Mới đây, báo cáo phát triển bền vững hàng năm của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô và thương nhân (SMMT) là hiệp hội thương mại cho ngành công nghiệp ô tô Vương quốc Anh, cho biết việc sản xuất xe hơi đã đạt mức tăng trưởng thứ 8 liên tiếp với doanh thu kỷ lục 82 tỷ bảng, tăng 5,3% và tăng trưởng việc làm 2,8%, mặc dù sản lượng giảm 4% (giảm 1,75 triệu xe).
Hơn 850.000 người được tuyển dụng trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Anh. Trong đó, nhà máy Sunderland của Nissan sử dụng 7.000 người, sản xuất nửa triệu xe một năm, chiếm 1/3 tổng số xe của hãng; Rolls Royce và Mini đều thuộc sở hữu của tập đoàn BMW, có 9.000 nhân viên ở bốn địa điểm khác nhau ở Vương quốc Anh,...
Hãng xe hơi BMW (Đức) cảnh báo, trước tác động của Brexit các hãng xe hơi có thể di chuyển sản xuất sang nước khác, vì khó có thể nhập linh kiện một cách nhanh chóng và nhiều vấn đề khác.
Vào hồi tháng 6-2018, đại diện của nhà chế tạo ô tô BMW tại nước Anh, Ian Robertson cho biết BMW không xem xét tới phương án rời địa điểm sản xuất ra khỏi Vương quốc Anh, bất chấp sự thiếu chắc chắn liên quan đến vấn đề Brexit.
Tuy nhiên, mới đây, hãng xe BMW đã công bố nhà máy sản xuất loại xe mini tại Oxford sẽ đóng cửa từ ngày 01/4/2019 - vài ngày sau khi Anh rời khỏi khối EU (29/3/2019). Khoảng 60% trong số 378.000 xe Mini do BMW sản xuất, năm ngoái đã ngừng sản xuất tại Oxford.
Còn hãng xe Jaguar Land Rover đã đưa ra những cảnh báo liên quan đến những thỏa thuận Brexit sẽ khiến công ty mất hàng tỷ USD và gây ra những hiểm họa cho các khoản đầu tư trong tương lai tại Anh. Ralf Speth, người đứng đầu Jaguar Land Rover, lo ngại công việc của nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Anh có thể trì hoãn và cho biết hàng chục ngàn việc làm có thể bị mất.
Không riêng gì các hãng xe ô tô, mà ngay cả Airbus và Siemens cũng dọa sẽ rút một số hoạt động ra khỏi Anh khi nước này rời khỏi EU. Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus cảnh báo, hãng này sẽ rút khỏi Anh trong trường hợp nước này rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào.
Phó chủ tịch của Tập đoàn Airbus Katherine Bennett cho biết: "Nếu không có thỏa thuận, chúng tôi sẽ phải xem xét kế hoạch đầu tư một cách nghiêm túc vào Anh. "Brexit không thỏa thuận" sẽ là một thảm họa đối với nước Anh cũng như Airbus". Theo Airbus, hiện có hơn 10.000 lao động làm việc trong hai nhà máy của hãng tại Anh. Giám đốc sản xuất máy bay Airbus Tom Williams cảnh báo rằng nếu Anh rời khỏi EU mà không có một thỏa thuận sẽ "trực tiếp làm ảnh hưởng đến tương lai của Airbus ở Anh".
Trước tình hình trên, Thủ tướng Theresa May khẳng định nước Anh sẽ áp dụng mức thuế suất doanh nghiệp thấp nhất trong nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Ngoài ra, Anh còn khởi động hệ thống nhập cư mới để bảo đảm cho các doanh nghiệp có thể thu hút những nhân tài sáng giá nhất.
Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng cũng cảnh báo rằng, việc cắt giảm lao động có tay nghề thấp của Chính phủ Anh sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với các ngành điều dưỡng, xây dựng, chế biến thực phẩm và khách sạn. Điều đáng chú ý là trong chính sách nhập cư mới được Anh đưa ra sẽ không có ưu tiên đặc biệt nào cho các công dân EU so với các công dân khác trong việc xin visa vào làm việc tại Anh.