Hòa Bình tích cực hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững

Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn là mục tiêu quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ nêu rõ tại Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 - Chương trình hành động Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030.

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), trong đó đã làm rõ định nghĩa về tiêu dùng bền vững và quy định những chính sách quan trọng để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững tại Việt Nam.

Thực thi các quy định pháp luật, các chính sách trên, thời gian qua tỉnh Hòa Bình đã xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Để cụ thể hơn về những hành động của tỉnh này, phóng viên Thương gia đã có cuộc trao đổi với ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Chào ông, với cương vị là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, xin ông cho biết về tầm quan trọng của sản xuất và tiêu dùng bền vững đối với địa phương?

Sản xuất và tiêu dùng bền vững là việc sử dụng hàng hóa và dịch vụ đáp ứng các nhu cầu cơ bản và mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn, đồng thời với việc giảm thiểu sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các nguyên liệu độc hại và giảm phát thải các chất ô nhiễm trong toàn bộ vòng đời sản phẩm với mục tiêu không gây nguy hại cho các thế hệ tương lai.

Xu hướng chung hiện nay là phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững là quan điểm và mục tiêu phát triển chung, đồng thời người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tiêu dùng thông minh, bền vững, cũng như những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường ngay từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và sử dụng sản phẩm.

Tiêu dùng ngày nay không chỉ đòi hỏi sự thông minh về chất lượng sản phẩm, mà còn đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về tính xã hội và tính nhân văn của từng sản phẩm, thay đổi mẫu hình sản xuất và tiêu thụ theo hướng bền vững đang được coi là cách tiếp cận hiệu quả và toàn diện nhằm đạt mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Có thể thấy tiêu dùng bền vững chính là chìa khóa cho công cuộc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng, có tầm quan trọng đặc biệt ảnh hưởng chính tới chuỗi sản xuất, phân phối, người tiêu dùng.

Theo tinh thần chỉ đạo của Quyết định 889/TTg, tỉnh Hòa Bình đã có những chương trình hành động cụ thể như thế nào, thưa ông?

Nhận thức được tầm quan trọng của mục tiêu đề ra, đồng thời hòa nhập chung với xu thế sản xuất, tiêu dùng bền vững trên cả nước tỉnh Hòa Bình đã khẩn trương ban hành Quyết định số 2583/QĐ-UBND về triển khai thực hiện Quyết định số 889/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, chỉ đạo các Sở, Ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện các nhiệm vụ hướng tới sản xuất sạch hơn, tiêu dùng bền vững.

Trên cơ sở Quyết định tỉnh Hòa Bình đã lồng ghép, triển khai nhiều Đề án, Chương trình, Kế hoạch. Ví dụ như Đề án Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch Bảo vệ môi trường ngành Công Thương tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025; Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, và đặc biệt là Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”.

Qua những Đề án, Chương trình, Kế hoạch tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ khoảng 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 60% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 55% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng sạch, thân thiện với môi trường; 70% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.

Đặc biệt, tập trung hỗ trợ các đối tượng là các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ và vừa để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực như nông, lâm, thủy sản, xây dựng, hàng tiêu dùng, cơ khí chế tạo, điện – điện tử... với hệ thống các siêu thị, trung tâm phân phối bán lẻ. Từ đó, hình thành mối liên kết chặt chẽ là sản xuất xanh - phân phối xanh - tiêu dùng xanh.

Thưa ông, trong quá trình thực thi các quy định, các chính sách về sản xuất và tiêu dùng bền vững tỉnh Hòa Bình đã đối diện với những bất cập, khó khăn gì?

Khó khăn đầu tiên, Hoà Bình là một tỉnh miền núi, đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực ứng dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến còn hạn chế, dẫn đến trong quá trình hoạt động sản xuất gây ra sự hao phí lớn về năng lượng. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, kèm theo khó khăn về tài chính cũng không cho phép những doanh nghiệp này đầu tư trang thiết bị hiện đại để có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, trình độ tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, hiện đại thân thiện với môi trường còn hạn chế.

Tiếp đến, một số doanh nghiệp còn nhầm lẫn giữa hoạt động hỗ trợ, giám sát kỹ thuật áp dụng sản xuất sạch hơn với các hoạt động thanh, kiểm tra về môi trường.

Để triển khai các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững đảm bảo được sâu rộng và đạt được các mục tiêu đề ra, thời gian tới tỉnh Hòa Bình sẽ có những hành động gì tiếp theo, thưa ông?

Bên cạnh việc bám sát Quyết định của Thủ tướng, tỉnh Hòa Bình sẽ bố trí nguồn kinh phí dài hạn và hàng năm phù hợp với thực trạng và điều kiện đặc thù của tỉnh. Song song đó, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể tại Quyết định số 2583/QĐ-UBND.

Để thực hiện có hiệu quả, tỉnh Hòa Bình sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát, góp ý ban hành các tiêu chí, công cụ hướng dẫn về sản xuất và tiêu dùng bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; chính sách khuyến khích, ưu đãi tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường; các chính sách, tiêu chuẩn, hướng dẫn về nhãn sinh thái, về thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng. Trên cơ sở hướng dẫn của các Bộ, ngành triển khai xây dựng tài liệu tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về sử dụng hiệu quả tài nguyên, thiết kế bền vững, sản xuất bền vững, phân phối bền vững; mua sắm bền vững… phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn quản lý.

Hoà Bình đang triển khai các điểm kinh doanh xanh

Bố trí kinh phí để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến các nhóm nhiệm vụ ưu tiên nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, thay đổi thói quen tiêu dùng của các tầng lớp nhân dân, nâng cao ý thức cộng đồng và thúc đẩy quá trình sản xuất bền vững, tiêu dùng bền vững hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, trong đó ưu tiên các nội dung: hoạt động truyền thông nâng cao ý thức cộng đồng, doanh nghiệp, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề về sản xuất và tiêu dùng bền vững; tham gia xây dựng định mức tiêu hao nguyên liệu trong các ngành công nghiệp, trong đó chú trọng đến một số ngành trọng yếu như: dệt may, nhựa, hóa chất, xi măng, rượu bia, giấy, chế biến thuỷ hải sản và một số ngành sản xuất khác.

Ngoài ra, xây dựng thí điểm mô hình thu hồi, tái sử dụng và tái chế chất thải trong sản xuất chế biến, các mô hình quản lý tổng hợp khai thác, chế biến và chế tạo, sản xuất và sử dụng bền vững nhiên liệu, nguyên liệu cho các ngành công nghiệp; xây dựng "Điểm kinh doanh xanh"; Hỗ trợ doanh nghiệp đồng bộ cả chiều rộng và chiều sâu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại chính các doanh nghiệp để triển khai.

Bên cạnh đó, tăng cường xúc tiến thương mại, thúc đẩy, hỗ trợ, mở rộng liên kết giữa các nhà: Nhà sản xuất – Nhà phân phối – Người tiêu dùng….

Có thể bạn quan tâm