Mỗi ban mai thấy nhiều chân trời lạ

Thực hiện hành trình vào lõi các vùng di sản Ai Cập 5 ngàn tuổi bằng du thuyền. Đó là một sự lựa chọn đúng bởi sự tiện nghi và tính hiệu quả...

nha-bao-do-doan-hoang-6896.jpg
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng

Khi còn trẻ, tôi đã ước mơ đi khắp thế giới, tất cả là do sự “xúi giục tuyệt vời” của chú Dế Mèn đi đứng rất oai vệ ra dáng ta đây con nhà võ, thi thoảng lại đá chân tanh tách thị uy. Chú ấy được cụ Tô Hoài đáng kính cử đến và cầm theo cuốn sách “Dế mèn phiêu lưu ký”. Chàng dế vô tình hay hữu ý đã đẩy tôi vào cái khát vọng đi khắp nhân gian, đi “phiêu linh” với thế giới đại đồng.

DU THUYỀN SÔNG NILE NGẮM NHỮNG "TOÀ LÂU ĐÀI TRÊN SÓNG NƯỚC"

Được Vietravel tư vấn, chúng tôi đã thực hiện hành trình vào lõi các vùng di sản Ai Cập 5 ngàn tuổi bằng du thuyền. Đó là một sự lựa chọn đúng bởi sự tiện nghi và tính hiệu quả.

Đi theo kiểu truyền thống thì lên xe xuống ngựa, sáng thức dậy ăn uống vội vàng, tập hợp nhau, khệ nệ lếch thếch kéo vali, đeo ba lô túi rết lũ lượt lên chiếc xe to đùng chạy xuyên qua cái nóng hầm hập (dù khi chúng tôi tới, đã là mùa mát nhất của Ai Cập) rồi đi tham quan.

Chiều lại tập hợp nhau nhận phòng, chia phòng, khình khịch đẩy các vali hành lý to đùng (với nhiều người là máy ảnh máy quay, thuốc thang, nước uống và tư trang nặng nề khác). Ổn định phòng xong thì đã khuya khoắt. Sáng hôm sau lại chia tay nơi ở đó, lên xe, kéo vali, đến nơi ở mới, điểm tham quan mới. Càng cuối hành trình, quà cáp, đồ lưu niệm càng nặng, sức người càng oải, mỗi lần di chuyển càng vất vả, nhất là với người già và các gia đình có trẻ em.

Còn đi theo kiểu khám phá kết hợp du thuyền trên con sông Nile dài nhất thế giới chảy qua 11 quốc gia trước khi đổ vào biển Địa Trung Hải, chúng tôi đã có những trải nghiệm thật khó quên.

nhansu-2663.jpg
Tượng nhân sư khổng lồ, bên các kim tự tháp khổng lồ, có thể khiến bất cứ ai cũng phải sững sờ

Sau khi khám phá Bảo tàng Quốc gia Ai Cập, quần thể Kim tự tháp Giza lớn nhất thế giới (công trình duy nhất đến nay còn tồn tại nguyên vẹn của danh hiệu “Bảy kỳ quan thế giới cổ đại”), tượng Đại Nhân sư (bức tượng đá nguyên khối lớn nhất thế giới, dài khoảng 73,5m; cao 22,2m)…, chúng tôi lên máy bay, trực chỉ thành phố di sản Aswan ở mãi cực Nam của Ai cập. Thăm đủ High Dam (con đập kỳ vĩ trên sông Nile, kè thuỷ lợi lớn nhất thế giới), các Đài tưởng niệm huyền thoại…; chúng tôi bắt đầu lên du thuyền khổng lồ đi dọc sông Nile nhiều ngày.

Du thuyền cao tầng, có đủ hồ bơi, nhiều phòng ốc khang trang phục vụ vài trăm du khách cùng lúc, thêm nhiều nhà hàng, quán bar, khu mua sắm, phòng gym, beauty salon, massage, wifi, buffe sáng, trưa - tối đều được phục vụ đồ ăn “muôn hồng ngàn tía”, tiệc trà, tiệc rượu, ca nhạc...

