Tổng giám đốc Vũ Quang Hưng cho biết, ông quyết định nghỉ việc ở doanh nghiệp Nhà nước có tính ổn định cao để thành lập công ty riêng với mục đích, sớm đưa công nghệ sàn bóng BubbleDeck và sàn Ubot ứng dụng vào cuộc sống bởi công nghệ này có rất nhiều ưu việt nhưng chưa được ứng dụng rộng rãi trong các công trình xây dựng.
Điều thuyết phục ông lớn nhất ngay khi vừa biết tới công nghệ trên chính là việc giúp người dùng sản phẩm này giảm rất nhiều chi phí và đặc biệt, sản phẩm rất thân thiện với môi trường – Điều mà ông đang theo đuổi để tạo nên những công trình xanh trong tương lai.
Ông có thể chia sẻ, xuất phát từ đâu mà ông tiếp cận được công nghệ nói trên?
Trước khi thành lập Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghệ mới Việt Nam (Newteccon) và sau này là Hưng Trường Phát, tôi đã có thời gian làm việc tại Tổng công ty Licogi 4 năm từ 2008 – 2012. Trong thời gian này, một bài toán khó được đặt ra đối với dự án Licogi 13 Tower là làm sao để có thể xây thêm 5 tầng so với bản thiết kế ban đầu nhưng vẫn đảm bảo độ an toàn cho cả toà nhà. Bởi ban lãnh đạo muốn chớp lấy thời cơ tăng lợi nhuận khi thị trường bất động sản đang bắt đầu dậy sóng.
Ngặt nỗi, dự án đã xây xong phần móng và đang hoàn thiện tầng hầm nên không thể thay đổi kết cấu.
May mắn vào thời điểm đó tôi đã tiếp cận được công nghệ sàn bóng BubbleDeck. Công nghệ này không chỉ giúp tôi và ban lãnh đạo Licogi giải được bài toán hóc búa trên mà còn mang lại lợi nhuận cho công ty gần trăm tỷ đồng.
Những ưu điểm nào của BubbleDeck đã thuyết phục được ban lãnh đạo Licogi trong bối cảnh lúc bấy giờ công nghệ này còn quá mới tại Việt Nam, thưa ông?
BubbleDeck là công nghệ sàn mới, rất thành công tại châu Âu từ những năm đầu thành lập. Công nghệ này do giáo sư Jorgen Breuning người Đan Mạch sáng chế vào năm 1993, sau đó phát triển rất nhanh tại Đan Mạch và lan tỏa khắp thế giới.
Có thể nói BubbleDeck là một công nghệ thi công sàn bê tông cốt thép mang tính cách mạng trong xây dựng. Tôi gọi là cách mạng bởi công nghệ này sử dụng những quả bóng bằng nhựa tái chế để thay thế phần bê tông không tham gia chịu lực ở thớ giữa của bản sàn, làm giảm đáng kể trọng lượng bản thân kết cấu và tăng khả năng vượt nhịp lên khoảng 50%. Bản sàn BubbleDeck phẳng, không dầm, liên kết trực tiếp với hệ cột, vách chịu lực, có nhiều ưu điểm về mặt kỹ thuật và kinh tế. Cụ thể, tạo tính linh hoạt cao trong thiết kế, có khả năng áp dụng cho nhiều loại mặt bằng công trình; Giảm tới 35% trọng lượng bản thân kết cấu, từ đó giảm kích thước hệ kết cấu cột, vách, móng; Tăng khoảng cách lưới cột, giảm hệ tường, vách chịu lực; Giảm thời gian thi công và các chi phí dịch vụ kèm theo; Tiết kiệm khối lượng bê tông thi công: 2,3kg nhựa tái chế thay thế cho 230kg bê tông/m (BD 280) và rất thân thiện với môi trường khi giảm lượng phát thải năng lượng và khí C02 (khí nhà kính).
Ngoài ưu điểm trên, BubbleDeck còn thuyết phục được ban lãnh đạo Licogi bởi công nghệ này giúp chúng ta linh hoạt trong thiết kế kiến trúc, có tính cách âm, cách nhiệt tốt và khả năng chống cháy nổ, giảm tác dụng động đất vượt trội. Với công nghệ BubbleDeck, việc thi công tấm sàn có thể tiết kiệm tới 50% lượng bê tông so với sàn truyền thống, giảm thời gian lắp dựng mỗi sàn xuống 5 đến 7 ngày, giảm tải trọng bản thân tấm sàn cũng như tải trọng lên phần móng công trình và góp phần tích cực vào công tác bảo vệ môi trường. Với những ưu điểm đó, khi áp dụng công nghệ này sẽ giúp chủ đầu tư giảm chi phí trung bình khoảng 15% so với những dự án không ứng dụng BubbleDeck.
Ông quyết định thành lập doanh nghiệp để có thể tự tay đưa công nghệ này vào các công trình cũng vì những ưu điểm đó?
