Khối ngoại mua ròng hơn 2.700 tỷ đồng trong tháng 1/2023

Theo báo cáo mới nhất của HOSE, tổng giá trị giao dịch của khối ngoại trong tháng 1/2023 đạt trên 34.344 tỷ đồng, chiếm hơn 10,2% tổng giá trị hai chiều mua bán của toàn thị trường. Qua đó, khối ngoại đã thực hiện mua ròng khoảng 2.702 tỷ đồng…
khối ngoại mua ròng

Trước đó, trong năm 2022, khối ngoại đã mua ròng hơn 26.000 tỷ đồng, đảo chiều mạnh mẽ so với mức bán ròng 58.000 tỷ đồng trong năm 2021. Điều này diễn ra  bất chấp việc thị trường chứng khoán chịu nhiều sự tác động. Đơn cử như biến động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhiều cổ phiếu bất động sản bị bán giải chấp…

Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu cũng liên tục rớt giá mạnh. Những vụ việc vi phạm pháp luật của một số cá nhân, tổ chức xảy ra  ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư. 

Như vậy, việc khối ngoại tiếp tục mua ròng trở lại trong tháng đầu năm 2023 đã cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì được sự ổn định và vẫn hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. 

Năm 2023, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế và chủ động đề xuất Bộ Tài chính tổ chức trao đổi với các bộ, ngành liên qua để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi theo kế hoạch đã đặt ra. Đây cũng sẽ là một trong những yếu tố hỗ trợ thụ trường chứng khoán Việt Nam. 

Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Việt Hà, quyền Chủ tịch HOSE, hiện đa số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch này đều phục hồi sau đại dịch Covid-19 với hoạt động kinh doanh có lãi.

"Những kết quả khả quan về tình hình kinh tế- xã hội, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả là những yếu tố nền tảng tích cực của TTCK Việt Nam", bà Hà nhấn mạnh. 

Theo thống kê, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trong tháng 1 vừa qua, chỉ số VN-Index đạt 1.111,18 điểm, tăng 10,34% so với tháng 12/2022 và giảm 24,87% so với cùng kỳ năm 2022. Còn chỉ số VN-Allshare đạt 1,074,15 điểm, tăng 10,66% so với tháng 12/2022 và giảm 28,64% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số VN30 đạt 1.125,07 điểm, tăng 11,93% so với tháng 12/2022 và giảm 26,57% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng trong tháng 1, các chỉ số của cá ngành đều ghi nhận mức tăng, nổi bật được thể hiện tại các chỉ số: ngành nguyên vật liệu (VNMAT) tăng 19,29%; ngành tài chính (VNFIN) tăng 13,13%; ngành công nghiệp (VNIND) tăng 12,18%.

Thanh khoản thị trường trong tháng đầu năm 2023 cũng ghi nhận sự tăng trưởng với khối lượng và giá trị giao dịch bình quân phiên (chưa bao gồm giao dịch lô lẻ) lần lượt đạt trên 579,96 triệu cổ phiếu và 10.494 tỷ đồng, tương ứng giảm lần lượt 28,14% về khối lượng bình quân và 25,46% về giá trị bình quân so với tháng 12/2022.

Tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch (chưa bao gồm giao dịch lô lẻ) trong tháng đạt trên 9,2 tỷ cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch đạt 167.907 tỷ đồng và cũng giảm lần lượt 47,74% về khối lượng và 45,79% về giá trị so với tháng 12/2022.

Trong tháng 1/2023, khối lượng giao dịch bình quân chứng quyền (CW) đạt khoảng 21,22 triệu CW với giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 9,9 tỷ đồng; tương ứng giảm 42,88% về khối lượng bình quân và giảm 11,07% về giá trị bình quân so với tháng 12/2022. Tổng khối lượng và giá trị giao dịch CW trong tháng lần lượt đạt 339,61 triệu CW và 158,5 tỷ đồng, tương ứng giảm 58,46% về khối lượng và giảm 35,32% về giá trị giao dịch so với tháng 12/2022.

Tính đến hết ngày 31/01/2023, trên HOSE có 504 mã chứng khoán niêm yết. Tổng khối lượng cổ phiếu đang niêm yết đạt trên 141,49 tỷ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 4,43 triệu tỷ đồng, tăng gần 10,4% so với tháng trước, chiếm hơn 94,2% tổng giá trị vốn hóa niêm yết toàn thị trường và tương đương 46,6% GDP năm 2022.

Có thể bạn quan tâm