Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đã hoàn thành cuộc tranh luận đầu tiên ở Atlanta vào tối 27/6 khi cả hai “tăng tốc” tiến tới cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024. Bên cạnh các vấn đề về chính sách đối ngoại, nhận xét của hai ứng cử viên về nền kinh tế Mỹ - từ lạm phát đến giáo dục và thuế quan - là những chủ đề được quan tâm nhiều nhất.
Khi cuộc bầu cử chỉ còn hơn 5 tháng nữa, Business Insider đã phân tích các kế hoạch dự thảo của Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump về các hạng mục kinh tế chính ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân Mỹ, bao gồm sản xuất trong nước, giáo dục, nhà ở, lao động, thuế quan và thương mại.
Phân tích dưới đây dựa trên chính sách và hành động trong quá khứ của các ứng cử viên với tư cách là tổng thống, cũng như những cam kết, hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử năm 2024.
SẢN XUẤT NỘI ĐỊA
Tương lai của ngành sản xuất nội địa sẽ được định hình bởi chính sách kinh doanh và lao động liên bang. Mặc dù tổng thống không có toàn quyền kiểm soát nền kinh tế nhưng Phòng Bầu dục có vai trò hàng đầu trong việc điều chỉnh các yếu tố như tăng trưởng việc làm, ưu đãi thuế và các quy định của ngành.
Trong nhiệm kỳ nắm quyền, cả ông Trump và Biden đều tập trung vào chi phí và lực lượng lao động cho hai ngành công nghiệp lớn của Mỹ: sản xuất ô tô và thép.
Nếu tái đắc cử, ông Joe Biden có kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh duy trì hoạt động sản xuất ô tô ở địa phương và cạnh tranh với ngành công nghiệp ô tô đang phát triển của Trung Quốc.
Ông Donald Trump cũng đã cam kết sẽ bảo vệ các nhà sản xuất ô tô Mỹ. Tại một cuộc vận động tranh cử vào tháng 3, ông nhắc tới kế hoạch tăng thuế đối với ô tô sản xuất ở nước ngoài và cho rằng sẽ có một cuộc “thảm sát” trong ngành ô tô trong nước nếu ông không tái đắc cử.
Khi xe điện trở nên phổ biến, chính quyền Biden mong muốn làm cho xe điện có giá cả phải chăng hơn và đầu tư vào cơ sở hạ tầng sạc trên toàn quốc. Ông Biden cũng đang nỗ lực thúc đẩy sản xuất xe điện của Mỹ và tăng tín dụng thuế cho người lái xe điện. Mặt khác, ông Donald Trump lại cho rằng xe điện có thể mang lại lợi thế cho các nhà sản xuất Mexico và Trung Quốc và do đó, cắt giảm việc làm trong ngành ô tô ở Mỹ.
Về ngành thép, trước việc US Steel Corp đang chờ bán cho Nippon Steel của Nhật Bản với giá 14,9 tỷ USD, Tổng thống Biden đã nói rằng thép nên thuộc sở hữu trong nước nhưng vẫn chưa thực hiện hành động pháp lý để tác động đến thỏa thuận. Khi còn đương chức, ông Donald Trump cũng nỗ lực bảo vệ ngành kim loại Mỹ, áp đặt thuế quan đối với thép và nhôm nhập khẩu.
Đối với các quy định môi trường, ông Joe Biden đã nỗ lực thắt chặt các tiêu chuẩn về ô nhiễm phương tiện giao thông và mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo, trong khi ông Trump kêu gọi dỡ bỏ các khoản tín dụng thuế về năng lượng sạch, thu giữ carbon cũng như đầu tư nhiều hơn vào nhiên liệu hóa thạch.
GIÁO DỤC
Ông Joe Biden và ông Donald Trump đều những khác biệt lớn trong cách nhìn nhận về chính sách giáo dục, đặc biệt là các khoản nợ sinh viên. Kể từ khi ông Biden nhậm chức, Bộ Giáo dục Mỹ đã ban hành một loạt cải cách đối với các chương trình hỗ trợ nợ sinh viên. Ví dụ: sau khi Bộ Giáo dục của chính quyền Trump xử lý số đơn đăng ký tồn đọng cho chương trình Xóa nợ Dịch vụ Công (PSLF) - chương trình xóa nợ sinh viên cho các nhân viên chính phủ và tổ chức phi lợi nhuận sau 10 năm thanh toán đủ điều kiện - chính quyền Joe Biden thiết lập chính sách miễn trừ trong thời gian có hạn. Sáng kiến này cho phép các khoản thanh toán trước đây của sinh viên - từng bị coi là không đủ điều kiện tham gia chương trình - sẽ được tính vào việc xoá nợ.