Đúng vậy. Sau khi áp dụng công nghệ này vào dự án Licogi 13 Tower, Tổng công ty còn áp dụng vào một vài công trình khác nữa. Tuy nhiên con số chỉ dừng lại ở đó bởi một vài nguyên nhân khách quan.
Là người nắm rõ những ưu điểm của BubbleDeck, nên khi đề án ứng dụng công nghệ này vào trong các dự án của Licogi không được ban lãnh đạo duyệt, tôi đã quyết định xin nghỉ việc để thành lập công ty riêng. Tôi muốn tự mình mang những ưu việt của công nghệ trên vào những công trình xây dựng trải dài trên mọi miền tổ quốc.
Được biết ngoài công nghệ sàn bóng BubbleDeck, sau này Hưng Trường Phát còn cung cấp ra thị trường công nghệ sàn Ubot. Ubot có ưu điểm gì để Hưng Trường Phát tự tin giới thiệu tới khách hàng của mình, thưa ông?
Ubot (U-Boot beton) là hộp định hình tạo rỗng làm từ nhựa tái sinh Polypropylene, được sử dụng để tạo nên sàn phẳng không dầm vượt nhịp lớn. Đây là giải pháp kết cấu sàn nhẹ tối ưu đã được sử dụng trong ngành xây dựng, sáng chế bởi tập đoàn nổi tiếng thế giới Daliform, Italia. Công nghệ đã được ứng dụng rộng rãi và phổ biến trong hàng ngàn công trình khắp thế giới.
Ưu điểm vượt trội của Ubot để chúng tôi tự tin giới thiệu tới khách hàng đó là có thể xếp chồng lên nhau, dễ dàng vận chuyển, bảo quản ngoài trời và đặc biệt không dễ vỡ. Hình dáng cải tiến, độ dày và kích thước linh hoạt cùng khả năng chống cháy tốt. Trong và sau quá trình đổ bê tông, Ubot không bị biến dạng do trọng lượng bê tông hoặc do các hoạt tải.
So với sàn bê tông cốt thép truyền thống, sử dụng sàn Ubot sẽ giúp sàn phẳng, không dầm tạo chiều cao thông thủy lớn, giảm độ dày của hệ thống dầm sàn, dễ dàng lắp đặt hệ thống đường ống kỹ thuật, đồng thời cũng tăng tính thẩm mỹ cho công trình.
Một ưu điểm nữa của sàn nhẹ Ubot chính là hệ thống lướt cột. So với sàn truyền thống, hệ sàn nhẹ Ubot tiết kiệm số lượng và tiết diện cột, thuận tiện hơn trong việc bố trí cột một số công trình cần không gian mở như: trung tâm thương mại, hầm xe, tòa nhà dân dụng…
Sử dụng sàn Ubot còn giúp giảm độ dày của hệ thống dầm sàn; tăng số lượng tầng; tăng khả năng cách âm, cách nhiệt; giảm trọng lượng sàn từ 10-30% so với sàn thông thường; giảm tổng trọng lượng sàn xuống móng từ 10 – 30%; giảm kích thước móng; thân thiện với môi trường; giảm chi phí phần cơ điện…
Với những ưu điểm trên, nếu thi công Ubot sẽ tiết kiệm được 10 - 20% tổng chi phí công trình nhờ tiết kiệm được từ 10-30% chi phí bê tông, cốt thép, cốp pha, nhân công, hệ thống kỹ thuật…
Như ông chia sẻ, với những ưu điểm đó, dự kiến trong thời gian tới hai công nghệ này sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn nữa trong những công trình xây dựng. Trước xu thế được dự báo trước này, Hưng Trường Phát đã có định hướng phát triển như thế nào trong thời gian tới?
Trong gần 10 năm qua, hàng trăm công trình xây dựng đã ứng dụng hai công nghệ này do Hưng Trường Phát cung cấp tuy nhiên mới dừng ở thị trường miền Bắc là chủ yếu. Do đó tôi muốn đưa công nghệ này ứng dụng rộng rãi hơn nữa tại thị trường miền Trung và miền Nam để tư duy dùng giải pháp và kết cấu vật liệu xanh bảo vệ môi trường dần trở thành ưu tiên hàng đầu với các chủ đầu tư, các công ty tư vấn kiến trúc, công ty xây dựng và sẽ là giải pháp thi công đại trà trong tương lai gần trên phạm vi cả nước.
Xây dựng là một ngành công nghiệp sử dụng khối lượng vật liệu nhiều nhất. Đây cũng là ngành sử dụng lượng các nguồn tài nguyên thiên nhiên như cốt liệu, khoáng sản, đất, nước, năng lượng, cây xanh... lớn nhất để xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông… Đồng thời ngành này cũng thải ra môi trường lượng lớn các chất thải như chất thải rắn, khí gây hiệu ứng nhà kính, tiếng ồn… gây ô nhiễm môi trường. Để góp phần bảo vệ môi trường sống hiện tại và cho các thế hệ tiếp theo thì việc sử dụng các loại vật liệu mới thân thiện với môi trường, hạn chế tàn phá thiên nhiên theo tôi là điều cấp thiết.
Xin cảm ơn ông!