Mở đường đưa vật liệu xanh vào dự án công

Để giảm phát thải, ô nhiễm không khí trong hoạt động xây dựng các chuyên gia khuyến khích doanh nghiệp nên ứng dụng các giải pháp xanh hoá. Song, ngành xây dựng đang gặp nhiều khó khăn khi thực hiện xu hướng xanh này...

cong-trinh-xanh-17281187690081326628882-7974.jpg
Xu hướng xanh đang được nhiều nhiều nhà đầu tư quan tâm

Theo các chuyên gia, việc giảm thiểu phát thải carbon, tái chế vật liệu và áp dụng tiêu chí xanh trong xây dựng không chỉ bảo vệ môi trường mà còn giúp doanh nghiệp tăng cường cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, việc vận dùng vật liệu xanh vào các dự án công hiện này còn nhiều vướng mắc, nhất là vấn đề định mức, đơn giá.

KHÓ DÙNG VẬT LIỆU XANH TRONG ĐẦU TƯ CÔNG

Tại tọa đàm "Xanh trong xây dựng", TS. Phan Hữu Duy Quốc, Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, 90% khói bụi ở đô thị là do hoạt động xây dựng. Hoạt động xây dựng tác động đến môi trường rất lớn, đó là điều tất yếu và vấn đề đặt ra là làm thế nào để giảm thiểu?

Tại nước ngoài, các doanh nghiệp rất coi trọng việc bảo vệ môi trường, tuyệt đối không dám lơ là. Nếu doanh nghiệp vi phạm thì không ai dùng sản phẩm của doanh nghiệp đó nữa, đây là cách người tiêu dùng và công chúng quay lưng đối với một sản phẩm, một nhãn hàng.

“Ngành xây dựng đang ở các “nốt trầm” nên tôi hy vọng các doanh nghiệp sẽ nâng cao ý thức tự giác về bảo vệ môi trường hơn nữa”, ông Quốc nói.

Hiện nay xu hướng xanh đang được nhiều nhiều nhà đầu tư quan tâm. Theo TS. Nguyễn Hữu Duy Quốc trào lưu xây dựng xanh trên thế giới bắt đầu từ 1995 và phát triển dần. Tại Việt Nam thì từ khoảng năm 2010, một số công trình đầu tiên áp dụng tiêu chí xanh tại Việt Nam xuất hiện vào năm 2014 và có chứng nhận quốc tế.

Dù vậy, những công trình được chứng nhận xanh thì chi phí đầu vào cao hơn cách sản xuất truyền thống như xi măng xanh (như xi măng FiCO), gạch không nung, điện nước có thể tái sử dụng... Nhưng nếu đánh giá chi phí vòng đời của công trình thì chi phí lại không cao và đặc biệt vật liệu xanh sẽ giảm khí carbon khá lớn.

Ông Quốc cũng đưa ra cảnh báo, đối với các ngành sản xuất, nguy cơ Việt Nam có thể mất lợi thế cạnh tranh nếu các doanh nghiệp không chú trọng giảm phát thải carbon mạnh mẽ. Ví dụ như ngành dệt may đã mất không ít đơn hàng về Bangladesh khi khách hàng chọn các nhà sản xuất có “dấu chân” carbon thấp.

anh-man-hinh-2024-10-07-luc-160907-6397.png
TS. Phan Hữu Duy Quốc, Thành viên Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Song, nhìn nhận vào thực tế, vị chuyên gia cho rằng, việc nghiên cứu khoa học công nghệ, quy chuẩn chưa theo kịp xu hướng xanh. Định mức đơn giá cũng đang vướng, nhất là những công trình công phải bám vào điều này để triển khai. Trong khi đó, lĩnh vực tư nhân không bị ràng buộc đơn giá.

Do đó, nhiều người cho rằng “nên bỏ những quy định cũ kỹ như đơn giá” để lĩnh vực nhà nước tiếp cận xu hướng mới, nếu không sẽ khó áp dụng xanh vào lĩnh vực giao thông.

Một khó khăn khác trong ngành giao thông ông Quốc nêu ra, tình trạng cát san lấp cao hơn giá thực tế; giá nhân công cũng vậy… Nếu không cập nhật, không số hóa quá trình xây dựng định mức, thì khó đi theo kịp thị trường, theo kịp thực tế.

"Vật liệu xanh không hẳn đắt tiền, nhưng liệu có nằm trong danh sách, có nằm trong định mức hay không, nếu không sẽ không làm được. Chính vì vậy, lĩnh vực tư nhân hay nhà đầu tư nước ngoài họ mạnh dạn hơn, đưa ra được nhận thức về xanh, tác động môi trường; có thể cạnh tranh với nhau... Còn lĩnh vực đầu tư công lại khác. Nếu giải phóng được điều này may ra mới khởi sắc”, ông Quốc đưa ra quan điểm.

