Khó kiểm kê khí nhà kính, con đường hướng tới ngành công nghiệp xanh còn nhiều chông gai

Chuyển đổi xanh trong ngành công nghiệp là một xu hướng quan trọng trong việc phát triển bền vững. Để ngành công nghiệp được xanh hoá, cần tích cực giảm phát thải nhà kính, ưu tiên những sản phẩm an toàn và phù hợp với xu thế…

khi-thai-cong-nghiep-3782.jpg
Cần hạn chế giảm phát thải khí nhà kính

Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp đòi hỏi sự chuyển đổi từ các phương pháp sản xuất truyền thống sử dụng năng lượng, tài nguyên không hiệu quả và gây ô nhiễm môi trường sang các quy trình sản xuất sạch sẽ, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường

HẠN CHẾ VỀ MẶT CÔNG NGHỆ

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia và ký kết các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam đến năm 2030 là 27% so với kịch bản phát triển thông thường. Kiểm kê khí thải nhà kính là hoạt động quan trọng để xác định lượng phát thải khí nhà kính của các nguồn phát thải, từ đó có cơ sở để đề ra các giải pháp giảm phát thải.

Theo Quyết định 01/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp có tên trong danh sách bắt buộc thực hiện kiểm kê khí nhà kính bao gồm 1,912 cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính.

Từ năm 2024 trở đi, doanh nghiệp sẽ tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở định kỳ hai năm một lần, và gửi về UBND cấp tỉnh để thẩm định để gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Sau sự nghiệp kiểm kê khí nhà kính, kết quả của hoạt động kiểm kê sẽ là cơ sở để xét đến phạm vi định mức phát thải khí nhà kính trên từng đơn vị sản phẩm đối với các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh. Việc phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính tại các cơ sở từ giai đoạn 2026 đến hết 2030, và sau đó cho các năm tiếp sau.

than-bang-chuyen-2106-1701316834-4865.jpg
Tiến tới giảm phát thải khí nhà kính trong ngành xây dựng

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng phát thải khí nhà kính tại các cơ sở sản xuất của Việt Nam năm 2022 là 662,6 triệu tấn CO2 tương đương. Trong đó phát thải từ các cơ sở sản xuất chiếm khoảng 35%.

Cụ thể, ngành sản xuất xi măng có lượng phát thải khí nhà kính chiếm khoảng 10% tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam, ngành sản xuất sắt thép chiếm khoảng 8%, còn ngành giao thông vận tải đường bộ chiếm khoảng 25%.

Chia sẻ tại hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp - Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải”, ông Lê Minh Toàn Phương, Giám đốc Phát triển kinh doanh, Công ty Cổ phần Sàn Giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) cho biết, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng.

Do vậy, việc giảm phát thải khí nhà kính trong xây dựng, phát triển hạ tầng đô thị tại Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc giảm phát thải này cũng gặp phải những ràng buộc nhất định, bao gồm yếu tố từ nhu cầu tiên quyết phát triển nền kinh tế - xã hội, yếu tố kinh tế, yếu tố công nghệ.

Vị Giám đốc CCTPA nhận định, việc áp dụng các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính thường tốn kém hơn so với các giải pháp truyền thống. Điều này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện. Một số giải pháp giảm phát thải khí nhà kính đòi hỏi phải áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Tuy nhiên, các công nghệ này vẫn còn chưa phổ biến ở Việt Nam

NHIỀU BÀI HỌC THỰC TIỄN

Cũng tại hội thảo, ông Hoàng Văn Tâm, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương nhấn mạnh, kiểm kê khí nhà kính có cả thuận lợi và khó khăn.

Trong đó, thuận lợi kiểm kê khí nhà kính là có tính bắt buộc với căn cứ pháp lý đầy đủ, nhu cầu của doanh nghiệp và có hướng dẫn của quốc tế về kiểm kê và báo cáo thẩm định MRV (IPCC, WRI, ISO). Còn khó khăn, hạn chế là về nguồn lực con người và tài chính, về kinh nghiệm thực tiễn và số liệu khiếm khuyết, chưa đồng bộ.

