Mới đây, câu lạc bộ bóng đá Leicester City đã đạt được một thỏa thuận dài hạn với hãng giải khát lớn nhất Thái Lan là ThaiBev, nhờ đó một trong những thương hiệu bia của hãng là Bia Saigon cũng sẽ trở thành nhà tài trợ chính thức cho đội bóng mùa giải 2018-2019 và được in trên áo đấu.
"Đây là bước tiền rất lớn về quảng bá thương hiệu bia Sài Gòn ra với thế giới. Chỉ có điều, bước tiến này được thực hiện khi mà Bia Sài Gòn không còn là của DN Việt mà đã thuộc về người Thái.
Trên Website chính thức của câu lạc bộ Leicester City cũng thông báo, Bia Sài Gòn, công ty con thuộc tập đoàn ThaiBev sẽ là nhà tài trợ chính thức trong mùa giải 2018 – 2019. Theo đó, logo của Bia Sài Gòn sẽ xuất hiện trên áo đấu của đội bóng có biệt danh “bầy cáo”.
Những cổ động viên đã lỡ mua áo đấu của Leicester City trước đó sẽ được quyền gắn bổ sung logo Bia Sài Gòn miễn phí tại các cửa hàng bán đồ của Leicester City tại sân vận động King Power.
Phía Leicester City cho biết, Bia Sài Gòn là thương hiệu bia số 1 tại Việt Nam với sản lượng 1,59 tỷ lít mỗi năm. Với quan hệ hợp tác mới này, nhãn hiệu bia Sài Gòn sẽ xuất hiện ở mọi nơi trên sân vận động King Power, từ các tấm phông nền chuyên để phỏng vấn trước, sau trận đấu cho tới các biển quảng cáo.
Cuối năm ngoái, Sabeco, chủ thương hiệu bia Sài Gòn về tay tập đoàn Thaibev của Thái Lan trong một thương vụ M&A đình đám trị giá tới trên 5 tỷ USD. Đây là thương vụ bán vốn Nhà nước quy mô lớn nhất trong lịch sử tại Việt Nam.
Sau khi hoàn tất việc mua cổ phần chi phối tại Sabeco, Thaibev cam kết giữ lại thương hiệu Bia Sài Gòn và đưa các sản phẩm của Sabeco vươn tầm quốc tế. Bắt đầu từ tháng 6 năm nay, Thaibev đã đưa 3 thành viên của mình vào hội đồng quản trị của Sabeco.
Mặc dù vậy, các công ty phân tích nhận định, quá trình tái cấu trúc Sabeco sẽ cần có thời gian để đạt hiệu quả. Trong năm nay, Thabev cũng lên kế hoạch giảm lợi nhuận của bia Sài Gòn.
Phía Sabeco cho biết, kế hoạch kinh doanh năm nay có phần sa sút so với năm ngoái do chi phí đầu vào và thuế tiêu thụ đặc biệt tăng. Thuế tiêu thụ đặc biệt đã tăng từ 60% trong năm 2017 lên 65% trong năm 2018 và hầu hết các nguyên liệu đầu vào chính như lúa mạch, chai thủy tinh và lon đều tăng giá đáng kể.