Hơn 500 gian hàng tại Triển lãm Nội thất Quốc tế Việt Nam – VIFF 2019

Lần đầu tiên, một triển lãm quốc tế quy mô lớn về nội thất diễn ra tại Việt Nam, quy tụ hơn 100 doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Ngành chế biến xuất khẩu gỗ của Việt Nam có thể đạt giá trị 11 tỷ USD trong năm 2019.
Hơn 500 gian hàng tại Triển lãm Nội thất Quốc tế Việt Nam – VIFF 2019

Triển lãm Nội thất Quốc tế Việt Nam – VIFF 2019 do Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương - BIFA, Công ty CP Hội chợ Triển lãm Việt Nam - VIETFAIR và Hiệp Hội các nhà sản xuất đồ gỗ Đài Loan - TFMA tổ chức, sẽ diễn ra từ ngày 27/11 - 30/11/2019 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn – SECC (799 Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM).

VIFF 2019 có quy mô hơn 500 gian hàng, trưng bày các sản phẩm nội thất phòng ngủ, phòng ăn, kệ bếp, ván sàn, sofa, bàn ghế văn phòng, bàn ghế ngoài trời... Đây là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của ngành gỗ, nội thất.

Theo thông tin từ Ban tổ chức, hiện sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt ở thị trường 120 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 4.700 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, xuất khẩu đồ gỗ. Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á và thứ nhất Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu; chiếm 6% thị phần sản phẩm gỗ toàn cầu và còn nhiều dư địa để phát triển.

Nhiều doanh nghiệp có nguồn vốn lớn, năng lực quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ mới, nên bước đầu đã phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ.

Giá trị xuất khẩu lâm sản 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 7,93 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó: Sản phẩm gỗ các loại đạt 5,32 tỷ USD; gỗ nguyên liệu đạt 2,10 tỷ USD; lâm sản ngoài gỗ: 417,2 triệu USD.

Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản có mức tăng trưởng ổn định từ 17-19% qua các tháng. Trong đó, gỗ tăng 10,6% và sản phẩm gỗ tăng 19,5% so với cùng kỳ do các đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản và EU tăng cao và ổn định; một số mặt hàng có giá bán xuất khẩu cao hơn như dăm gỗ đạt trung bình 137 USD/tấn, tăng hơn khoảng 10 USD/tấn so với năm 2018 đã đưa giá trị xuất khẩu dăm gỗ tăng hơn 26,2% so với cùng kỳ 2018.

Việt Nam đang phấn đấu trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ có thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế trong 10 năm tới. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ năm 2019 đạt 11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12 đến 13 tỷ USD; năm 2025 đạt 18 đến 20 tỷ USD.

Việt Nam cũng đã phê chuẩn và đang triển khai lộ trình của các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Hiệp định Đối tác Toàn diện xuyên Thái Bình Dương CPTPP và Việt Nam - EU (EVFTA) giúp thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của các nước tham gia hiệp định sẽ tiếp tục được cắt giảm hoặc xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Thêm vào đó, Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) đã được ký kết với các quốc gia tạo thuận lợi cho Việt Nam do lợi thế cắt giảm thuế quan, cam kết giảm thiểu các hàng rào phi thuế quan. Đây đều là những cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp gỗ Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.

Có thể bạn quan tâm