Trong nhiệm kỳ ông Biden, chính quyền Mỹ đã xóa khoản nợ sinh viên trị giá 153 tỷ USD cho 4,3 triệu người và hứa hẹn sẽ công bố kế hoạch xóa nợ sinh viên mới dù cho Tòa án Tối cao từng bác bỏ nỗ lực đầu tiên của ông. Tuy nhiên, nỗ lực mới đó sẽ khó trở thành hiện thực nếu ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Khi còn đương chức, ông Trump đã làm suy yếu cơ chế bảo vệ người vay trong việc trả nợ, một con đường cứu trợ cho hàng nghìn người đi vay bị các trường lừa đảo. Ví dụ, nhiều cơ sở giáo dục vì lợi nhuận (for-profit) như Cao đẳng Corinthian và Học viện Kỹ thuật ITT đã trình bày sai về chương trình và buộc sinh viên phải gánh khoản nợ mà họ không đủ khả năng chi trả. Mặc dù chính quyền Biden đã thực hiện một loạt các biện pháp cứu trợ cho những người đi vay bị lừa đảo, nhưng những nỗ lực này khó có thể tiếp tục dưới thời Donald Trump nếu ông tái đắc cử.
Nói rộng hơn, những người vay nợ sinh viên có thể sẽ phải đối mặt với những kết quả rất khác nhau dưới thời Tổng thống Biden hoặc Trump. Ngoài ra, Bộ Giáo dục có thể sẽ phải đối mặt với nhiều đợt cắt giảm ngân sách hơn dưới thời Donald Trump. Khi còn đương chức, ông Trump đã đề xuất cắt giảm hàng tỷ USD, trong đó có việc loại bỏ cả PSLF.
Tuy nhiên, ông ủng hộ việc giới hạn số tiền mà cha mẹ có thể vay thông qua các khoản vay PLUS - những khoản vay mà cha mẹ có thể vay để trang trải toàn bộ chi phí giáo dục cho con cái họ. Những khoản vay này có lãi suất cao nhất trong các khoản vay sinh viên liên bang, khiến chúng rất khó trả hết sớm.
NHÀ Ở
Chi phí nhà ở là một thách thức lớn đối với cả Joe Biden và Donald Trump. Tình trạng của thị trường nhà đất có thể được tóm tắt bằng hai số liệu thống kê thuyết phục: Trong một cuộc khảo sát của Gallup với 1.013 người tham gia cho thấy, 78% người cho rằng đây là thời điểm tồi tệ để mua nhà.
Nhà ở giá rẻ là mối quan tâm hàng đầu đối với ông Biden, người nhận thức được mức độ quan trọng của vấn đề có thể ảnh hưởng hoặc phá vỡ nỗ lực tái tranh cử của ông. Trong nhiều thập kỷ, nguồn cung nhà ở tại Mỹ không thể theo kịp nhu cầu. Sau cuộc Đại suy thoái và trong suốt đại dịch Covid-19, vấn đề này chỉ ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Ông Biden cũng nỗ lực kêu gọi việc chuyển đổi văn phòng thành nhà ở, đồng thời nói thêm rằng chính quyền sẽ tạo ra một chương trình để giúp cộng đồng xây dựng và cải tạo nhà ở hoặc chuyển đổi không gian văn phòng trống thành nhà ở dân cư. Những chuyển đổi như vậy ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây khi nhiều công ty không gia hạn hợp đồng thuê văn phòng bởi nhân viên có thể làm việc từ xa.
Ông Donald Trump cũng đã tập trung vào vấn đề này. Khi vận động tranh cử ở Iowa, ông nói rằng chìa khóa để giảm chi phí nhà ở là giảm chi phí năng lượng. Tuy nhiên, các cam kết của ông Trump trước đây về nhà ở giá rẻ đã gặp phải nhiều xáo trộn. Vào năm 2019, ông đã thành lập một hội đồng quản lý để loại bỏ những trở ngại đối với việc xây dựng nhà ở giá rẻ. Nhưng trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông cũng cắt giảm nhiều ngân sách của Bộ Phát triển Nhà ở và Đô thị. Vào năm 2020, ông tìm cách kết thúc chương trình Tài trợ Khối Phát triển Cộng đồng và cho rằng các chính sách nhà ở được xử lý tốt nhất ở cấp tiểu bang và địa phương.
LAO ĐỘNG
Khi nắm quyền, ông Biden đã ưu tiên thông qua luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng, với một trong những điểm nổi bật nhất là tạo ra hàng nghìn công việc được trả lương cao cho công đoàn. Và năm ngoái, Bộ Lao động của Joe Biden đã điều chỉnh một quy tắc trong cách tính lương hiện hành cho công nhân xây dựng, với những thay đổi mang lại cho họ mức lương cao hơn và nhiều biện pháp bảo vệ tại nơi làm việc.
Vào tháng 1, Biden đã nhận được sự ủng hộ của United Auto Workers sau khi tham gia biểu tình cùng công đoàn. Chủ tịch UAW Shawn Fain từng tuyên bố: "Joe Biden đặt niềm tin vào công nhân Mỹ trong khi Donald Trump đổ lỗi cho công nhân Mỹ”.
Về phía mình, ông Donald Trump lại thành công trong việc giành được sự tán thành từ các hiệp hội cảnh sát có ảnh hưởng như Hiệp hội Sĩ quan Cảnh sát Michigan và Hiệp hội Từ thiện Cảnh sát Florida. Sứ mệnh của ông Trump rất rõ ràng: Ông muốn giành được sự ủng hộ của nhiều công đoàn tại các bang chiến trường như Michigan và Wisconsin.