Tóm lại, khi đã lên thuyền, bạn hoàn toàn có thể sẽ không có nhu cầu lên bờ nữa, bởi cái gì trên du thuyền cũng có, Trong một hành trình du lịch, dù đến khách sạn 5 sao, bạn cũng chỉ cần các nhu cầu không hề hơn chút nào so với số dịch vụ “phủ kín” của toà lâu đài nổi trên mặt nước sông Nile này.

Cái quan trọng là: bạn có một ngôi nhà di động trên mặt nước, ngoạn cảnh lúc nào cũng có thể ở góc panorama 360 độ, thậm chí các góc nhìn êm đềm thay đổi một cách kỳ thú. Lúc bạn ngủ thì du thuyền đi mơ màng trên sông Nile. Sáng ra, du thuyền ghé vào một bến sông huyền thoại, có thể đó là thành phố Luxor mỗi bước chân nhiều di tích vài nghìn năm tuổi lừng danh thế giới, có thể đó là các đền đặc trưng văn hoá Ai Cập, có khi văn hoá Hy Lạp, La Mã với các cây cột đá sừng sững như cột chống trời đã được vinh danh là Di sản Văn hoá Thế giới từ mấy thập niên trước. Từ đền Kom Ombo, đến đền Karnak, rồi đền Horus, tới Thung lũng các vị vua, đền thờ nữ hoàng Hatshepsut hoặc Khu di tích sững sờ Colossi Of Memnon…

doan-du-khach-viet-nam-ben-di-tich-co-colossi-8651.jpg
Đoàn du khách Việt Nam bên di tích cổ Colossi

Toàn bộ hành lý bạn để trong phòng riêng, phòng nhìn ra sông Nile ào ạt sóng nước, có thể mở cửa nhìn nước trong vắt bắn li ti tận lan can, có thể đóng cửa kính trong vắt mà ở trong phòng điều hoà 24/24 mà thưởng lãm sa mạc cát vàng ươm trong nắng chiều, đôi bờ Nile giang mướt mát và chim chóc đủ loại đến gần tới mức bạn hú hét lên mà chúng chả thèm sợ.

Căn nhà di động cứ lừng lững đi đến bến sông, đến khu vực các thành phố lớn tráng lệ và cổ kính là nó dừng lại. Bạn cầm chiếc chìa khoá từ mỏng dính, đi bộ lên di tích thăm ngắm thả sức. Có khi bạn đi từ sáng đến tối trên một thành phố nào đó, trời nhá nhem lại ung dung bước về căn nhà với đầy đủ hành lý cho chuyến du hành xuyên lục địa dài ngày.

Cũng may là, có thể ngày xưa, các Pharaon ba bốn nghìn năm trước cũng chủ yếu tận dụng đường sông để vận chuyển vật liệu và cưỡi thuyền rồng (ví dụ thế), nên đền tháp nổi tiếng quy tụ rất nhiều ở ven sông Nile. Thế nên, với du khách, tour du thuyền ngày nay trở nên rất đắc địa.

AI CẬP CỔ XƯA VÀ HIỆN ĐẠI

Không bị tiêu tốn thời gian vào việc lên xe lớn xe nhỏ, vác hành lý ra vào và sắp xếp phòng ốc ở các khách sạn du lịch đông như trẩy hội nên thời gian dành cho việc cảm nhận, khám phá, chụp ảnh được nhiều hơn, kỹ hơn, an nhàn hơn rất nhiều.

Cũng có khi, như khi đi Thung lũng các vị vua (Valley of the Kings), một điểm đến quan trọng với vô vàn điều thú vị đến kinh ngạc của hành trình nhưng khá xa sông Nile thì: chúng tôi phải rời du thuyền, lên một cái ô tô lớn đi xuyên các miền đất dài rộng của sa mạc Sahara gần hai chục tiếng đồng hồ.

Nhưng cảm giác vẫn nhàn tản hơn rất nhiều, vì mỗi người chỉ mặc bộ quần áo mỏng, khoác cái máy ảnh hay cầm cái điện thoại thông minh mà đi khám phá; toàn bộ hành lý bỏ trong các phòng nghỉ tiêu chuẩn 5 sao trên du thuyền.

