Triển vọng tích cực ở các nền kinh tế lớn
Sau khi có sự phục hồi ổn định trong quý I, kinh tế EU tiếp tục được củng cố nhờ sự bứt phá mạnh mẽ ở khu vực sản xuất. Theo số liệu thống kê của HIS Market, chỉ số PMI của khu vực đạt 57,3 điểm vào tháng 5, mức cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, sự phục hồi của chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) từ cuối năm 2016 cũng cho thấy viễn cảnh lạc quan về hoạt động sản xuất ở khu vực Eurozone, góp phần vào sự cải thiện tình hình việc làm đồng thời kéo tỷ lệ thất nghiệp của khu vực giảm về mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua.
Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP cả năm của khu vực Eurozone lên mức 1,7%, tăng 0,1% so với dự báo trước đó. Trong khi đó phần bổ sung của báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2017 (ADOS) mà Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của EU từ mức 1,6% lên 1,8% trong năm nay.
Theo báo cáo triển vọng thị trường toàn cầu mà Bộ phận Tư vấn Quản lý Tài sản của Ngân hàng Standard Chartered vừa đưa ra, các rủi ro chính trị giảm (nhất là khi các ứng viên chính trị cực hữu ở EU thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua) đã giúp khôi phục niềm tin vào nền kinh tế và sẽ giúp chỉ số niềm tin khu vực châu Âu tiếp tục tăng. Đồng thời, kỳ vọng lạm phát giảm xuống tại khu vực này cho phép NHTW châu Âu (ECB) có thêm thời gian trước khi bắt đầu đảo ngược các biện pháp kích cầu vừa qua.
Trong khi đó tại Nhật Bản, kinh tế tiếp tục đi lên với tốc độ trên mức trung bình các năm gần đây. Đồng Yen suy yếu từ năm ngoái, cộng với sự hồi phục của thương mại quốc tế đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, qua đó hỗ trợ cho tăng trưởng. Hơn nữa, đã có dấu hiệu hồi phục của nhu cầu nội địa xuất phát từ giá dầu giảm và hiệu quả của kích cầu tài khóa trong năm trước.
Tuy nhiên, việc lạm phát vẫn dậm chân tại chỗ và áp lực giảm phát vẫn còn đó nên sẽ buộc NHTW Nhật Bản (BoJ) phải duy trì các chính sách nới lỏng. “BoJ nhiều khả năng sẽ không thể thắt chặt tiền tệ - bằng cách tăng lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm - trong thời gian 12 tháng tới”, báo cáo của Standard Chartered nhận định. Còn theo ADOS của ADB, tăng trưởng GDP của Nhật năm nay được nâng lên mức 1,1%, tăng 0,1% so với trước đó.
Tại Trung Quốc, ADOS của ADB đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của nước này lên mức 6,7% trong năm nay sau hai quý tăng trưởng khá tích cực vừa qua (đạt mức 6,9%). Trong khi đó theo Standard Chartered, tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm nay có thể chỉ đạt 6,5% trong bối cảnh các nhà điều hành thực hiện các bước đi để giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực tài chính trước kỳ Đại hội Đảng Cộng sản vào quý IV tới.
“Điều này sẽ kéo theo việc duy trì một số chính sách kích cầu có chọn lọc, trong khi BoJ thắt chặt chính sách tiền tệ ngắn hạn để giảm đòn bẩy tài chính”, báo cáo của Standard Chartered nhận định.
Tăng trưởng khiêm tốn của Mỹ không đáng lo ngại
Chuyển sang Mỹ - nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, ADOS hạ dự báo tăng trưởng xuống mức 2,2% trong năm nay (giảm 0,2% so với dự báo trước). Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2017 về mức 2%. Theo Công ty tư vấn đầu tư MarketIntello, nguyên nhân chính là vì các gói kích thích tài chính được đề xuất bởi Tổng thống Donal Trump hồi tháng 4, bao gồm việc nâng cao chi phí cơ sở hạ tầng và giảm thuế từng được kỳ vọng giúp nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, sự bất đồng quan điểm và các phản ứng cứng rắn của các đảng phái chính trị đã khiến chính quyền mới đã mất quá nhiều thời gian mà chưa đạt được một thỏa thuận thống nhất để thực hiện hành động cụ thể nào như đã hứa. Do đó, những nỗ lực đưa mục tiêu tăng trưởng GDP lên mức 3% hàng năm của Tổng thống Donal Trump vẫn chưa thể chuyển thành các biện pháp thực sự để kích thích nền kinh tế, chí ít là cho đến cuối năm 2018.
Tuy nhiên theo nhận định của MarketIntello, nhìn chung nền kinh tế thế giới trong nửa cuối năm 2017 sẽ diễn biến tích cực hơn do hàng loạt những rủi ro kinh tế và chính trị toàn cầu đang có chiều hướng giảm. Các nền kinh tế lớn sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi ở mức độ vừa phải.
Riêng đối với Mỹ, tăng trưởng dự báo sẽ vẫn ở mức khiêm tốn khoảng 2,1-2,3% trong năm 2017, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đặt ra của chính quyền Donald Trump. Và vì thế Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng sẽ không vội vã nâng nhanh lãi suất chính sách của mình. Giá trị đồng USD do vậy sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái yếu như hiện nay.
Sự hồi phục kinh tế toàn cầu giúp cho hoạt động thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục được cải thiện trong nửa cuối năm 2017. “Điểm sáng lớn nhất cho thương mại toàn cầu đến từ hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra sôi động ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi.
Bên cạnh đó, những rủi ro về chủ nghĩa bảo hộ và biệt lập dần lắng xuống khi các ứng viên chính trị cực hữu ở EU đã đón nhận thất bại trong các cuộc bầu cử Tổng thống cũng sẽ là triển vọng tích cực cho thương mại quốc tế trong nửa cuối năm 2017”, báo cáo kinh tế vĩ mô quý II của MarketIntello nhận định.
Viễn cảnh phục hồi của nền kinh tế thế giới nêu trên sẽ có tác động tích cực đến Việt Nam trên phương diện thương mại và đầu tư. “Đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang các nền kinh tế lớn, qua đó cải thiện được tốc độ tăng trưởng. Với việc Fed sẽ không vội vàng nâng lãi suất, đồng USD duy trì ở trạng thái yếu so với các đồng khác, tỷ giá USD/VND sẽ không còn chịu nhiều ảnh hưởng từ bên ngoài trong năm 2017.
Do sự phục hồi đà tăng trưởng cao của các nền kinh tế phát triển ở mức vừa phải, dòng vốn FDI cũng như dòng vốn đầu tư gián tiếp sẽ tiếp tục được giữ chân ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, việc giá dầu thô tiếp tục giảm dưới 50 USD/thùng sẽ khiến kế hoạch cải thiện GDP thông qua hoạt động hút 1 triệu tấn dầu thô của Chính phủ Việt Nam gặp nhiều thách thức”, báo cáo của MarketIntello lưu ý.
Theo Hồng Quân/Thoibaonganhang.vn