho ngân sách chung EU. 

Tuần trước, Trưởng đoàn đàm phán của Anh, ông David Davis, đã nhấn mạnh rằng về lý thuyết, Anh có thể tham gia các cuộc thương lượng và ký kết các hiệp định thương mại với bên thứ ba trong quá trình chuyển đổi, tuy nhiên trên thực tế việc này là không khả thi và các hiệp định không thể được áp dụng trước khi giai đoạn chuyển đổi kết thúc. 

London đã yêu cầu một giai đoạn chuyển đổi trong thời gian khoảng 2 năm, nhưng với lý do tránh những rắc rối về tài chính mà các nước EU đã yêu cầu giai đoạn này phải kết thúc vào 31/12/2020, đây cũng là thời điểm kết thúc của giai đoạn ngân sách Liên minh châu Âu được xác định cho thời gian 7 năm. 

Một số nước trong số 27 nước thành viên EU đã yêu cầu rằng giai đoạn chuyển đổi có thể kéo dài hơn để tránh một sự cắt đứt quá đột ngột trong trường hợp EU và Anh không thể đạt được đồng thuận về mối quan hệ tương lai vào thời điểm kết thúc năm 2020. Tuy nhiên đề nghị này đã bị Pháp thẳng thừng từ chối. 

Các phương hướng đàm phán cho giai đoạn chuyển tiếp đã được thông qua sau một cuộc họp diễn ra khoảng gần một giờ. Các Ngoại trưởng EU và bà Zaharieva đã bày tỏ hy vọng một thỏa thuận về giai đoạn này cũng sẽ được phía Anh thông qua.

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…