Tối, xe chở ra bờ sông Nile cách di tích không xa (vì trong khi chúng tôi tham quan, căn nhà di động trên sóng nước đã lùi lũi đi tới khúc sông gần về phía chúng tôi để chờ đợi).

Sông Nile trong vắt, cả vùng sa mạc cát và cả các miền quê trù phú đôi bờ đều kỳ thú, “mỗi ban mai thấy một khung trời lạ”. Khung cảnh bên sông liên tục chuyển động và phô ra những gì đặc trưng nhất của Ai Cập cả cổ xưa và hiện tại.

Từ những chiều bảng lảng khói sương, đến những bình minh và hoàng hôn nhuộm thắm đôi bờ, cả lúc trăng lên xanh mơ và trùm lên vẻ hưng phế mấy nghìn năm của đền tháp Aswan, Luxor, Karnak, Horus…

hinh-4-4154.jpg
Một góc sông Nile

Những vẻ đẹp nao lòng ấy, bạn cứ ngồi trong phòng mình mà ngắm, hoặc lên bể bơi, lên quầy bar sân thượng du thuyền mà chiêm ngưỡng. Khỏi cần lần tìm hay căn giờ phục kích để chụp ảnh.

Khi tàu qua các cửa đập nổi tiếng của Ai Cập, khi người bản địa buộc dây vào du thuyền, bám lấy “toà lâu đài khổng lồ trên mặt nước” mà bán hàng (ném hàng từ mặt sông lên tầng cao của con tàu, nhận tiền khi khách ném… xuống sông) - những hoạt cảnh thú vị chắc chỉ có ở Ai Cập ấy lần lượt hiện ra.

Mỗi lần tàu dừng lại, có khi khuya khoắt ở một thành phố lần đầu tiên (có thể là lần cuối cùng) bạn bước chân lên đó, đền đài, tượng đá uy nghi, cuộc sống của cư dân đôi bờ còn nhiều kham khó. Tất cả, có thể lưu lại trong bạn những xúc cảm nao lòng.

Mọi thứ thật giản dị, giá cả vừa phải, chứ không “trên trời” như định kiến của mọi người về cái thời hai chữ “du thuyền” gắn liền với sự sang chảnh, đắt đỏ, chỉ dành cho các tỷ phú. Giờ, trên sông Nile, có tới 1.400 du thuyền như mô tả ở trên, dịch vụ được ủng hộ và thịnh phát tới mức: có khi, từ bờ sông, bạn phải đi qua 3-4 cái du thuyền to đoành trên mặt sông Nile mới tới được làm cho “lâu đài trên sóng nước” của mình.

VẪN CÒN ĐÓ GIẤC MƠ ĐI LẠC

Tôi ở đây, trên đất Ai Cập, giữa thành phố cách Dải Gaza đang khói lửa bịt bùng không quá xa. Con số ngót một vạn người thương vong sau ít này chiến sự Israel và Hamas chắc chắn chưa dừng lại. Ai Cập, Sông Nile, Kim Tự Tháp, các ngôi đền cổ có từ trước công nguyên cả nghìn năm ở Luxor, Aswan… Tất cả thật bình yên và cổ kính, dẫu đoạn chat của anh bạn người Do Thái với tôi - như có cả mùi thuốc súng và nỗi đau của thảm hoạ nhân đạo bi thiết…

Giữa hỗn loạn cảm xúc ấy. Tôi cảm khái nhìn lại! Số “Kỳ quan thế giới mới” tôi đã khám phá, đi đến, chụp ảnh, quay phim, viết thành báo, viết thành sách, cũng… kha khá rồi. (Nói khẽ, thì 50 rồi, không được tí nào thì chắc là chả bao giờ được tí nào nữa đâu).

Thế là ngồi trên du thuyền dọc sông Nile dài nhất thế giới (6.650km) ngày nọ ngày kia để thống kê. Như người già đếm những viên bi ve xanh như mắt mèo tuổi ấu thơ.

