Không còn chuyện lợi dụng để ôm đất “vàng”, cổ phần hóa doanh nghiệp “giậm chân tại chỗ”

Doanh nghiệp muốn mua vốn của doanh nghiệp cổ phần hóa thường nhìn vào giá trị các khu đất "vàng" nhưng hiện nay nghiêm cấm nên tiến độ rất chậm...

Không còn chuyện lợi dụng để ôm đất “vàng”, cổ phần hóa doanh nghiệp “giậm chân tại chỗ”

Trong phiên trả lời chất vấn chiều nay (6/11), đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đã đặt nhiều câu hỏi về cổ phần hoá cho Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Theo đại biểu, tại Nghị quyết 62 của Quốc hội đã đặt ra nhiều yêu cầu đối với cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai còn rất chậm, chỉ đạt một phần nhỏ kế hoạch đề ra.

"Đặc biệt, cơ quan thanh tra kết luận nhiều doanh nghiệp nhà nước có sai phạm trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước", ông Cường nhấn mạnh.

Trước thực trạng trên, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết nguyên nhân, trách nhiệm đối với thực trạng này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp rất chậm
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp rất chậm

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận công tác cổ phần hóa giai đoạn này chậm do nhiều nguyên nhân.

Trong đó, nguyên nhân cơ bản nhất là doanh nghiệp muốn mua vốn của doanh nghiệp cổ phần hóa thường nhìn vào giá trị các khu đất “vàng” nhưng đến nay, Nghị quyết 60 của Quốc hội và nghị định Chính phủ quy định không cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất thuê chuyển sang đất ở, do đó, không còn địa tô chênh lệch nên không hấp dẫn doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương không phê duyệt phương án sử dụng đất, hay tính giá trị sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa cần thẩm định giá nhưng có nhiều rủi ro. Từ những lý do trên, các bộ, ngành, doanh nghiệp chưa trình phương án cổ phần hóa nên dẫn đến chậm trễ khi thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận công tác cổ phần hóa giai đoạn hiện nay
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận công tác cổ phần hóa giai đoạn hiện nay

Thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy trong 9 tháng của năm 2023, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022.

"Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước chỉ ghi nhận 1 doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Phà An Giang thuộc danh mục cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng".

Về tình hình thoái vốn, lũy kế 9 tháng của năm 2023 đã thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp, trong đó 03 doanh nghiệp theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg, 01 doanh nghiệp theo Thông báo số 281/TB-VPCP, với giá trị 8,8 tỷ đồng, thu về 19 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 07 doanh nghiệp với giá trị là 53,5 tỷ đồng thu về 206,3 tỷ đồng.

Ngoài những nguyên nhân kể trên, theo Bộ Tài chính, tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn chậm là do doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều tài sản chuyên ngành, khó xác định giá trị nên việc xử lý tài chính tài sản, nợ, xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị phần vốn nhà nước và công tác chuẩn bị hồ sơ, phương án cần nhiều thời gian.

Về nguyên nhân chủ quan, Bộ Tài chính đánh giá, nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa cao, chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nên còn tư tưởng né tránh.

Đồng thời, việc rà soát, lập kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức; công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn chưa tốt.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà đất theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trước khi cổ phần hóa, thoái vốn; còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính chưa được xử lý dứt điểm.

Việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, bộ, ngành liên quan trong xử lý vướng mắc phê duyệt phương án sử dụng đất; xử lý tồn tại tài chính còn kéo dài.

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi một cách đồng bộ cơ chế chính sách pháp luật liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...