Ông Tâm cho rằng, bài học kinh nghiệm trong kiểm kê khí nhà kính phải hoàn thiện chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu, nâng cao nhận thức của các bên có liên quan. Từng bước nâng mức độ, yêu cầu đối với kiểm kê khí nhà kính và đào tạo, tập huấn kiểm kê khí nhà kính cho các bên liên quan.

"Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đặt ra mục tiêu giảm thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực thích ứng với thiên tai, các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu".

z4999028748338-3a77d27ab6aec31e7a94d90e1be44e8e-4882.jpg
Ông Hoàng Văn Tâm, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương

Đồng thời, rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đầu tư công trình, hạ tầng cơ sở công nghiệp, thương mại, năng lượng, lồng ghép các vấn đề biến đổi khí hậu trong các quy hoạch, chiến lược.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương đã và đang triển khai các giải pháp về quản lý, giải pháp khoa học công nghệ, giải pháp về tăng cường hợp tác quốc tế và triển khai các giải pháp về đào tạo, tăng cường nguồn nhân lực kết hợp các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương đang hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ngành công thương, cũng như triển khai các hoạt động kiểm kê, xây dựng, quản lý vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về khí nhà kính của ngành và cơ sở, phối hợp với cơ quan đầu mối có liên quan triển khai các chương trình, nhiệm vụ về ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

GIẢI PHÁP ĐI ĐẾN CON ĐƯỜNG XANH

Trên thực tế, công trình xanh được phát triển trên thế giới từ những năm 1990 và dần trở thành phong trào, xu hướng đầu tư xây dựng và quản lý vận hành của các công trình ở trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Để đáp ứng mục tiêu phát triển xanh, bền vững, thúc đẩy mạnh mẽ các công trình xanh, vật liệu xây dựng xanh tại Việt Nam, ông Lương Quang Huy, Trưởng Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, việc nghiên cứu, lồng ghép, tích hợp các vấn đề về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của ngành cần chú trọng hơn nữa.

30-1639182420-thanh-pho-xanh-6341.jpg
Công trình xanh đang là xu hướng đầu tư mới

Đồng thời, Chính phủ và các Bộ, ngành cần tập trung nghiên cứu để xây dựng khung pháp lý cho các vật liệu xanh, các loại hình công trình, đô thị như công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng “0”, đô thị xanh, đô thị phát thải thấp, đô thị trung hòa carbon…

Về quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, bộ tiêu chí hướng dẫn thiết kế công trình xanh cần được thường xuyên rà soát, bổ sung, chỉnh sửa, ban hành mới. Từ đó, thúc đẩy, hỗ trợ thực hiện thiết kế, thi công và vận hành các dự án, công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận về sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp, trung hòa carbon.

image00320231222175103-8797.jpg
Ông Lương Quang Huy, Trưởng Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Đối với nguồn nhân lực, cần tăng cường nhận thức, nâng cao năng lực chuyên môn cho các đối tượng liên quan đáp ứng các yêu cầu về quản lý, nghiên cứu, tư vấn thiết kế, thi công xây dựng, đánh giá, chứng nhận, quản lý vận hành các dự án, công trình, sản phẩm vật liệu xây dựng xanh.

Còn ông Huỳnh Thành Trung, Công ty Cổ phần LEANWARES, Liên minh Visa nhấn mạnh, để nhận thấy được vai trò, tác động của hệ sinh thái trong việc giảm phát thải khí nhà kính đối với sản xuất công nghiệp thì các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn kịch bản giảm khí nhà kính để thích ứng với chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, kiểm kê khí nhà kính đang là thách thức của doanh nghiệp, bởi hiện nay tiêu chuẩn ngày càng nhiều hơn, càng khó hơn, mỗi thị trường lại khác nhau. Bởi vậy, các doanh nghiệp cần nắm được các tiêu chuẩn để đáp ứng được yêu cầu của thị trường để lựa chọn hướng đi cho mình.

“Đây cũng là cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, song cũng là thách thức trong tương lai để các doanh nghiệp có thể chuyển đổi xanh ngành công nghiệp”, ông Trung nói.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…