Năm 1993, lúc cất bước ra khỏi làng, tôi nghĩ mình là Đờ Ắc Ta Nhăng (phiên âm thế cho đúng chất Cổ ấp Đường Lâm) bước ra từ sách “Ba người lính ngự lâm”, đeo kiếm (và hơn cả thế “lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa”) về đô thành đọ kiếm bảo vệ những giá trị của hiệp nghĩa. Hoặc, tôi ngỡ mình là Đôn Ki Hô Tê, ngựa gầy, mũ giáp hoen ghỉ, kiếm cùn nhụt; mà một mình một ngựa chu du thiên hạ tìm kiếm chuyện phiêu lưu, đạp bằng mọi gian nguy, bênh vực kẻ nghèo hèn…

Và, dù ảo tưởng hay ngộ nhận cỡ nào đi nữa, hoặc không ảo tưởng tí nào đi nữa; sự thật là tôi vẫn cất bước ra đi như số phận đã sắp đặt. Danh sách Bảy kỳ quan thế giới mới (rồi Bảy kỳ quan của thế giới cổ đại, rồi các điểm bạn “Nên đến trước khi chết” - befor you die - mà loài người đã bình chọn và khuyên nhủ) - tất cả, chúng cứ đay đả trong một nỗi thèm muốn treo lơ lửng.

Lúc khó khăn kiếm tiền ăn cơm bụi còn chả đủ, thì niềm mong mỏi ấy càng trở nên có gì đó rất không tưởng, nó xa ngoài tầm với, xa như cố đến hái rau muống hoặc băm bèo nuôi lợn ở một tiểu hành tinh cách chúng ta hàng tỷ năm ánh sáng. Bởi, lúc ấy, tôi đạp xe về Hà Nội học đại học, túi không có một xu, xe đạp Cửu Long cũ đến mức cái pê đan đã bị rơi từ hồi bố tôi sử dụng nó, khi tôi còn chưa biết đi xe đạp.

Ở vị trí hai cái pê đan ấy chỉ còn lại hai cái bút chì bằng sắt để đạp vào thôi. Tôi đạp đến mức hai thanh sắt tròn sáng choang và mòn vẹt đi. Từng đôi dép tổ ong sẫm màu thời ấy bị “chém ngang lưng” rồi đứt đôi do sự giày xéo vần vò của cái bút chì đó. Rồi một ngày đẹp trời, nó rụng đi trong một cú hẫng vượt ổ gà trên Quốc lộ 32, con đường đau khổ mà nói như bố tôi (năm nay 78 tuổi): “Cả tuổi thanh xuân của tao, họ cứ làm đi làm lại, làm tái làm hồi mà chửa xong mấy khúc đường ấy. Bụi như B52 trải thảm”.

Thế rồi tôi đã đặt chân đến nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt đã có mặt tại 5/7 kỳ quan cổ đại và 1 kỳ quan thứ 8 (danh dự) mà vẫn đau đáu ước ao đến mấy chỗ còn lại cho “bõ công bác mẹ sinh thành ra ta”.

anh-man-hinh-2024-02-08-luc-152157-373.png
Ông Phan Anh Tú, một chuyên gia bóng đá nổi tiếng Việt nam cùng vợ bên kim tự tháp Giza

Lúc tôi đến Khu lăng mộ - Đại Kim tự tháp Giza (Cairo, Ai Cập), chiến tranh ở Dải Gaza đang ầm ĩ, cửa khẩu phía Ai Cập vào Gaza đang mở để các đoàn xe cứu trợ nhân đạo vào.

Tuy không được vào trong Kim tự tháp, nhưng chúng tôi vào thăm các xác ướp cổ với cảm xúc vô vàn khó tả, các cụ, mà toàn pharaon với nữ hoàng từ ba bốn đến gần năm nghìn năm trước bằng xương bằng thịt hiện diện cách tầm mắt chúng tôi chục xăng ti mét.

