Chín tháng sau khi Ấn Độ công bố mục tiêu phát thải “bằng 0” vào năm 2070 tại hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc ở Glasgow, nội các liên bang của quốc gia này nay đã thông qua một kế hoạch khí hậu mới.
Các mục tiêu mới sẽ được đệ trình lên cơ quan khí hậu của Liên hợp quốc như một phần của thỏa thuận quốc tế, nơi các quốc gia công bố cách họ dự định giảm phát thải khí nhà kính. Hoa Kỳ hy vọng sẽ đạt được mục tiêu tương tự vào năm 2050 và Trung Quốc vào năm 2060.
Sự chấp thuận được đưa ra khi Ấn Độ đang chuẩn bị kỷ niệm 75 năm độc lập vào ngày 15/8 và chỉ còn ba tháng trước hội nghị khí hậu tiếp theo.
Khi kế hoạch của Ấn Độ ban đầu được công bố vào tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng Narendra Modi cũng nói rằng Ấn Độ sẽ tăng công suất hiện tại về điện không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, với năng lượng từ các nguồn sạch có thể đáp ứng một nửa nhu cầu của đất nước. Sản lượng điện xanh hơn của Ấn Độ đã vượt qua 41%.
Các mục tiêu phát thải mà nội các liên bang của Ấn Độ cuối cùng đã thông qua phần lớn phù hợp với thông báo của Thủ tướng Modi.
Theo các mục tiêu mới, Ấn Độ cam kết giảm 45% lượng khí thải gây ra bởi các hoạt động vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế của quốc gia vào năm 2030 so với mức năm 2005. Quốc gia cũng sẽ đặt mục tiêu đạt được khoảng 50% nhu cầu năng lượng từ các nguồn năng lượng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030 và thúc đẩy một chương trình của chính phủ liên bang khuyến khích mọi người thực hiện lối sống xanh.
Vaibhav Chaturvedi, một nhà kinh tế học tại Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước có trụ sở tại New Delhi, gọi sự phê duyệt này là một “bước quan trọng” đối với mục tiêu khí hậu của Ấn Độ.
Cơ quan khí hậu của Liên hợp quốc đã đưa ra thời hạn là ngày 31/7/2021, để các quốc gia cập nhật các mục tiêu đã được công bố ban đầu sau hội nghị khí hậu ở Paris năm 2015. Ấn Độ không phải là quốc gia tụt hậu duy nhất, như Trung Quốc và hàng chục quốc gia khác cũng không đạt được ngày mục tiêu.
Các quan chức Ấn Độ nói rằng sự chậm trễ phản ánh những thách thức đặc biệt mà đất nước phải đối mặt: Một mặt vì đây là một quốc gia có nhu cầu năng lượng đang tăng nhanh, mặt khác Ấn Độ cảm thấy nhiều khi họ bị yêu cầu một cách không công bằng khi phải ưu tiên các mục tiêu khí hậu so với các nhu cầu phát triển đất nước.
Harjeet Singh, người đứng đầu chiến lược chính trị toàn cầu tại Mạng lưới Hành động Khí hậu Quốc tế cho biết: “Kế hoạch cập nhật về khí hậu của Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh châu Âu và hầu hết các nước phát triển đang tiến hành khoan dầu và khí đốt nhiều hơn.”
“Tuy nhiên, sự chậm trễ trong việc cập nhật các mục tiêu có thể tránh được. Nếu họ công bố các mục tiêu này sớm hơn một vài tháng, nó có thể đã truyền cảm hứng cho các quốc gia khác hành động nhanh hơn và quyết đoán hơn đối với biến đổi khí hậu,” ông nói thêm.