Theo các quy tắc được phát hành vào cuối tháng 11/2020 ở Indonesia, một loại giấy phép đăng ký bắt buộc sẽ cấp cho các cơ quan chức năng quyền hạn yêu cầu các nền tảng tiết lộ dữ liệu của một số người dùng nhất định và gỡ bỏ các nội dung bị coi là bất hợp pháp hoặc "gây rối trật tự công cộng" trong vòng bốn giờ nếu khẩn cấp hoặc 24 giờ tuỳ trường hợp.
Một số công ty công nghệ đã gấp rút đăng ký trong những ngày trước thời hạn, vốn đã được kéo dài đến 29/7 năm nay, bao gồm Facebook, Instagram và WhatsApp của Meta Platforms, cũng như Amazon.
Mới đây, một quan chức cấp cao của Bộ Truyền thông Indonesia, Semuel Abrijani Pangerapan cho biết trong một tin nhắn văn bản rằng các trang web đã bị chặn vì thiếu loại giấy phép này bao gồm Yahoo, PayPal và các trang web chơi game như Steam, Dota2, Counter-Strike và Epic Games, …
PayPal, công ty mẹ của Yahoo, Apollo Global Management và nhà phát triển game Valve Corporation của Mỹ, điều hành Steam, Dota và Counter-Strike, đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận.
Tuy nhiên, thông báo trên từ cơ quan quản lý đã khiến một bộ phận người dùng internet nổi giận, với các hashtag như #BlokirKominfo (chặn Bộ Truyền thông), #Epic Games hay #PayPal đều thịnh hành trên Twitter Indonesia, với nhiều bài viết chỉ trích động thái của chính phủ đã làm tổn thương ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến của Indonesia và những người làm việc tự do sử dụng PayPal.
Trả lời dư luận trên MetroTV, ông Pangerapan cho biết chính phủ sẽ tìm ra giải pháp để mọi người rút tiền gửi của họ khỏi PayPal, có thể bao gồm việc mở lại quyền truy cập vào trang web trong một thời gian ngắn. Các nhà chức trách sẽ bỏ chặn các trang web nếu họ tuân thủ các quy tắc đăng ký, ông nói, và khẳng định việc tuân thủ biện pháp này chính là cách bảo vệ cho người dùng Internet ở Indonesia.
Với ước tính khoảng 191 triệu người dùng Internet với dân số trẻ có hiểu biết về Internet, Indonesia là một thị trường quan trọng đối với các nền tảng công nghệ lớn.