Ông Trump cũng biến nền kinh tế trở thành điểm nổi bật trong chiến dịch tranh cử của mình, đề cao tỷ lệ thất nghiệp trước Covid-19 ở mức thấp, đặc biệt là trong nhóm người Mỹ da đen. Trong cả tháng 9/2019 và tháng 2/2020, tỷ lệ thất nghiệp chung đạt 3,5%, vào thời điểm đó là mức thấp nhất trong 50 năm.
Trong khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1/2021, tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch Covid-19, ở mức 6,4%. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp đã chạm mức thấp hiện nay là 3,4% trong cả tháng 1/2023 và tháng 4/2023, một con số chưa từng thấy kể từ năm 1969. Nhìn chung, tỷ lệ thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm nay trung bình ở mức 4%.
THUẾ QUAN
Đầu năm nay, đội ngũ của chính quyền Joe Biden đã công bố các kế hoạch thuế quan cho chiến dịch tranh cử 2024. Họ chủ yếu tập trung vào việc đảm bảo các tập đoàn lớn và những người giàu có phải trả một mức thuế thu nhập mà ông Biden cho là công bằng đối với tất cả mọi người. Kế hoạch sẽ tìm cách tăng thuế suất doanh nghiệp từ 21% lên 28% và mức thuế doanh nghiệp tối thiểu từ 15% lên 21%.
Điều này khác với kế hoạch thuế của Trump, với Đạo luật Cắt giảm thuế và Việc làm năm 2017 của ông đã thiết lập mức thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 35% xuống 21% và ông Trump sẽ duy trì tỷ lệ đó, Bloomberg đưa tin.
Ngoài ra, ông Biden muốn yêu cầu các tỷ phú, top 1% giàu nhất hoặc những người có tài sản từ 100 triệu USD trở lên, phải đóng thuế ít nhất 25% thu nhập của họ hàng năm.
Trong khi Trump vẫn chưa công bố kế hoạch thuế chi tiết, nhiều điều khoản trong luật thuế năm 2017 của ông sẽ hết hạn vào năm 2025.
Tuy nhiên, kế hoạch thuế của ông Biden sẽ hỗ trợ và kéo dài thời gian cắt giảm thuế từ thời Donald Trump đối với các hộ gia đình có thu nhập dưới 400.000 USD một năm. Do các đảng viên Đảng Dân chủ và ông Biden cùng đồng lòng gia hạn một số biện pháp cắt giảm thuế đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, nên có khả năng sẽ có một số thỏa thuận lưỡng đảng về thuế dù người chiến thắng trong chiến dịch tranh cử sắp tới là ai.
Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt đáng kể về mức thuế mà các cá nhân và tập đoàn giàu có phải chịu.
THƯƠNG MẠI
Về thương mại, trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Trump đã áp đặt các mức thuế sâu rộng chưa từng có đối với hàng hóa nhập khẩu. Việc áp thuế quan của Trump dựa trên Mục 232, một điều khoản của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962, cho phép cựu Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross chỉ định một số hàng nhập khẩu là rủi ro an ninh quốc gia.
Cựu tổng thống Mỹ không ngại sử dụng quyền lực này để chống lại các quốc gia khác, điều khiến nhiều nhà lãnh đạo châu Âu và Canada phẫn nộ. Đáp lại, các quốc gia khác cũng thực hiện các biện pháp “ăn miếng, trả miếng”.
Nhưng những tranh chấp đó chẳng là gì so với phản ứng của Trung Quốc. Bắc Kinh - cho đến nay là mục tiêu lớn nhất của thuế quan và các hành động thương mại khác của ông Trump - đã phản ứng gay gắt thông qua việc đình chỉ mua hàng xuất khẩu nông sản Mỹ và áp đặt các mức thuế quan trả đũa. Ông Trump và Trung Quốc cuối cùng cũng công bố một thỏa thuận nhằm xoa dịu căng thẳng song phương, nhưng Bắc Kinh chưa bao giờ mua thêm hàng hóa của Mỹ theo như thỏa thuận "Giai đoạn 1".
Khi còn là ứng cử viên, ông Joe Biden nhiều lần chỉ trích cuộc chiến thương mại của Donald Trump với Trung Quốc.
Với tư cách là tổng thống, ông Biden đã môi giới một thỏa thuận với Liên minh châu Âu để chấm dứt phần lớn thuế quan của Trump đối với các quốc gia thành viên. Nhưng ông Biden lại hầu như không đụng tới thuế quan của Trump đối với Trung Quốc. Trên thực tế, Tổng thống Joe Biden còn muốn tăng gấp ba mức thuế của Mỹ đối với thép Trung Quốc và gần đây cũng áp đặt mức thuế cao hơn đối với xe điện, pin mặt trời và các hàng hóa khác.
Nếu trở lại nắm quyền, ông Trump muốn áp thêm thuế quan, từ mức thuế cố định 10% đối với mọi sản phẩm vào Mỹ cho đến mức thuế 100% đối với tất cả ô tô nhập khẩu.