Đi trên máy bay, nhìn từng kim tự tháp nhô lên ngạo nghễ giữa sa mạc miên man cát, mới càng nghĩ: hay đó là các điểm “đánh dấu” của người ngoài hành tinh? Vào các hầm mộ xác ướp ở Thung lũng các vị vua, nhìn các bức vẽ ngộ nghĩnh và cổ xưa, màu sắc vẫn tưng bừng sau mấy nghìn năm; nhìn nghệ thuật tạo tác các bức tượng mới ngỡ ngàng khâm phục nền văn minh Ai Cập cổ.

Đọc tài liệu, tôi thấy khó lý giải nhất là vụ: để ly sữa tươi trong kim tự tháp rất lâu mà nó vẫn tươi, không ôi thiu gì cả; để đồng xu hoen ghỉ ở đó, ít lâu sau nó sáng bóng. Lại thêm, nơi thờ ông vua (pharaon vĩ đại) ấy, người ta quay mặt lăng mộ thế nào đó, tính toán chiều cao khe hở ra sao đó, mà mỗi năm chỉ một ngày duy nhất là ngày sinh nhật ông ấy, thì ánh mặt trời mới soi tỏ gương của bức tượng ông trong đáy sâu nhiều triệu tấn đá. Kỳ công, kỳ khu và các kiến thức đó có khi vượt xa chúng ta bây giờ, nhưng đã bị thất truyền qua ông thợ vặt lông vịt vĩ đại và tàn nhẫn – Thời gian – chăng?

Hay người ngoài hành tinh đã đến rồi tính toán thế nào đó để các kim tự tháp nằm thành đường thẳng tắp với các điểm kỳ dị của thế giới: Tam giác Quỷ Bermuda - Đại Tây Dương (nơi nuốt chửng đủ thứ tàu bè, máy bay một cách kinh hoàng), rồi điểm Silent Zone - Mexico (nơi vô hiệu hoá mọi sóng âm, sóng điện thoại, sóng nọ sóng kia)… - tính toán, ủ mưu, để lại nhiều công trình kỳ bí, rồi họ biến mất hoặc vẫn ở đâu đó nhưng không để lại nhiều các bước đi thần thánh (và chơi trò đuổi bắt) của mình cho nhân loại chiêm ngưỡng nữa?

Ở Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc), tôi đã có dịp thăm ngắm, leo núi, đi dọc nhiều đoạn tường thành kỳ vĩ và ôm tấm biển đá “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán” để… chụp ảnh (chụp xong thấy mình chả hảo hán thêm tí nào). Nghe nói, từ mặt trăng nhìn về trái đất, Vạn lý Trường Thành là công trình nhân tạo duy nhất có thể “hiện ra”.

Trường thành cũng hiện đại quá, khác xa với những gì tôi hình dung về cái thời ngăn Hung Nô, oánh nhau qua bao hưng phế phong trần kiểu “Vị Thành triêu vũ ấp khinh trần, Khách xá thanh thanh liễu sắc tân. Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu, Tây xuất Dương Quan vô cố nhân”. Tôi với bác làm một chén rượu tiễn biệt nhé, quân tử tiễn nhau tặng chén rượu và vài lời khuyên, tiểu nhân thì chỉ biết tặng tiền bạc kim ngân này nọ. Bác đi về thành Dương Quan, không còn ai tri kỷ nữa đâu, nhé!

Tôi cũng đã đến Đấu trường La Mã Colosseum (nằm trong thủ đô Roma của Italia) vài lần. “Giọt mưa xuân hoang phế” này được xây vào khoảng năm 70 đến năm 80 sau Công nguyên. Không biết bao nhiêu tù binh, bao nhiêu nô lệ đã giết nhau và bị mãnh thú giết để mua vui cho những kẻ coi nỗi đau của đồng loại là nguồn mua vui. Đâu đó, tôi đọc một câu chuyện bảy thực ba hư nhưng rất có giá trị trong thực tiễn của lòng nhân ái: rằng, hai toán tù binh chiến tranh bị đưa ra đấu trường La Mã để mua vui.

