Kido và các "vệ tinh" vẫn chật vật trong kinh doanh

Mặc dù đã không còn thua lỗ như quý đầu năm 2018 nhưng hoạt động kinh doanh của Kido vẫn chưa khởi sắc như trước đây, thậm chí 9 tháng lãi ròng còn giảm tới 99% khi chỉ đạt vỏn vẹn 4 tỷ đồng và cách r
Kido và các "vệ tinh" vẫn chật vật trong kinh doanh

Đồng thời, các công ty "vệ tinh" KDF, VOC cũng hoạt động khá khó khăn, ngoại trừ TAC.

Lãi ròng 9 tháng của KDC sụt tới 99%, lưu chuyển tiền thuần âm

CTCP Tập đoàn Kido (HOSE: KDC) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018 với tổng doanh thu ở mức 1.958 tỷ đồng, giảm gần 9% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, mặc dù doanh thu thành phẩm đã bán của Kido xấp xỉ cùng kỳ nhưng thu từ hàng hóa đã bán lại giảm gần phân nửa, xuống mức 399,6 tỷ đồng. Hàng bán bị trả lại cũng tăng hơn gấp đôi lên gần 20 tỷ đồng trong kỳ này. Do đó, doanh thu thuần của Kido giảm hơn 9% về mức 1.930 tỷ đồng. Trong đó, bán cho bên liên quan tăng vọt từ mức gần 24 tỷ của cùng kỳ lên tới gần 370 tỷ đồng.

 

Dù giá vốn giảm gần 8% nhưng lãi gộp của Kido chỉ đạt 369 tỷ đồng, giảm hơn 15% so cùng kỳ. Tương ứng tỷ suất lãi gộp biên cũng giảm từ 20,45% của cùng kỳ xuống mức 19.11% trong kỳ này.

Thêm vào đó, doanh thu tài chính sụt giảm mạnh hơn 44%, đồng thời chi phí lãi vay cũng giảm gần 22% khi chiếm gần 34 tỷ đồng.

Có lẽ sau công cuộc M&A thì bước đầu Kido đã ghi nhận lãi từ liên doanh liên kết khả quan hơn cùng kỳ khi gấp gần 4 lần cùng kỳ, đạt mức gần 66 tỷ đồng.

Trong khi chi phí bán hàng tăng 5% lên mức 310 tỷ đồng thì Kido đã tiết giảm được chi phí quản lý tới 14,5%, về mức 103 tỷ đồng.

Sau cùng, Kido đã ghi nhận mức lãi ròng khả quan hơn các quý liền trước khi đạt hơn 15 tỷ đồng, nhưng vẫn giảm đáng kể tới 67% so với cùng kỳ 2017.

Theo Kido, doanh thu bán hàng thấp hơn cùng kỳ do ảnh hưởng mảng kem và sữa chua, cùng với việc đầu tư mở rộng thị trường và đội ngũ bán hàng của ngành dầu ăn đã dẫn đến lợi nhuận sụt giảm.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần vẫn tăng hơn 12% khi đạt 5.975 tỷ đồng chủ yếu đến từ mảng kinh doanh dầu ăn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ con số lỗ gần 12 tỷ đồng của quý 1/2018 nên lãi ròng của Kido chỉ vỏn vẹn hơn 4 tỷ đồng, giảm tới 99% so mức 457 tỷ của cùng kỳ.

Kido và các "vệ tinh" vẫn chật vật trong kinh doanh ảnh 2

Kết quả kinh doanh quý 3/2018 và 9 tháng của Kido (đvt: tỷ đồng)

Đáng chú ý, tại thời điểm 30/09/2018, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Kido âm tới 149 tỷ đồng chủ yếu do tăng các khoản phải trả và tiền lãi vay đã trả.

Còn vay nợ tài chính ngắn và dài hạn của Kido không thuyên giảm so với đầu kỳ mà vẫn chiếm khá lớn, lần lượt là 1.325 tỷ đồng và 836 tỷ đồng.

Trong khi đó, tiền và các khoản tương đương lại giảm mạnh hơn ngàn tỷ đồng, xuống còn 684 tỷ đồng; ngược với đầu tư tài chính ngắn hạn lại tăng thêm 852 tỷ đồng, lên mức 2.227 tỷ đồng.

Lãi quý III của KDF chỉ vỏn vẹn 816 triệu đồng

CTCP Thực phẩm Đông lạnh KIDO (UPCoM: KDF) cũng ghi nhận doanh thu thuần giảm nhẹ trong quý III/2018, trong khi lợi nhuận lao dốc mạnh 98%, xuống còn 816 triệu đồng.

Kido và các "vệ tinh" vẫn chật vật trong kinh doanh ảnh 3

Kết quả kinh doanh của KDF

Theo KDF, doanh thu mảng kem và sữa chua bị sụt giảm do mức độ cạnh tranh cao. Cụ thể, đối với mảng kem, sự gia tăng ở phân khúc cao cấp đã bù đắp phần nào sụt giảm ở các phân khúc thấp hơn và điều này tiếp tục giúp Công ty đảm bảo thị phần. Còn mảng sữa chua tiếp tục giảm do ảnh hưởng của sự cạnh tranh về giá dẫn đến doanh thu thuần giảm khoảng 30%.

Với tình hình đó, KDF đã quyết định trì hoãn sự ra mắt các sản phẩm mới vì Công ty đang trong quá trình tổ chức lại việc bán hàng và cải thiện hiệu quả sản xuất.

Doanh thu từ thực phẩm đóng gói của TAC vẫn khiêm tốn, giá dầu giảm khiến doanh thu của VOC cũng giảm theo

Đối với CTCP Dầu thực vật Tường An (HOSE: TAC), mảng kinh doanh bán lẻ dầu ăn tăng trưởng trong quý III/2018 do đã bắt đầu vào giai đoạn cao điểm. TAC chuyển đổi dần từ các dòng sản phẩm giá trị thấp, lợi nhuận thấp và hàng xá có sản lượng bán ra lớn sang đẩy mạnh các dòng sản phẩm cao cấp nhằm tăng trưởng lợi nhuận, cải thiện khả năng sinh lời.

Tuy nhiên, doanh thu từ thực phẩm đóng gói vẫn còn khá khiêm tốn, do đang tiếp tục trong giai đoạn đầu phát triển và dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài đến quý IV/2018.

TAC dự kiến lợi nhuận của các sản phẩm mới sẽ khả quan hơn trong năm 2019 khi Công ty đã sàng lọc và lựa chọn được danh mục sản phẩm phù hợp.

Còn Tổng Công ty Công nghiệp Dầu Thực Vật Việt Nam (UPCoM: VOC), giá dầu giảm đã tác động đến mảng thương mại trong quý III/2018 khi doanh thu và biên lợi nhuận gộp đều giảm. Điều này ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của VOC vì mảng thương mại là mảng doanh thu cốt lõi.

Nhằm giảm thiểu sự biến động của doanh thu và lợi nhuận, VOC đang dần chuyển đổi sang kênh công nghiệp và xuất khẩu, nơi mà thị trường đang tăng trưởng và lợi thế về quy mô có thể bù đắp cho tỷ suất lợi nhuận thấp hơn trong mảng thương mại.

Theo Minh Anh/FILI

Có thể bạn quan tâm