CẦN RÚT NGẮN ĐỘ TRỄ CỦA CÔNG NGHỆ XANH

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Hà, Giám đốc tư vấn kỹ thuật và Phát triển kinh doanh Fico-YTL một số dự án như Lego, Pandora thì vật liệu cấp vào cần có chứng chỉ xanh. Hiện nay, còn một số dự án đầu tư công thì chưa thấy các chứng nhận về bê tông xanh.

“Đến nay, trong các chỉ dẫn kỹ thuật, nhiều công trình vẫn sử dụng các vật liệu xi măng thông thường có độ phát thải 850kg CO2/tấn bê tông, đó là mức cao trong xu hướng giảm phát thải carbon toàn cầu hiện nay. Chúng ra có thể dùng cọc khoan nhồi thay thế bằng xi măng có vật liệu tái chế cao, giảm phát thải tốt”, ông Hà đưa ra ý kiến.

vat-lieu-xanh-la-gi-6618.jpg
Nghiên cứu vật liệu xanh là giải pháp giảm ô nhiễm môi trường hiệu quả

Trong thời gian 5 năm vừa qua, Fico-YTL đã có nhiều đầu tư, nghiên cứu để đưa ra dòng xi măng xanh, giảm phát thải với nhiều dòng xi măng giảm phát thải từ 30 - 60% so với trước đó.

Dù vậy thời gian tới, ông Hà cho rằng, áp lực giảm CO2 là thử thách lớn vì đặc trưng của xi măng là dùng đá vôi và nung nên sẽ gây ra phát thải.

“Chúng tôi cũng cần có đầu tư, nghiên cứu, làm việc với các đơn vị để có công nghệ mới nhằm giảm phát thải hơn; cố gắng tăng tỷ lệ thay thế nguyên liệu (than đá, dầu hóa thạch lên đến 30%); nghiên cứu công nghệ thu hồi CO2, thu hồi nhiệt thừa để phát điện, nguồn điện có thể sử dụng thắp sáng...”, ông Hà bày tỏ.

Đồng quan điểm với các vị chuyên gia trên, PGS.TS Trần Văn Miền, Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, công trình xây dựng nào khi thi công cũng ảnh hưởng đến giao thông do rào chắn, giảm diện tích lòng đường, gây tắc đường, khói bụi. Dù vậy, rất cần rà soát các chế tài chặt chẽ để buộc nhà thi công thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

“Việc in 3D cũng giúp lưu trữ, “nhốt” CO2 cũng tốt hơn, tức nhốt CO2 trong bê tông. Các nước áp dụng công nghệ in 3D vào thi công cầu bộ hành, nhịp cầu ngắn qua kênh khoảng 15-20m, hay cầu đi bộ trong các khuôn viên tại Hà Lan”.

ong-mien-1728289896991655770455-2616.jpg
PGS.TS Trần Văn Miền , Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP.HCM

Hiện nay Đại học Bách khoa đang nghiên cứu công nghệ in 3D thiết kế thi công tự động hóa không cần ván khuôn. Loại bê tông đặc biệt này sẽ in theo mô hình đã được lập trình.

Ưu điểm của công nghệ này là nhân công ít, lượng phát thải công trình xây dựng thấp, tốc độ thi công nhanh 24/24.

Công nghệ này hướng đến các kiến trúc độc đáo, không lặp lại. Thậm chí, các loại ván khuôn bằng bê tông sau này có thể tận dụng làm cấu kiện trong xây dựng.

Về nội dung này, TS. Nguyễn Hữu Duy Quốc bổ sung, hiện nay công nghệ mới khi trộn bê tông tươi cũng có thể “nhốt”, gom khí CO2 hóa lỏng để giảm phát thải.

Mặc dù vậy, các chuyển động về công nghệ vẫn khá mới mẻ, việc luật hóa các tiêu chí để đẩy nhanh quá trình ứng dụng vật liệu xanh vào công trình vẫn khá chậm.

“Ví dụ như câu chuyện về bê tông nhựa rỗng thoát nước, mặc dù đã du nhập công nghệ vào Việt Nam từ 10 năm trước nhưng đến nay, sau 10 năm nghiên cứu, xây dựng định mức đơn giá mới có thể ứng dụng vào dự án Vành đai 3 TP.HCM và sắp tới là Vành đai 4. Khá chậm, nhưng công nghệ mới nào đưa vào cuộc sống cũng có độ trễ”, ông Quốc nói.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…

Ông Nguyễn Trường Sơn, CEO iHouzz, chỉ ra 7 xu hướng công nghệ sẽ tái định hình thị trường bất động sản trong tương lai

7 xu hướng công nghệ định hình lại cuộc chơi bất động sản

Một trong những xu hướng được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ từ năm 2025 là “All-in-one Real Estate Transaction” (Giao dịch bất động sản tất cả trong một), không chỉ đơn giản hóa trải nghiệm khách hàng mà còn là tiền đề cho sự phát triển của sàn thương mại điện tử bất động sản trong tương lai gần…