Họ vốn là một đội quân tinh nhuệ cùng chiến đấu vì một lý tưởng. Giới ham vui ép uổng: các ngươi chia hai, cầm lấy vũ khí, xông vào chiến đấu, bên nào thắng, giết nổi bên kia, thì được tha mạng sống. Hai đoàn chiến binh lặng lẽ, cùng tuốt gươm, lần lượt từng người đâm vào cổ mình tự vẫn. Tất cả các tráng sỹ đều chiến thắng trước những kẻ bị số phận tước mất lòng nhân ái đang ngồi trên khán đàn của đấu trường lớn nhất của Đế chế La Mã - hơn 50 nghìn chỗ ngồi.

Với Machu Picchu (ở Peru – Nam Mỹ), tôi và một anh bạn người Việt hiện đang sống ở Bỉ đã vô cùng sửng sốt khi bắt gặp những dấu tích của người Inca và nền văn mình Inca, thời tiền Colombo – một thành phố bị bỏ quên trong rừng già và sương mù suốt hàng thế kỷ.

Tại Mahal - Ấn Độ, các tòa lâu đài, đền tháp bằng đá cẩm thạch được người đời ca tụng là “giọt lệ nồng nàn vương trên gò má thời gian”, công trình có thể đổi màu tùy theo nguồn sáng ở các thời điểm trong ngày. Tôi đã chứng kiến những khoảnh khắc ông mặt trời “rót” cái ánh sáng vàng mật vào các công trình đá cẩm thạch mà tự hỏi “Ta là ai và người từ đâu? Ta từ đâu và người là ai?”. 10 năm trước đã thế, 10 năm sau nếu còn trở lại - vẫn thế!

Trong “danh mục” các điểm tham quan 8 kỳ quan thế giới mà tôi đã đặt chân đến còn có Tượng Chúa Kitô Cứu Thế ở Rio de Janeiro ở Brazil. Tôi đến đó một mình trong hành trình “phượt” Nam Mỹ - từ mỏm Paraguay, đập thủy điện kỷ lục thế giới Itaipu, đến bờ thác Iguazu của Argentina rồi quay lại Brazinl, Sao Paolo và cả Peru huyền thoại.

Ngần đấy chưa đủ, vẫn thấy thiêu thiếu, nhức nhối vì chưa đến được thành phố cổ Petra ở Jordan – một nơi bí ẩn và hấp dẫn; Khu di tích Chichén Itzá (Mêxicô), kỳ tích còn lại trên mặt đất của nền văn minh Maya. Tôi - kẻ đang còn trong một cơn mơ đi lạc. Hãy chờ nhé!

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Tỷ phú Elon Musk: Không gì lãi bằng "buôn vua"!

Tỷ phú Elon Musk: Không gì lãi bằng "buôn vua"!

Chiếc ghế ông chủ Nhà trắng đã được xác định với phần thắng thuộc về liên danh Donald Trump và JD Vance. Nhưng cuộc marathon bầu cử Tổng thống Mỹ còn xác định một người chiến thắng khác, ấn tượng hơn nhiều: Elon Musk!

Những nhân vật chủ chốt trong chính quyền Trump 2.0

Những nhân vật chủ chốt trong chính quyền Trump 2.0

Tổng thống đắc cử Donald Trump đang khẩn trương chuẩn bị đội ngũ nội các và nhân sự cấp cao cho nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng. Những lựa chọn này hứa hẹn sẽ giúp định hình chiến lược lãnh đạo mới của ông trong bốn năm tới…

Đón làn sóng đầu tư mới

Đón làn sóng đầu tư mới

Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại toàn cầu và những thay đổi trong chuỗi cung ứng...

Doanh nhân Võ Thành Đàng: Đường Quảng Ngãi tăng sức cạnh tranh nhờ chuyển đổi số

Doanh nhân Võ Thành Đàng: Đường Quảng Ngãi tăng sức cạnh tranh nhờ chuyển đổi số

Là một trong những nhà máy sản xuất đường lớn nhất Việt Nam, trong những năm qua, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) đã tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ trong quản trị điều hành cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp tăng hiệu quả, giảm kinh phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm...